Những ngày qua, chị H.T.T. (trú xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn còn hoang mang vì chính bản thân đã từng sử dụng một trong những sản phẩm sữa của doanh nghiệp nằm trong đường dây sản xuất sữa giả vừa được cơ quan công an phát hiện.
Chị T. cho biết, trước đó, chị được một người bạn biếu hộp sữa, trọng lượng 900 gam, đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần dược quốc tế Group, địa chỉ tại BT9-02 KĐT mới Phú Lương, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội; ngày sản xuất 8/12/2023, hạn sử dụng 7/6/2026. Thành phần cấu tạo của dòng sữa này được nhà sản xuất ghi rõ từ sữa bột béo, đạm whey cô đặc, đường, chất béo không no, chất xơ hòa tan, sữa non, các loại vitamin, các loại khoáng chất… Công dụng trên bao bì ghi rõ “Cung cấp nguồn dinh dưỡng giàu đạm cùng các loại vitamin khoáng chất thiết yếu giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sức khỏe; Protein, lipid cung cấp năng lượng giúp phục hồi sức khỏe; Fucoidan tăng cường hệ miễn dịch, chống oxi hóa, cải thiện sức khỏe cho người trong quá trình hóa trị, xạ trị. Sản phẩm thích hợp cho người cần bổ sung sức khỏe trước và sau phẫu thuật, người trong quá trình hóa trị, xạ trị”… Đến thời điểm phát hiện hộp sữa bản thân sử dụng là một trong hàng trăm sản phẩm do Công ty Cổ phần dược quốc tế Group sản xuất chị cảm thấy lo lắng, bất an vì sản phẩm không đạt chất lượng. Vì là quà được tặng nên chị cũng không biết nguồn gốc hộp sữa được bán từ đâu. Bản thân chị chỉ mong rằng cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, công bố các loại sữa không đạt chất lượng, sữa giả để người tiêu dùng lựa chọn.
Chị H.T.T. (trú xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã từng sử dụng sữa do Công ty Cổ phần dược quốc tế Group sản xuất, nằm trong đường dây sữa giả vừa bị phát hiện. |
Còn chị N.T.H. (trú phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) – người từng mua sản phẩm hỗ trợ tăng trưởng chiều cao cho con gái vào năm ngoái cũng tỏ ra lo lắng. Chị H. tiết lộ, năm 2024, qua theo dõi Facebook, chị thấy một số nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng quảng cáo dòng sữa này hỗ trợ trẻ ở tuổi dậy thì tăng trưởng chiều cao vượt trội. Với mong muốn, con gái phát triển tốt chiều cao trong giai đoạn này, chị đã mua sản phẩm sữa bột H.U., với giá 900.000 đồng/hộp. Sau một thời gian sử dụng, theo dõi chỉ số chiều cao của con, chị cũng thấy tăng lên nhưng không đáng kể, công dụng không như “những lời quảng cáo có cánh trên mạng xã hội”. Do vậy, chị đã ngưng sử dụng sản phẩm này cho con, thay vào đó là bổ sung các thực phẩm giàu can xi qua các món ăn hằng ngày.
Chị H. chia sẻ thêm, qua theo dõi thông tin từ báo, đài và mạng xã hội, dù biết dòng sữa từng cho con sử dụng không nằm trong đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả vừa được cơ quan chức năng phát hiện, song chị cũng không tránh khỏi tâm lý hoang mang.
Đáng nói, sữa giả, sữa được quảng cáo lố về công dụng không chỉ được người dân mua về sử dụng mà tại nhiều bệnh viện, cơ sở điều trị, bệnh nhân sau phẫu thuật cũng được các bác sĩ, nhân viên y tế tư vấn, kê đơn cho sử dụng.
Liên quan đến vấn đề này, Bác sĩ CKII Nguyễn Đăng Giáp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Bệnh viện cũng đã quán triệt, y, bác sĩ kê đơn thuốc phải đúng theo quy định của Bộ Y tế, nghiêm cấm tuyệt đối không được kê các thực phẩm chức năng vào đơn thuốc của người bệnh; tư vấn giải thích cho bệnh nhân về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị theo đúng Luật Khám, chữa bệnh. Trường hợp, bệnh nhân có chứng cứ về việc bác sĩ kê thêm thực phẩm chức năng, sữa trong đơn thuốc cần phản ánh đến bệnh viện để có biện pháp xử lý.
“Đến hiện tại, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên không có các loại thuốc giả, sữa giả liên quan đến vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra” - Bác sĩ CKII Nguyễn Đăng Giáp khẳng định.
Đoàn Kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh kiểm tra các sản phẩm là thực phẩm, nhu yếu phẩm tại hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Lắk. |
Về phía Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại Hội chưa nhận được bất cứ khiếu nại nào từ phía người tiêu dùng liên quan đến thông tin hàng trăm nhãn hiệu sữa giả vừa được phát hiện. Tuy nhiên, theo quy định, người tiêu dùng có quyền kiện đơn vị sản xuất, nhà phân phối để bảo vệ quyền lợi. Về phía Hội sẵn sàng hỗ trợ khi người tiêu dùng có phản ánh hoặc kiến nghị liên quan đến các mặt hàng, sản phẩm, thực phẩm chức năng… có dấu hiệu giả hoặc không đúng với các thông tin công bố trên bao bì sản phẩm. Để khiếu nại, khiếu kiện, người tiêu dùng có thể đến trực tiếp trụ sở Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Đắk Lắk tại địa chỉ số 49 đường Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột; gọi điện đến tổng đài 1800.6838 hoặc bằng hình thức gửi đơn thư qua đường bưu điện.
Nguồn: https://baodaklak.vn/y-te-suc-khoe/202504/nguoi-tieu-dung-can-chu-dong-len-tieng-bao-ve-minh-bab14c0/
Bình luận (0)