Trước áp lực tăng trưởng tín dụng cao hơn năm ngoái và định hướng điều hành lãi suất theo xu hướng giảm, các ngân hàng đang tích cực xoay xở huy động vốn đầu vào nhằm đảm bảo thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm.
Ngân hàng đối mặt áp lực thanh khoản
Trong 6 tháng đầu năm 2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đã tăng 8,3% so với cuối năm trước, đạt khoảng 16,9 triệu tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng hơn hai năm trở lại đây. Tăng trưởng tín dụng được dự báo có thể vượt ngưỡng 16% vào cuối năm, phản ánh sức cầu vốn mạnh mẽ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, tốc độ huy động vốn lại tăng chậm hơn, chỉ đạt 6,11% tính đến ngày 26/6, theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính). Trong cùng kỳ, tổng phương tiện thanh toán tăng 7,09%, cao hơn so với mức 2,48% của năm ngoái.
Mặc dù người dân và doanh nghiệp đã tiếp tục gửi thêm khoảng 900.400 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, tăng trưởng huy động vẫn chưa theo kịp đà tăng của tín dụng.
Đáng chú ý, dòng tiền gửi chủ yếu tập trung ở các kỳ hạn ngắn hoặc trung bình, trong khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp lại thiên về trung – dài hạn, gây áp lực lớn về thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng ghi nhận huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến cuối năm 2024 đạt hơn 14,732 triệu tỷ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2023. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa bắt kịp với nhu cầu tín dụng ngày càng gia tăng trong nửa đầu năm nay.
Theo báo cáo mới nhất từ Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), triển vọng tín dụng cuối năm 2025 tiếp tục khả quan nhờ mặt bằng lãi suất thấp và hàng loạt gói vay ưu đãi được tung ra, đặc biệt cho các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ, bất động sản và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Cùng với đó, giải ngân đầu tư công và tháo gỡ pháp lý cho thị trường bất động sản cũng sẽ tạo xung lực mới cho các khoản vay mua nhà, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, kết quả đàm phán thương mại tích cực với Mỹ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu và kéo theo nhu cầu tín dụng tăng theo.
VCBS đánh giá chính sách tiền tệ vẫn duy trì xu hướng nới lỏng và thanh khoản hệ thống tiếp tục dồi dào. Trong bối cảnh cầu tín dụng phục hồi, đặc biệt từ khối SME và khách hàng cá nhân một số ngân hàng được dự báo có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng.
Cụ thể, MB được dự đoán tăng tới 28% nhờ hoạt động bán buôn và bán lẻ; Techcombank kỳ vọng tăng mạnh nhờ thị trường bất động sản và xây dựng phục hồi; MSB dự kiến tăng trưởng tín dụng hơn 21% nhờ cầu vay cao; VietinBank và BIDV giữ mức tăng tương đương mặt bằng chung, lần lượt là 16,9% và 16%.
Mặc dù triển vọng tín dụng tích cực, việc dư nợ tăng nhanh hơn huy động vốn vẫn là bài toán khó mà các ngân hàng phải giải, nhất là trong bối cảnh lãi suất đầu vào cần giữ ổn định để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong điều hành và chiến lược huy động vốn phù hợp trong nửa cuối năm.
Giải bài toán thanh khoản
Trong bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi, nhu cầu vốn từ doanh nghiệp được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm 2025. Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê, gần 81% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá xu hướng sản xuất, kinh doanh trong quý III sẽ ổn định hoặc khởi sắc hơn quý trước. Điều này đồng nghĩa với áp lực lớn hơn về nguồn vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn.
Dù vậy, theo khảo sát từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng dự báo huy động vốn trong quý III sẽ tăng bình quân khoảng 4%, trong khi thanh khoản hệ thống vẫn được giữ ổn nhờ các biện pháp điều hành linh hoạt. Tuy nhiên, việc tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng vốn cung ứng cho nền kinh tế đang đặt ra nhiều thách thức.
Tại phiên họp Quốc hội ngày 19/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cảnh báo tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã lên tới 134%, mức rất cao so với chuẩn quốc tế. Việc tiếp tục phụ thuộc nặng nề vào kênh tín dụng ngân hàng không chỉ gây mất cân đối nguồn vốn mà còn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.
Trước thực trạng này, NHNN khẳng định sẽ kiểm soát chặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đồng thời điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Tài chính cần chủ động cân đối nguồn lực cho các dự án đầu tư lớn, tránh tình trạng bị động trong thu xếp vốn, giảm áp lực đè nặng lên khu vực ngân hàng.
Về phía các ngân hàng thương mại, để “giải tỏa” áp lực thanh khoản mà không cần nâng lãi suất đầu vào, nhiều nhà băng đã chuyển hướng sang thu hút dòng tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Thay vì cạnh tranh bằng lãi suất, các ngân hàng đẩy mạnh số hóa dịch vụ, nâng cao tiện ích tài khoản thanh toán nhằm tăng lượng tiền gửi để sẵn trong tài khoản.
Một số ngân hàng đã đạt tỷ lệ CASA trên 35% tổng huy động mức cao trong ngành. Ông Nguyễn Thế Dân, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của BVBank, cho biết việc số hóa hệ thống thanh toán không chỉ giúp nâng CASA mà còn giảm bình quân giá vốn, tạo dư địa để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý.
Song song đó, để đảm bảo nguồn vốn trung và dài hạn, các ngân hàng cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2025, giá trị trái phiếu do các ngân hàng phát hành đã vượt 187.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là kênh huy động hiệu quả, giúp đa dạng hóa nguồn vốn và giảm phụ thuộc vào huy động ngắn hạn.
Ông Lại Tất Hà, Phó Tổng Giám đốc ABBank, nhận định: “Việc phát hành trái phiếu không chỉ giúp ngân hàng tăng tỷ trọng vốn trung - dài hạn mà còn tạo nền tảng vững chắc để triển khai các kế hoạch tài trợ tín dụng dài hơi, phát triển sản phẩm mới và đầu tư có chiều sâu. Đồng thời, đây cũng là giải pháp hiệu quả để giảm áp lực lên các kênh huy động truyền thống như dân cư hay doanh nghiệp”.
Trong bối cảnh tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh, nhưng nguồn vốn trung hạn chưa theo kịp, các giải pháp huy động sáng tạo, mở rộng kênh vốn và cơ cấu lại chiến lược thanh khoản đang trở thành ưu tiên sống còn với hệ thống ngân hàng.
Nguồn: https://baolamdong.vn/ngan-hang-chay-dua-huy-dong-von-phuc-vu-cao-diem-san-xuat-cuoi-nam-381595.html
Bình luận (0)