Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguy hiểm sinh con tại nhà - Kỳ 1: Mất vợ, mất con vì 'sinh con thuận tự nhiên'

"Sinh con tại nhà thuận tự nhiên", sinh theo "người xưa chỉ bảo" không chỉ tái xuất gần đây tại một số thành phố lớn mà còn là tình trạng phổ biến ở một số tỉnh vùng cao, đặc biệt ở vùng dân tộc thiểu số.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ14/04/2025


sinh con thuận tự nhiên - Ảnh 1.

Cán bộ y tế đến vận động gia đình anh Ma Phứ và chị Lý Thị Chư (xã Mù Sang, Phong Thổ, Lai Châu) chuẩn bị sinh con thứ hai đến cơ sở y tế sinh con - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Có những đứa trẻ được sinh ra dưới nền đất lạnh, cũng có những đứa trẻ không kịp cất tiếng khóc chào đời...

Mất vợ, mất con vì sinh con tại nhà

Ở bản vùng cao Tô Y Phìn, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, nhiều người vẫn không quên được cái chết thương tâm của chị Phùng Tả Mẩy khi sinh con tại nhà.

Qua lời kể của chồng chị Mẩy, anh chị chuẩn bị đón con thứ 5 chào đời. Suốt cả quá trình mang thai, chị Mẩy vẫn khỏe mạnh. Giống như bao người phụ nữ bản Tô Y Phìn, ngày ngày chị vẫn lên nương, vào rẫy kiếm củi, hái măng.

Nhớ như in ngày vợ trở dạ chuẩn bị sinh, chồng chị Mẩy kể hôm đó là ngày 18-2-2022. "Chiều tối, vợ bắt đầu lâm râm đau bụng, cơn đau tăng dần. 

Giống như 4 lần sinh con trước, vợ tôi đẻ tại nhà, tự đẻ, tự tắm cho con. Lần này cả nhà cũng chuẩn bị sẵn để đón con ở nhà. Đến đêm muộn, vợ tôi đẻ thành công, con trai khỏe mạnh hồng hào ra đời", chồng chị Mẩy kể lại.

Thế nhưng, khác với những lần sinh trước đó, người nhà thấy nhau thai không bong và chảy máu nhiều, khuyên chị đến trạm y tế để kiểm tra. 

Chủ quan vì đã có kinh nghiệm 4 lần sinh con, chị Mẩy không đi. Và rồi chỉ hơn 2 tiếng sau, nhau thai vẫn không bong, chị tiếp tục chảy máu nhiều, chân tay run, tím tái và tử vong sau đó.

Chị Mẩy ra đi, để lại chồng và 5 con thơ nhỏ dại, đứa trẻ vừa chào đời chưa một lần nhìn thấy mẹ và những đứa trẻ lớn hơn đã không còn được gặp lại mẹ.

Còn tại bản Nà Trịa, xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp, Lào Cai, gần 2 năm qua, anh G.D.C. chưa thể quên đi nỗi đau khi mất cả vợ và đứa con mới sinh của mình vào đầu năm 2023.

Ở bản làng nơi vùng cao huyện Sốp Cộp, anh C. nói người dân bản anh nhiều người sinh con ở nhà, có người sinh 4-5 người con vẫn khỏe mạnh. Bởi vậy, nhiều người dân bản vẫn "mách nhau" đẻ con ở nhà cũng chẳng sao. 

Ngày vợ anh C. chuyển dạ, rất nhanh, anh C. chỉ kịp gọi bà mụ - người hay đỡ đẻ tại nhà cho dân làng - đến. Sau khi sinh được 30 phút, đứa bé đã dừng tiếng khóc, không qua khỏi. Còn vợ anh cũng chảy máu ồ ạt, dù cả gia đình cố gắng đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng trên đường đi, chị đã không qua khỏi.

Vừa mất con, vừa mất đi người vợ, anh C. chỉ biết ân hận vì suốt 9 tháng 10 ngày vợ mang thai anh chưa một lần đưa vợ đến trạm y tế thăm khám. 

"Tôi rất ân hận, nếu như quan tâm hơn đến thai kỳ và đưa vợ đi siêu âm định kỳ, đăng ký quản lý thai sản và đưa đến cơ sở y tế để sinh thì đã không xảy ra chuyện đau buồn này", anh C. ngậm ngùi nói.

Sinh con ở nhà vì "bao đời nay vẫn thế"

Đến Trạm y tế bản Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khám thai, chị Giàng Thị Súa chia sẻ đây là lần mang thai thứ 4 của mình và cả 3 lần trước chị đều sinh con ở nhà.

Khi được hỏi về việc sinh con ở nhà vậy không sợ nguy hiểm sao, chị Súa bẽn lẽn nói: "Có chứ, nhưng chồng mình, mẹ chồng mình đều nói sinh con ở nhà thôi cũng được, trước giờ mọi người đều sinh con ở nhà mà, nên mình nghe theo. 

Mình và một số chị em phụ nữ trong bản muốn đến trạm y tế để đẻ. Nhưng phần vì ngại, phần vì do tục sinh ở nhà có người đỡ đẻ nên thành thói quen rồi. Ở đây đẻ con tại nhà là chuyện thường, ít người đi bệnh viện lắm", chị Súa chia sẻ.

Cũng giống như chị Súa, gia đình anh Giàng A Lừng (22 tuổi) và chị Lý Thị Số (21 tuổi), ở bản Xin Chải (Mù Sang, Phong Thổ) hai năm trước, đứa con đầu lòng cũng tự sinh ở nhà. "Thời trước bố mẹ và ông bà vẫn tự đẻ ở nhà nên tới lượt vợ chồng tôi cũng chọn sinh ở nhà giống các cụ", anh Lừng nói.

Còn chị Pằng năm nay 23 tuổi, nhưng đã có 3 người con, đứa bé nhất mới được hơn 1 tháng và cả 3 người con của chị đều sinh tại nhà. Khi được hỏi tại sao không đến trạm y tế để sinh con thì chị Pằng nói: "Do đường xa quá, với lại không có tiền nên đẻ ở nhà".

Mặc dù các sản phụ người đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng cao đều có thẻ bảo hiểm; khi đến bệnh viện, trạm y tế không phải đóng viện phí nhưng nhiều người vẫn lựa chọn cách sinh con tại nhà. Nhiều người vẫn nghĩ rằng việc đến cơ sở y tế sẽ gây tốn kém.

Bên cạnh đó, khi mang thai, chị em phụ nữ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số ít có điều kiện khám thai định kỳ, bởi vì người Mông thường cư trú ở trên núi, đường sá đi lại khó khăn, xa trạm y tế.

Vì không khám thai định kỳ nên thai phụ không biết ngày dự sinh để chuẩn bị sinh con. Trẻ sinh ra thường được cắt rốn bằng dao hoặc kéo có sẵn trong nhà; có khi người dân chẻ cây nứa làm dao cắt rốn. Chính phong tục này đã khiến không ít bà mẹ, trẻ em tử vong khi sinh con tại nhà.

Tỉ lệ tử vong mẹ và trẻ vẫn ở mức cao

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), tại Việt Nam mặc dù những năm qua tỉ lệ tử vong bà mẹ trên toàn quốc đã giảm xuống còn 46%/100.000 ca trẻ sinh ra sống, con số này vẫn rất cao ở khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số (100-150 ca/100.000 ca trẻ được sinh ra sống), đặc biệt vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong số trường hợp tử vong bà mẹ được báo cáo ở khu vực miền núi, tỉ lệ thường cao hơn đối với một số dân tộc như Mông (60%) và dân tộc Thái (17%). Ước tính, nguy cơ tử vong khi mang thai hoặc sinh con ở các bà mẹ Mông cao gấp 4 lần so với bà mẹ dân tộc Kinh.

Nguyên nhân chính gây tử vong bà mẹ ở vùng dân tộc thiểu số là do sinh con tại nhà. Theo đó, trường hợp tử vong bà mẹ xảy ra tại và hoặc khi đang trên đường đưa đến bệnh viện chiếm 47,2%. Điều này cho thấy các bà mẹ thiểu số còn chậm trễ trong việc đến cơ sở y tế, khi gặp tình trạng nguy kịch việc cấp cứu đã muộn.

Bất lực khi thuyết phục thai phụ

Nguy hiểm sinh con tại nhà - Kỳ 1: Mất vợ, mất con vì 'sinh con thuận tự nhiên' - Ảnh 2.

Bà Lò Thị Thanh, cán bộ y tế, thăm khám cho sản phụ tại Trạm y tế xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

18 năm gắn bó với người dân vùng cao xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, bà Lò Thị Thanh, y sĩ công tác tại Trạm y tế xã Mù Sang, chia sẻ đôi khi cảm thấy bất lực bởi không thể thuyết phục bà mẹ đến cơ sở y tế khám thai và sinh con.

"Do phong tục tự đẻ ở nhà đã ăn sâu từ đời này qua đời khác nên không thể một sớm một chiều có thể thay đổi. Ngoài những nguyên nhân về điều kiện địa lý còn có những rào cản về mặt tâm lý của người đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều phụ nữ rất ngại và xấu hổ", bà Thanh chia sẻ.

Bà Thanh cho biết người đồng bào dân tộc Mông rất ngại khi đi khám phụ khoa và sinh con tại trạm y tế vì sợ rằng "y sinh (y sĩ ở trạm - pv) nhìn thấy rồi, ngày nào chúng tôi cũng gặp y sinh, như vậy sẽ ngại, sẽ xấu hổ".

Theo bà Thanh, tập tục của người Mông chỉ có người thân, chồng, mẹ mới được nhìn vào "bộ phận sinh đẻ" của mình. Chỉ vì "ngại" mà nhiều người không dám đến cơ sở y tế để sinh con hay khám thai.

Chị Mùa Thị Súa (24 tuổi, ở xã Mù Sang) cũng chia sẻ chị em trong bản thường nghe theo lời chồng, mẹ chồng sinh con tại nhà. Nếu gia đình không đưa đến trạm y tế sinh con thì cũng đành chấp nhận sinh con ở nhà.

Nguy hại phụ nữ thành phố đu trend "sinh con thuận tự nhiên"

Trào lưu "sinh con thuận tự nhiên" đặc biệt nổi lên vào năm 2019. Thời điểm đó, với sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, các phương tiện truyền thông đại chúng và dư luận xã hội, trào lưu này được dập tắt. Thế nhưng, thời gian qua trào lưu phản khoa học, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đã xuất hiện trở lại trên mạng xã hội.

Đáng chú ý nhất, năm 2024, một tài khoản đăng tải hình ảnh người phụ nữ mới sinh đang ngâm trong bồn nước, trong tay ôm một trẻ sơ sinh vẫn đang tím tái cùng dòng trạng thái.

***********

>> Kỳ tới: Để mỗi bà mẹ được sinh con trong ánh sáng

Đọc tiếpVề trang Chủ đề

DƯƠNG LIỄU

Nguồn: https://tuoitre.vn/nguy-hiem-sinh-con-tai-nha-ky-1-mat-vo-mat-con-vi-sinh-con-thuan-tu-nhien-20250414082954152.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm