Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngày mới trên vùng đất thượng nguồn sông Đà

Từ ngày 1/7 vừa qua, hai xã biên giới Ka Lăng và Thu Lũm (tỉnh Lai Châu) chính thức sáp nhập. Sự kiện này mở ra một chương mới trong hành trình phát triển của xã Thu Lũm (mới).

Báo Nhân dânBáo Nhân dân25/07/2025

Xã biên giới Thu Lũm sau sáp nhập sẽ mở ra cơ hội mới trong hành trình phát triển.
Xã biên giới Thu Lũm sau sáp nhập sẽ mở ra cơ hội mới trong hành trình phát triển.

Đây không đơn thuần là sự điều chỉnh về địa giới hành chính mà còn là bước chuyển hóa về tư duy, tổ chức và phát triển của chính quyền địa phương ở miền thượng nguồn sông Đà.

Theo quyết định sáp nhập, xã Thu Lũm mới được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của hai xã cũ: 138,64 km² và 2.610 nhân khẩu từ xã Ka Lăng, cùng với 112,91 km² và 2.645 người từ xã Thu Lũm cũ. Sau khi sáp nhập, xã mới có diện tích 251,55 km², dân số hơn 5.200 người, gồm 17 bản, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc Hà Nhì, còn lại là dân tộc La Hủ, Dao cùng sinh sống.

Việc sáp nhập ban đầu khiến người dân, nhất là ở khu vực xã Thu Lũm cũ không khỏi băn khoăn. Một trong những lý do, trung tâm xã mới sẽ được đặt tại khu vực xã Ka Lăng - cách trung tâm xã cũ hơn 30 km. Cụ Chu Cá Che, bản Ló Na chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi lo lắm. Con cháu phải đi học xa hơn, người già đi khám bệnh cũng vất vả, giấy tờ hành chính không biết giải quyết ra sao khi xã chuyển về xa như thế”.

Những lo lắng là có thật, bởi với người dân vùng cao, mỗi chuyến ra khỏi bản là một hành trình vất vả. Tuyến đường độc đạo nối hai xã lại thường xuyên sạt lở vào mùa mưa, càng khiến việc đi lại khó khăn hơn. Tuy nhiên, để hóa giải tâm lý ấy, cấp ủy cùng chính quyền cơ sở đã tập trung tuyên truyền, giải thích cặn kẽ. Ngoài đội ngũ cán bộ, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cũng được mời tham gia các cuộc họp, trực tiếp trao đổi với người dân để thông tin đầy đủ về lợi ích của việc sáp nhập.

Những cuộc trò chuyện chân thành, sát thực đã dần làm thay đổi nhận thức trong cộng đồng. Điều này giúp người dân hiểu, với bộ máy hành chính tinh gọn, dịch vụ công sẽ thuận tiện hơn, chính sách hỗ trợ sẽ tập trung và triển khai hiệu quả hơn. Những con đường mới, trường học kiên cố, dịch vụ y tế và hành chính gần dân hơn sẽ là tương lai không xa, khi nguồn lực đầu tư được dồn về một mối.

Thực tế, xã Thu Lũm là địa phương còn nhiều khó khăn, nằm cách trung tâm tỉnh gần 230 km. Quy mô kinh tế nhỏ; thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hiện còn 8/19 tiêu chí nông thôn mới chưa hoàn thành. Tuy nhiên, sáp nhập sẽ mở ra những cơ hội mới cho vùng đất này. Bộ máy chính quyền được tinh gọn và nâng cao chất lượng. Tiềm năng phát triển của địa phương cũng rất lớn với độ che phủ rừng hơn 81%, tài nguyên dược liệu dưới tán rừng phong phú, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc và vị trí chiến lược trong bảo vệ nguồn nước đầu nguồn sông Đà.

Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thu Lũm cho biết: “Sau sáp nhập, dù còn khó khăn về nơi ăn ở, làm việc của cán bộ, nhưng chúng tôi nhanh chóng khắc phục để bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt. Mục tiêu là xây dựng đảng bộ và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu phát triển”.

Tầm nhìn phát triển của chính quyền xã Thu Lũm không chỉ dừng lại ở việc ổn định bộ máy, mà hướng tới phát triển bền vững dựa trên khai thác nội lực. Những trụ cột chiến lược được xác định rõ: Phát triển rừng gắn với trồng dược liệu; bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc; giữ vững chủ quyền biên giới và nâng cao đời sống người dân.

Từ sự đồng thuận của nhân dân, xã Thu Lũm mới đã đề ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6% mỗi năm; tất cả đường nội xã được cứng hóa; hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa và hạ tầng thiết yếu. Đồng chí Nguyễn Trường Giang cho biết: “Sáp nhập chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn khơi dậy ý chí vươn lên từ mỗi người dân, nhất là cộng đồng người La Hủ. Khi lòng dân đã thuận, mọi chủ trương sẽ dễ đi vào cuộc sống”.

Sự chuyển mình của Thu Lũm hôm nay không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính, mà là chuyển hóa toàn diện về tư duy, tổ chức và phát triển. Từ vùng đất lặng lẽ nơi thượng nguồn sông Đà, xã Thu Lũm đang dần hòa nhịp cùng khát vọng phát triển chung của cả tỉnh, khẳng định vị thế mới trong hành trình vươn mình lên phía trước.

Nguồn: https://nhandan.vn/ngay-moi-tren-vung-dat-thuong-nguon-song-da-post896537.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm