Hệ thống các làng nghề thủ công truyền thống ở Cao Bằng thường tập trung theo từng nhóm dân tộc. Những sản phẩm được tạo ra từ các làng nghề là những sản phẩm thủ công, kết quả lao động sáng tạo của bàn tay và khối óc tài hoa của các thế hệ cư dân gắn bó với nghề, với làng, với cộng đồng. Những sản phẩm của làng nghề trải qua bao biến động của thời cuộc vẫn giữ được nét độc đáo của nó và để lại những dấu ấn văn hóa truyền thống cho tới ngày nay. Trong những thế kỷ qua và hiện tại, nhiều làng nghề truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng đã không còn nữa hoặc đã bị mai một, hoặc mất nghề. Một số nghề như nghề trồng bông, nghề nuôi tằm nay chỉ còn rất ít, có chăng cũng chỉ còn lác đác một vài gia đình trăn trở với nghề cố níu kéo giữ lấy nghề mà thôi.
Những làng nghề truyền thống của người Tày, Nùng ở Cao Bằng còn lại hiện nay cũng trải qua những thời kỳ cam go vì sản phẩm làm ra không nơi tiêu thụ, không cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp; đời sống của những người làm nghề, đặc biệt là các nghệ nhân gặp khó khăn. Làng nghề thủ công truyền thống của người Tày, Nùng còn lại hiện nay là những làng nghề đã trụ vững trước sự thử thách của thời gian và biến động của thời cuộc. Nó không chỉ có giá trị kinh tế mà mỗi làng nghề là một địa chỉ văn hóa, nó phản ánh nét văn hóa độc đáo của từng vùng, từng địa phương.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống chẳng những đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nói chung mà còn đáp ứng nhu cầu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi biên cương phên dậu của Tổ quốc. Đó cũng là một trong những cơ sở để phát triển loại hình du lịch dân tộc học, du lịch văn hóa học, du lịch môi trường sinh thái..., mà du lịch văn hóa đang và sẽ chiếm ưu thế. Để có thể đáp ứng được nhu cầu khai thác các tour du lịch về các làng nghề, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu và cả tìm kiếm cơ hội kinh doanh của khách du lịch cần có nhiều giải pháp.
Trước hết, các làng nghề truyền thống cần phải được chú ý đầu tư cả về tiền vốn lẫn chất xám để đảm bảo các sản phẩm luôn giữ được nét độc đáo, thể hiện được bản sắc văn hóa qua từng nét hoa văn, chất liệu, kiểu dáng và loại hình... Những sản phẩm thủ công truyền thống ở làng nghề chỉ có sức hấp dẫn cao khi nó độc đáo và có hàm lượng văn hóa đậm đặc. Nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Cao Bằng, khi mua, ngắm, tìm hiểu một sản phẩm thủ công truyền thống, khách du lịch rất thích các loại sản phẩm làm bằng tay, chất liệu hoàn toàn của địa phương và là biểu trưng cho các di sản văn hóa địa phương.
Thứ hai, việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống trong các công trình như: cấu trúc của ngôi làng, những nét điêu khắc trong các ngôi nhà của các làng nghề và trong các lễ hội. Sẽ kém sức hấp dẫn du khách khi bản thân các làng nghề tự đánh mất mình qua việc xây dựng theo lối đô thị hóa, kiên cố hóa, phá cảnh quan môi trường, phá môi trường văn hóa. Các lễ hội tổ chức ở những làng nghề cần được khôi phục theo một trình tự có chuẩn mực văn hóa truyền thống mà không tạo nên hủ tục. Khách du lịch chắc chắn sẽ thú vị và bị cuốn hút bởi các tà áo dân tộc sặc sỡ màu sắc. Diễn xướng, các trò chơi dân gian, các cuộc thi tài trong hội làng cần được đầu tư cả trí tuệ và tiền bạc để tìm lại được những nét độc đáo, đặc sắc của từng nghề, từng làng nghề, của từng dân tộc riêng biệt và từng vùng khác nhau.
Thứ ba, khi tổ chức các tour du lịch về làng nghề truyền thống cho du khách, chúng ta đưa du khách đến với không khí ngày hội với trạng thái hoạt động sản xuất của chính làng nghề. Việc trực tiếp nhìn ngắm, trò chuyện với những người đang làm ra các sản phẩm thủ công là thú vui không nhỏ của du khách. Đó cũng là một sinh hoạt văn hóa theo loại hình du lịch văn hóa vì nó tạo cho khách như được chạm tới, với tới những sáng tạo văn hóa của người Tày - Nùng Cao Bằng xưa. Cảm giác thú vị còn xuất hiện khi du khách có trong tay những sản phẩm vừa rời tay người thợ. Muốn vậy cần tạo môi trường du lịch làng nghề, từ đường đi, lối lại, các công trình vệ sinh, cây trái cho tới các điều kiện nghỉ ngơi và dịch vụ tối thiểu cho khách du lịch khi tới các làng nghề. Mặt khác, ứng xử văn hóa cũng cần được duy trì trong cộng đồng dân cư làng nghề truyền thống.
Làng nghề truyền thống ở Cao Bằng vẫn cần phải trở thành điểm đến trong các chương trình du lịch từ Thủ đô và các tỉnh phụ cận. Sức hấp dẫn của nó là các giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề là yêu cầu thực tiễn và khoa học có giá trị hôm nay và mai sau. Song song với việc bảo lưu, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của những sản phẩm của nghề tại các làng nghề còn tăng thêm nguồn thu nhập về tài chính, cải thiện đời sống kinh tế cho người dân tại các làng nghề, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa xã hội cho chính các làng nghề nói riêng và toàn xã hội nói chung.
Nguồn: https://baocaobang.vn/nghe-lang-nghe-truyen-thong-cua-nguoi-tay-nung-o-cao-bang-trong-su-phat-trien-ben-vung-3176324.html
Bình luận (0)