Một anh chàng đội mũ beret tay cầm máy ảnh, lúc thì cùng các cụ già lần giở một sắc phong cũ kỹ, lúc lại đứng giữa một hố khai quật với những cổ vật từ xa xưa, cẩn thận đo đạc và giải thích.
Đó là những hình ảnh quen thuộc với những người đang theo dõi kênh TikTok "Nghĩa khảo cổ".
Không có nội dung "giật gân", không hiệu ứng màu mè, thứ giữ chân người xem là những câu chuyện lịch sử được kể lại bằng giọng đọc nhẹ nhàng, sinh động và giàu thông tin thú vị.
Chủ nhân của kênh TikTok này là Đỗ Minh Nghĩa - một chàng trai 9x quê Hải Phòng, hiện đang làm công tác nghiên cứu, khai quật và bảo tồn di sản.
"Nhật ký Khảo cổ học" - loạt video anh tự quay, dựng và chia sẻ - đã thu hút hàng triệu lượt xem, hàng chục nghìn bình luận quan tâm, từ cả những người vốn chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ hứng thú với lịch sử.
Khác với hình dung của phần đa mọi người về những nhà khảo cổ học "bụi bặm" hay học giả "cao niên", Nghĩa mang đến một hình ảnh hoàn toàn khác: Sử dụng đủ các loại máy móc để giải mã lịch sử, vẽ lại cổ vật bằng Illustrator, scan 3D, bay flycam, dựng video trên Premiere, Capcut chia sẻ về các di chỉ mới khai quật.

"Thế hệ trẻ làm khảo cổ bây giờ ngoài kiến thức chuyên môn cần trang bị thêm nhiều kỹ năng khác.
Trong đó sử dụng thành thạo các phần mềm trên máy tính giúp hỗ trợ đắc lực cho công việc, và cũng giúp tôi kể lại các hành trình khám phá, các chuyến đi khảo cổ dưới dạng video dễ dàng hơn trên mạng xã hội", Nghĩa chia sẻ.

Như nhiều 9x khác, tuổi thơ của Nghĩa cũng chìm đắm trong những cuốn truyện hay những bộ phim khám phá, phiêu lưu khảo cổ học như: Doraemon, Nữ hoàng Ai Cập, Cậu bé ba mắt, Công viên kỷ Jura hay loạt phim Indiana Jones.
Sự tò mò về xác ướp, nền văn minh cổ và những câu chuyện ly kỳ đã nuôi dưỡng niềm đam mê của cậu đối với lịch sử và khảo cổ học.
Năm 2013, chàng trai Hải Phòng lên Hà Nội theo học chuyên ngành Khảo cổ học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
"Cả lớp tôi có ba người chọn chuyên ngành khảo cổ học, nhưng giờ chỉ còn lại tôi là vẫn theo đuổi lĩnh vực này", Nghĩa kể chuyện.
Chàng trai chia sẻ thêm rằng, khảo cổ học quả thật vẫn chưa phải lĩnh vực quá phát triển ở Việt Nam nên dù có đam mê, không phải ai cũng đủ sức và lực để trụ lại với nghề.
Năm 2015, chàng sinh viên trẻ tìm đủ cơ hội để làm thêm các công việc liên quan đến chuyên ngành khảo cổ.
Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân. Anh xin tham gia khai quật tại khu vực Đoan Môn ở Hoàng thành Thăng Long. Dưới cái nắng gần 40 độ C, công việc của Nghĩa lúc này không khác gì một công nhân đào đất với mức lương chỉ 105.000 đồng/ngày.

Dẫu vất vả và có nhiều lựa chọn với mức lương cao hơn, Nghĩa vẫn quan niệm: "Mình phải bắt đầu từ thợ đào. Từ thợ mình mới trưởng thành được. Và hơn hết, mình được làm đúng đam mê, được khai quật một trong những di tích quan trọng nhất của đất nước".
2 năm sau, một phát hiện lớn đã đánh dấu những bước tiến đầu tiên của nhà khảo cổ trẻ tuổi.
Cuối năm 2017, anh tham gia vào công trường khảo cổ ở Đền An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Nơi đây được nhận định từng là phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu (tức cha của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn).
Với một nhà khảo cổ học, ngoài những khám phá trên bề mặt, phát hiện quan trọng hơn cả chính là những điều kỳ bí còn nằm dưới lòng đất. Khi tìm kiếm, chàng trai trẻ phát hiện ra nhiều mảnh vỡ nằm vương vãi dưới lớp đất. Càng khám phá, anh càng kinh ngạc vì "không nghĩ nó lớn như thế".
"Đây là một di vật cực kỳ quan trọng. Những mảnh vỡ thuộc về một chiếc thống gốm hoa nâu, đường kính hơn 1m, nặng tới 126kg từ thời Trần. Nó càng quan trọng vì vị trí ban đầu của chiếc thống này vốn là nguyên vị ở đây, chứ không phải được di chuyển ở chỗ khác tới", Nghĩa kể về phát hiện của mình.
Hiện, những mảnh vỡ đã được các chuyên gia phục chế. Chiếc thống đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh. Năm 2021, di vật này đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.

Đào xới chỉ là một trong nhiều việc của quá trình khảo cổ, ngoài ra còn khảo cứu, điền dã, phỏng vấn… Do vậy, khảo cổ một di chỉ có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí hàng tháng, hàng năm trời mới thu được kết quả.
Đã có những lần khai quật, anh và đồng nghiệp phải trải qua những ngày làm mọi cách để sinh tồn theo đúng nghĩa của hai từ này. Từ việc ăn rau rừng, tắm suối, cho tới xách 20l xăng và thực phẩm lên núi cao 518m so với mực nước biển, để làm nguyên liệu cho máy phát điện, chàng trai trẻ cũng từng kinh qua.

"Nhiều kỷ niệm tôi còn nhớ rõ vì khổ quá", Nghĩa cười, "Nhưng thành quả thu về có nhiều giá trị. Đã có lần tôi và cả đoàn tìm được cả dấu tích của một lò luyện đan dược".
Không phải hiện vật nào cũng mang hình dáng kỳ vĩ. Đôi khi, đó chỉ là một tờ giấy mục nát, ố màu, bị gấp nếp, rách nát theo thời gian, nhưng lại chứa đựng ký ức của cả một triều đại.
Với Đỗ Minh Nghĩa, việc tu bổ sắc phong cổ - những văn bản hành chính do vua ban - là một phần không thể thiếu trong hành trình làm khảo cổ.
"Thông qua các văn bản này, chúng ta có thể biết được là sắc phong vị vua nào ban cho ai, mỹ tự là gì", anh nói.
Có những sắc phong bị mất đúng chỗ đóng ấn triện của vua. Có đạo sắc thì ghi địa danh xưa cổ đến nay không còn trên bản đồ hiện đại. Nhưng, theo Nghĩa đó mới là điểm hấp dẫn - giống như mình đang giải một câu đố lớn của lịch sử.
"Những lúc đấy, tôi phải quan sát kỹ các hoa văn để so sánh với đặc trưng của từng triều đại, hoặc tra cứu thư tịch địa chí, rồi lắng nghe các cụ cao niên kể chuyện để lần mò ra dấu vết của các địa danh đấy", anh kể.

Trái với hình dung của nhiều người, khảo cổ không chỉ là cuốc xẻng và sổ ghi chép. Với Nghĩa, hành trang đến mỗi di tích còn là máy thủy bình, máy kiểm tra chuyên dụng, flycam, máy ảnh kỹ thuật số và cả laptop với đủ phần mềm thiết kế, xử lý đồ họa.
Không đơn giản chỉ là quan sát, đào hiện vật rồi vận dụng kiến thức lịch sử, việc khảo cổ, phục dựng hiện vật còn cần nhiều bước và kỹ năng hơn thế.
Tốt nghiệp chuyên ngành Khảo cổ học, nhưng Nghĩa tự học thêm Hán Nôm, rồi tìm hiểu về kỹ thuật tu bổ, đo màu, đo ẩm, phân tích giấy - được coi như "bộ y tế mini" dành cho di sản.
Chàng trai dẫn chứng, hiện trạng của nhiều sắc phong đã bị hư hại nặng nề do các điều kiện khách quan và phương pháp bảo quản chưa đúng cách, chính vì vậy cần những nghiên cứu sâu về cả giá trị và phương pháp khôi phục, bảo quản các thư tịch cổ này.
Cùng trên một mặt giấy, nhiều thiết bị được sử dụng để "khám bệnh", nhằm tìm hướng bảo quản tốt nhất cho sắc phong.
Dễ thấy nhất là máy đo màu. Nhìn bằng mắt thường chúng ta sẽ khó có thể biết được đâu là màu sắc gốc của sắc phong vì màu sắc lúc đấy đã bị ảnh hưởng bởi quá trình bảo quản, độ ẩm, sự phai màu theo thời gian. Chiếc máy đo màu khi này sẽ đo và cho ra các con số để so sánh với màu gốc ban đầu.

Kế đến là chiếc máy đo độ ẩm. Ở từng bề mặt giấy thì có những chỗ có độ ẩm khác nhau. Dựa vào các thông số đo được, các nhà nghiên cứu có thể giám sát được điều kiện bảo quản hiện vật.
"Tôi và các anh chị đồng nghiệp không bao giờ được can thiệp trực tiếp vào hoa văn hay chữ viết. Không tô lại, không vẽ thêm. Chỉ có thể gia cố và gìn giữ những gì còn lại", Nghĩa phân tích.
Chẳng riêng gì các kiến trúc sư hay các nhà địa chất, những người làm nghề khảo cổ cũng cần biết sử dụng máy thủy bình, máy toàn đạc… để có được các con số liên quan đến tọa độ, vị trí trên nền các tàn tích.
Có được thông số, anh dùng thêm các phần mềm đồ họa như: Photoshop, Illustrator, AutoCad để vẽ lại hình dáng ban đầu của cổ vật, di tích. Từ sự phục dựng trên bản mềm ấy, các nhà nghiên cứu sau có thêm tư liệu để đối chiếu.
"Tôi học thêm Illustrator, AutoCad, MapInfo… để làm việc hiệu quả hơn. Vì có những di tích, nếu không dựng lại bằng bản vẽ số, thì không thể nào hình dung được cấu trúc ban đầu ra sao.
Mà nếu không ghi lại chi tiết bằng ảnh, video, scan 3D, đánh dấu tọa độ - thì tất cả những gì khai quật được hôm nay, có thể sẽ biến mất mãi mãi vào ngày mai", Nghĩa bộc bạch.

Ngay từ những ngày đầu tiên làm khảo cổ, Nghĩa đã có thói quen lưu trữ hết tư liệu ảnh lên Google Photos.
Đó là những hình ảnh, thước phim xuyên suốt hành trình "giải mã quá khứ" của chàng trai trẻ. Để chủ động công việc, Nghĩa đầu tư cả máy ảnh, flycam, đèn chiếu.
Ban đầu, anh không có ý định trở thành người chia sẻ nội dung. Nhưng sau một lần được vợ gợi ý, Nghĩa đăng thử video đầu tiên mang tên "Nhật ký khảo cổ học" - ghi lại quá trình khai quật tại một di chỉ.
Chỉ sau vài ngày, video bất ngờ thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Những bình luận "Sao bây giờ em mới biết khảo cổ ở Việt Nam thú vị vậy?", "Anh ơi, về quê em đi, đình làng em còn giữ được sắc phong cũ lắm!" xuất hiện dày đặc.

Anh bày tỏ: "Tôi không nghĩ công việc của mình lại có thể thu hút người xem như vậy. Điều đó khiến tôi nhận ra, hóa ra người trẻ không quay lưng với lịch sử, chỉ là cần thêm những người trong nghề kể cho họ nghe một cách dễ hiểu và gần gũi".
Theo đà, những video Nhật ký khảo cổ học của Nghĩa tiếp tục thu hút được lượt xem lớn trên Tiktok. Hàng chục nghìn người theo dõi và quan tâm tới các địa điểm anh chia sẻ. Đây cũng là động lực để anh trau dồi thêm các kỹ năng mềm của mình.
Nhờ kênh TikTok, nhiều người biết đến Nghĩa, nhắn tin, chia sẻ về các cổ vật, ngỏ ý mời anh về địa phương để nghiên cứu.
Mới đây, một bạn sinh viên ở làng Tiêu Thượng, Từ Sơn, Bắc Ninh liên hệ với Nghĩa qua kênh TikTok chia sẻ rằng, ở đình làng mình có nhiều sắc phong cổ.
Nhờ đó, những văn tự được người dân làng Tiêu Thượng xem như báu vật đã được nhóm khảo cổ giải mã và phục dựng để có thể được truyền đời thêm nhiều thế hệ nữa.
Niềm đam mê lịch sử, hồn cốt của dân tộc cứ thế được những người trẻ "truyền lửa" cho nhau.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/nha-khao-co-9x-ke-chuyen-nghin-nam-cho-nguoi-tre-bang-tiktok-20250401221820733.htm
Bình luận (0)