Cuốn sách Không có đá quá mềm tập hợp 22 câu chuyện của người khuyết tật, người thân và những người đã đồng hành cùng họ. Không khai thác khía cạnh bi thương, tác phẩm chọn góc nhìn đầy nhân văn, khơi dậy sức mạnh từ chính bên trong con người.
Những nhân vật như Nguyễn Thị Vân, vận động viên khuyết tật Nguyễn Hồng Lợi, cô gái khiếm thị Minh Thư hay chàng trai bại liệt Nguyễn Trung Hậu đều để lại ấn tượng mạnh mẽ bằng chính cuộc đời thật, từ đó truyền cảm hứng vượt lên nghịch cảnh bằng hành động cụ thể.

Chia sẻ tại sự kiện, tác giả Phan Văn Trường nói: “Nếu ví cuộc sống như một tảng đá, thì chắc chắn người khuyết tật sẽ thấy đá mềm hơn là người bình thường cảm nhận rất nhiều. Họ đã quen đối mặt với muôn vàn khó khăn và trở ngại. Nhưng, cũng chẳng có tảng đá nào là quá mềm”, ông nói.
Trong cuốn Tư duy dã tràng, tác giả Phan Văn Trường không chỉ đặt ra câu hỏi về thói quen phản xạ mà còn khuyến khích người đọc nhìn lại chính mình giữa thời đại tràn ngập dữ liệu. Tư duy hệ thống được ông xem là “một lối sống có trách nhiệm, khi mỗi quyết định đều ảnh hưởng đến toàn thể chứ không chỉ riêng bản thân” , ông nói.
Tác phẩm không chỉ cảnh báo về nguy cơ lệ thuộc vào công nghệ và tâm lý bầy đàn, mà còn đưa ra công cụ tư duy để mỗi người có thể định vị lại mình giữa dòng chảy thông tin. Đặc biệt, chương cuối của sách đi thẳng vào câu hỏi quen thuộc mà không dễ trả lời: “Học để làm gì?”, và vì sao tư duy phản biện, tự học suốt đời là kỹ năng sống không thể thiếu.
Buổi ra mắt không chỉ là dịp giới thiệu hai cuốn sách mới, mà còn mở ra nhiều góc nhìn đáng suy ngẫm về con người và xã hội. Từ những câu chuyện rất thật cho đến các khái niệm tưởng chừng trừu tượng, Không có đá quá mềm và Tư duy dã tràng mang đến một cách viết và cách nhìn không phô trương nhưng nhiều chiều sâu - điều mà tác giả Phan Văn Trường cùng nhóm cộng sự theo đuổi xuyên suốt trong quá trình sáng tác.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/ra-mat-hai-an-pham-khong-co-da-qua-mem-va-tu-duy-da-trang-post791601.html
Bình luận (0)