Dù đến với văn học thiếu nhi “hơi trễ” so với bạn bè cùng thế hệ, nhưng nhà văn Bùi Tiểu Quyên (hiện công tác tại Báo Phụ nữ TPHCM) lại tỏ ra khá có duyên và thực sự đã gặt hái được nhiều trái ngọt từ văn học thiếu nhi. Sau thành công của truyện dài Cà Nóng chu du Trường Sa, chị ra mắt thêm Hùm Xám qua sông. Tác phẩm lôi cuốn bạn đọc bởi những câu chuyện vui nhộn của Hùm Xám và những người bạn nơi đảo Thiêng.

Từ nguồn cảm hứng dồi dào dành cho nhân vật Hùm Xám cũng như tình yêu dành cho trẻ nhỏ, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã sáng tạo thêm phần 2 với tên gọi Xám Ngố đi thành phố. Trong cả hai tác phẩm, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã lồng ghép các yếu tố về không gian, văn hóa, lịch sử vùng đất phương Nam một cách khéo léo. Nhờ đó, đọc Hùm Xám qua sông và Xám Ngố đi thành phố, bạn đọc không chỉ đang được thưởng thức một tác phẩm văn học thông thường, mà có cơ hội khám phá, tìm hiểu thêm về một vùng đất. Tình yêu dành cho quê hương, dành cho đất nước từ đó mà được gieo nên.

Có một điều thú vị là trong các tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi của mình, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã sáng tạo nên những nhân vật độc đáo, để lại nhiều ấn tượng cho bạn đọc. Ở Cà Nóng chu du Trường Sa là chiếc máy ảnh có tên gọi là Cà Nóng mà chị mang theo trong hải trình ra với Trường Sa. Còn ở Hùm Xám qua sông và Xám Ngố đi thành phố, nhân vật chính có tên là Hùm Xám, cũng được gợi cảm hứng từ một chú chó có thật ngoài đời.

Chia sẻ về mối lương duyên gặp gỡ nhân vật Hùm Xám, nhà văn Bùi Tiểu Quyên kể: “Buổi chiều của năm 2020, tôi ngồi tắc ráng qua sông Lòng Tàu, tình cờ đi cùng tôi có chú chó nhỏ của miền sông nước. Em tên Vàng, dáng em vững chãi, ngồi ngay mũi tắc ráng và hướng mắt nhìn về phía mặt trời lặn. Em có bộ lông vàng ruộm và thân hình rắn chắc, dáng vẻ khỏe khoắn, phong sương. Tôi ngồi ngắm em Vàng một lúc lâu, và bất giác ngay lúc đó đã nói khẽ với Vàng là nhất định sẽ viết một câu chuyện có hình ảnh “qua sông” đẹp như một bức tranh của em chiều ấy”.

Xám Ngố đi thành phố là phần 2 của Hùm Xám qua sông. Trong tác phẩm mới này, chú chó Hùm Xám rời đảo Thiêng, tạm xa những người bạn: Đốm, Bi Béo, Rác, Ốc Sên, thị Mướp, Mái Mơ… để đến một nơi hoàn toàn xa lạ và mới mẻ: thành phố. Trên hành trình băng qua những cung đường nhộn nhịp, nhìn ngắm các tòa nhà cao tầng ấy, Hùm Xám đã có thêm những người bạn mới là Thằn Lằn Sẹo, Mít, Vẹt Xám, Tony Tèo…

Chia sẻ với PV Báo SGGP, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, nếu bạn đọc theo dõi câu chuyện trong cả 2 tập sách, sẽ hiểu rằng đảo Thiêng và “thành phố” thật ra không phải là hai không gian tách rời, khác biệt mà chính là “một vùng đất đặc biệt”, hàm chứa những giá trị đặc biệt về lịch sử - văn hóa phương Nam. Xám Ngố đi thành phố để nối dài không gian - thời gian và để mở rộng sự hiểu biết; để được thực hiện giấc mơ của đời mình: đi học ở Học viện Cảnh khuyển và được xuôi về đất Mũi - nơi “quê hương bản quán” mà cụ Khuyển Tổ đã luôn nhắc về…

“Xám Ngố đi thành phố còn là để thực hiện vai trò “khuyển truyền ký ức” của cậu, đi để học hỏi, khám phá thế giới; đi để trở về, biết thấu hiểu và bao dung, biết chia sẻ và lắng nghe, biết đối đãi với muôn loài bằng sự tử tế, tình yêu thương và lòng trắc ẩn…”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên bày tỏ.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nha-van-bui-tieu-quyen-dua-xam-ngo-di-thanh-pho-post791597.html
Bình luận (0)