Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngân sách tài trợ về R&D của doanh nghiệp sẽ lên tới 80%

DNVN - Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhấn mạnh việc doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Theo đó, ngân sách Nhà nước tài trợ cho hoạt động này sẽ lên tới 80% thay vì 10% như trước đây.

Tạp chí Doanh NghiệpTạp chí Doanh Nghiệp14/05/2025

Chuyển trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp

Phát biểu giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể ngày 13/5 về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tới sự chuyển đổi trọng tâm phát triển công nghệ về doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, lần đầu tiên dự thảo luật có một chương riêng để dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho R&D không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thông qua các chính sách tài chính mồi của Nhà nước theo nguyên tắc Nhà nước chi 1 đồng thì thu hút từ 3 đến 4 đồng của doanh nghiệp. Nếu trước đây, ngân sách Nhà nước tài trợ cho R&D của doanh nghiệp chỉ được khoảng dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70%, 80%.


Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động R&D của doanh nghiệp như chi phí sản xuất kinh doanh không còn giới hạn mức tối đa. Trước đây chỉ khoảng 1% doanh thu là được chi cho R&D và chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có lãi. Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào các công nghệ chiến lược.

Ngoài ra, doanh nghiệp có lãi được trích lợi nhuận trước thuế để lập quỹ đầu tư vào khoa hoc, công nghệ vào khởi nghiệp sáng tạo nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn hỗ trợ các khởi nghiệp sáng tạo, các nghiên cứu phát triển, các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mang tính đột phá.

Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên là mua sắm các sản phẩm khoa học công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và nhà nước cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ thông qua một số chính sách như là hỗ trợ lãi suất vay.

Cần có cơ chế tài chính cụ thể

Trước đó, thảo luận về vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, dự thảo đã nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp thông qua các quy định như Điều 33 về thúc đẩy hệ thống đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; Điều 66 về khuyến khích mua sắm các sản phẩm khoa học, công nghệ trong nước; Điều 36 và Điều 39 về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 66 các ưu đãi cụ thể như miễn lãi suất vay vốn trong 3 đến 5 năm đầu, bảo lãnh tín dụng, đồng thời bổ sung cơ chế voucher đổi mới sáng tạo vào Điều 68. Theo đó, cho phép các doanh nghiệp, nhất là các doanh nhỏ và vừa sử dụng các "voucher" này để chi trả cho dịch vụ nghiên cứu, tư vấn hoặc công nghệ từ các viện nghiên cứu và trường đại học. Đây là cơ chế được nhiều nước áp dụng và đã thành công.


Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Thành phố Hà Nội).

Từ việc viện dẫn các quy định tại Nghị quyết 57, Nghị quyết 193, Nghị quyết 95 về ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng quy định tại dự thảo luật về mức trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp tối đa chỉ 5% là chưa phù hợp.

Theo bà Hà, với quy định trong dự thảo, doanh nghiệp vừa thiếu động lực, thiếu nguồn lực để đầu tư dài hạn cho công nghệ và sáng tạo vốn là yếu tố then chốt trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối đa là 15% thu nhập tính thuế, riêng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược như chip, AI, dữ liệu lớn mức tối đa là 20% để tạo dư địa đủ lớn cho đầu tư nghiên cứu đổi mới sáng tạo”, đại biểu đề xuất.

Về tài chính thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực, đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) đánh giá dự thảo đã có bước tiến khi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, nếu không có cơ chế tài chính cụ thể, đơn giản, dễ tiếp cận thì những chính sách này sẽ khó đi vào cuộc sống, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa - nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

Ông Sùng A Lềnh đề xuất bổ sung quy định về cơ chế Nhà nước cùng chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp trong các dự án công nghệ có tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa cao. Cần có các công cụ tài chính linh hoạt như bảo lãnh, tín dụng vốn mồi hoặc lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

"Đối với phát triển nguồn nhân lực, đây là yếu tố cốt lõi nhưng hiện vẫn còn những nút thắt về đãi ngộ môi trường làm việc, thủ tục thu hút chuyên gia trong nước và nước ngoài. Tôi đề nghị dự thảo bổ sung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực nội bộ có cơ chế đặt hàng đấu thầu đào tạo theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là chính sách đặc thù để thu hút nhân tài, chuyên gia đầu ngành bằng những điều kiện làm việc thực sự hấp dẫn", đại biểu nêu.

Nguyệt Minh

Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/ngan-sach-tai-tro-ve-r-d-cua-doanh-nghiep-se-len-toi-80/20250514061036728


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm