Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, định hướng lâu dài cho tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam, từ dựa vào tài nguyên và lao động giá rẻ sang dựa trên tri thức, đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đã khẩn trương vào cuộc. Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Triển khai cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 57, Chính phủ đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư vào hạ tầng mạng 5G, một trong những trụ cột của hạ tầng số quốc gia.
Cụ thể, nếu các nhà mạng triển khai tối thiểu 20.000 trạm phát sóng 5G trong năm 2025, sẽ được hỗ trợ lên tới 15% tổng giá trị đầu tư.
5G - Hạ tầng trọng yếu cho nền kinh tế số
Công nghệ mạng 5G, thế hệ thứ năm của kết nối di động, có tốc độ truyền tải nhanh gấp 10 lần 4G, độ trễ gần bằng 0 và khả năng kết nối đồng thời hàng triệu thiết bị.
Khi kết hợp với điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo, 5G không chỉ là công cụ truyền dữ liệu mà còn là động lực để hiện thực hóa nhiều công nghệ mới như Internet vạn vật (IoT), AI, thực tế ảo tăng cường (AR/VR), sản xuất thông minh.

Tính đến tháng 5/2025, ba nhà mạng lớn gồm Viettel, VNPT và MobiFone đã triển khai khoảng 11.000 trạm 5G, phủ sóng tại toàn bộ 63 tỉnh, thành phố và đáp ứng khoảng 26% dân số.
Mục tiêu đến cuối năm 2025, cả nước có khoảng 68.000 trạm 5G, phủ sóng đến 90% dân số đang được triển khai khẩn trương và đồng bộ.
Việc phân bổ và đấu giá các khối băng tần được thực hiện công khai, minh bạch. Trong năm 2024, Viettel đã đấu giá thành công khối băng tần B1 (2500 - 2600 MHz); VNPT nhận khối C2 (3700-3800 MHz) và MobiFone sở hữu khối C3 (3800-3900 MHz).
Đáng chú ý, vào tháng 5/2025, Viettel tiếp tục đấu giá thành công hai khối băng tần B2 và B2’ thuộc băng tần 700 MHz, đặc biệt quan trọng đối với việc mở rộng mạng đến các vùng sâu, vùng xa.
Nghị quyết 57 cũng định hướng khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông chia sẻ hạ tầng để tối ưu chi phí và mở rộng vùng phủ.
Đối với VNPT, ngoài việc triển khai hạ tầng tại các khu công nghiệp, sân bay, trung tâm chính trị, doanh nghiệp này còn hợp tác với đối tác nước ngoài để phát triển trung tâm dữ liệu, mạng vệ tinh, AI Factory và các ứng dụng chuyên biệt.
MobiFone tập trung triển khai mạng 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm, đặt mục tiêu phủ sóng toàn bộ các xã trên cả nước trong năm 2025.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ), nhờ khai thác hiệu quả băng tần trung, tốc độ truy cập Internet băng rộng di động của Việt Nam trong quý I/2025 đã tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm trước và lần đầu lọt vào nhóm 20 quốc gia có tốc độ cao nhất thế giới.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BKHCN, quy hoạch phân kênh tần số vô tuyến điện cho băng tần E (71–76 GHz và 81–86 GHz), tạo nền tảng thuận lợi để phát triển hạ tầng truyền dẫn tốc độ siêu cao.
Hệ sinh thái dữ liệu - Nền tảng chủ quyền số
Song song với hạ tầng mạng, một hệ sinh thái dữ liệu hiện đại, bảo mật, chủ quyền và kết nối toàn cầu đang được xây dựng mạnh mẽ theo tinh thần Nghị quyết 57.
Trung tâm Sáng tạo, khai thác dữ liệu (Trung tâm Dữ liệu quốc gia) và Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã giới thiệu 6 sản phẩm tiêu biểu trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ lõi; tất cả đều do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển.
Nổi bật trong đó là nền tảng chuỗi khối quốc gia NDA Chain, được xây dựng với 49 nút xác thực công – tư đến từ các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn lớn như SunGroup, Sovico, Masan, VNVC…

NDA Chain được thiết kế để tích hợp liền mạch với các hệ thống của Chính phủ, ngân hàng và doanh nghiệp trong nước, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn pháp lý và kỹ thuật. Đây là nền tảng công nghệ chiến lược để Việt Nam từng bước hình thành thị trường dữ liệu có chủ quyền, minh bạch và phù hợp với đặc thù văn hóa, pháp lý trong nước.
NDA Key - ứng dụng định danh phi tập trung quốc gia sử dụng công nghệ blockchain và AI để mã hóa, xác thực danh tính người dùng. NDA Key cho phép người dùng tự kiểm soát dữ liệu cá nhân, phòng tránh hành vi giả mạo, lừa đảo qua mạng. Hệ thống có thể liên thông với VNeID, ngân hàng, sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, tạo ra tiêu chuẩn xác thực chung cho nền kinh tế số Việt Nam.
Các nền tảng khác như hệ thống tích hợp-chia sẻ-điều phối dữ liệu quốc gia; Trợ lý ảo RABBI; Hệ thống Thư điện tử quốc gia và Sàn dữ liệu quốc gia cũng đang được đưa vào vận hành.
Trợ lý ảo RABBI là giải pháp do kỹ sư Việt Nam phát triển, hoạt động trên hạ tầng nội địa, hỗ trợ cải cách hành chính, giáo dục, du lịch và cung cấp dịch vụ số 24/7 cho người dân.
Hệ thống Thư điện tử quốc gia được thiết kế bảo mật đa tầng, lưu trữ nội địa, tích hợp với NDA Key, tạo thành kênh liên lạc tin cậy giữa chính phủ với người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, Sàn dữ liệu quốc gia hoạt động theo cơ chế minh bạch, an toàn, đúng pháp luật, thúc đẩy giao dịch, khai thác và chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân.
Khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo và thi đua chuyển đổi số
Không dừng lại ở chính sách và hạ tầng, tinh thần của Nghị quyết 57 đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành phong trào hành động sâu rộng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát động thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết.
Các đơn vị trực thuộc Viện đang xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản trị và phát triển mô hình chính phủ số.
Viện xác định rõ: đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, thúc đẩy kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, chủ quyền số.
Theo kế hoạch hành động đã đề ra, các tổ chức đảng, chính quyền cơ sở phải nâng cao vai trò lãnh đạo, phát hiện và nhân rộng các sáng kiến, mô hình hiệu quả. Hàng năm, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua, bảo đảm thực chất, tránh hình thức.
Nghị quyết 57 không chỉ là một chủ trương mang tầm chiến lược mà đã trở thành động lực mạnh mẽ, đặt nền móng cho Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên số; đưa Việt Nam từng bước hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia số độc lập, tự chủ, có năng lực cạnh tranh toàn cầu, đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển của nhân loại./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nghi-quyet-57-dot-pha-chien-luoc-cho-tuong-lai-so-viet-nam-post1049420.vnp
Bình luận (0)