Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

“Ngàn năm trà Việt” – gói tinh hoa trà trong những trang sách

Cuốn khảo cứu “Ngàn năm trà Việt” của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng là hành trình của tác giả theo chân những tao nhân mặc khách đi tìm cảnh đẹp, trà ngon để thưởng thức; theo chân những thương nhân đi khám phá những vùng trà quý để chia sẻ với mọi người.

Hà Nội MớiHà Nội Mới18/07/2025

Cây trà có tên khoa học là Camellia sinensis, búp và lá được hái để chế biến trà. Cây trà hút tinh hoa của trời đất mà sinh trưởng; trải qua quá trình chăm sóc, chế biến của con người mà trở thành sản vật. Trong một búp trà nhỏ bé mà tích tụ cả trời đất bao la và tài trí của con người. Thiên - địa - nhân hợp nhất ở chỗ ấy.

mockup-ngan-nam-tra-viet.jpeg
Cuốn sách "Ngàn năm trà Việt" của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng. Ảnh: Chibooks

Về trà, Việt Nam hiện đứng thứ năm trên thế giới về diện tích trồng trà và thứ sáu về sản lượng trà. Chúng ta chế biến được khoảng 15 loại trà khác nhau, trong đó trà đen và trà xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu. Sản phẩm trà Việt Nam đã đến 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia... Với đa số người Việt Nam, trà gắn bó suốt cả vòng đời.

Cũng vì mê uống trà, nên tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã đi khắp nơi để tìm hiểu về cây trà, cách làm trà, uống trà, những phong tục tập quán liên quan đến trà và viết cuốn sách “Ngàn năm trà Việt”. Cuốn sách do Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) liên kết với Nhà Xuất bản Lao động ấn hành, nằm trong Tủ sách “Văn hóa Việt” của Chibooks.

“Ngàn năm trà Việt” gồm 5 chương, đưa người đọc vào hành trình tìm hiểu, thưởng thức và cảm nhận tinh hoa trà Việt. Chương 1 “Tổng quan”, tác giả giới thiệu huyền thoại, lịch sử, khoa học và kinh tế xã hội xoay quanh cây trà, đặc biệt là trà Việt, với những vùng trồng trà đặc trưng, giống trà cổ thụ quý hiếm và cả sự hiện diện của trà trong các địa danh cũ.

Chương 2 “Đất càng cao đẹp, trà càng ngon” đưa người đọc bước chân vào những vùng trà nổi tiếng như Suối Giàng, Tà Xùa, Phình Hồ, Tân Cương, Đông Trường Sơn, Tây Côn Lĩnh, Cầu Đất, Tam Đảo… Đặc biệt, chương 3 về “Phong tục trà độc đáo” rất đặc sắc với sự hiện diện của trà trong các nghi lễ, lễ cưới, lễ tang và đời sống thường nhật của người Việt. Chương 4 “Thú vui tao nhã” cho thấy những cách thưởng trà vô cùng tinh tế của người Việt. Khép lại hành trình, chương 5 khẳng định một chân lý cổ xưa: Trà chính là thuốc.

Theo tác giả, cuốn sách không liệt kê đủ các vùng trà của Việt Nam, mà chỉ tập trung đa số vào các vùng trà shan tuyết cổ thụ, những cách làm trà độc đáo, những phong tục tập quán thú vị liên quan đến trà.

“Thật may, càng ngày tôi càng khám phá ra rằng chính những dân tộc H’mông, Dao, Tày, Thái, Hà Nhì, Cao Lan, Giáy… ở những vùng thâm sơn cùng cốc lại là những cư dân trà chính hiệu. Họ có những rừng trà cổ truyền đời hàng ngàn năm, có nền văn hóa trà đồ sộ thể hiện qua các tri thức bản địa về cách trồng trà, hái trà, sao trà, bảo quản trà, uống trà, cúng trà...”, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng cho biết.

Cuốn sách gợi cảm hứng để độc giả lên đường khám phá những vùng trà, gặp gỡ những người đang trồng, chăm sóc, chế biến những búp trà ngon cho đời…

Nguồn: https://hanoimoi.vn/ngan-nam-tra-viet-goi-tinh-hoa-tra-trong-nhung-trang-sach-709539.html


Chủ đề: Tràsách

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm