Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhận thức và khả năng ứng phó động đất

Dự báo động đất hiện nay chủ yếu là dự báo dài hạn, nhằm tính toán xác suất xuất hiện một trận động đất có độ lớn xác định trong một khoảng thời gian nhất định. Với từng đới đứt gãy, các nhà khoa học có thể xác định khả năng một trận động đất xảy ra trong tương lai, nhưng chưa thể dự báo chính xác thời điểm diễn ra.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân31/03/2025

Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tập trung vào các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại, mà ưu tiên hàng đầu là xây dựng công trình có khả năng chịu động đất cao và trang bị kiến thức, kỹ năng ứng phó cho người dân.

Dù không nằm trên “vành đai lửa”, nơi tập trung các trận động đất mạnh nhất thế giới nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có mối hiểm họa động đất khá cao. Nước ta từng ghi nhận một số trận động đất mạnh, với độ lớn từ 6,7 đến 6,8, xảy ra tại khu vực Tây Bắc như Điện Biên (1935) và Tuần Giáo (1983). Chỉ tính riêng giai đoạn 1910-2020, hệ thống trạm địa chấn quốc gia đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có độ lớn từ 4,0 trở lên tại khu vực này.

Theo các nghiên cứu địa chất, hiện có 46 hệ thống đới đứt gãy sinh chấn chính phân bố trên lãnh thổ, thềm lục địa và Biển Đông Việt Nam. Đây chính là nguồn nguy cơ tiềm ẩn hiểm họa động đất có thể xảy ra bất kỳ lúc nào tại Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động của hệ thống các đập thủy điện khắp lãnh thổ cũng có thể trở thành nguồn gây động đất kích thích.

Bất cập đáng lưu ý hiện nay là các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam vẫn chưa được trang bị thiết bị quan trắc động đất. Một số công trình trọng điểm, đập thủy điện mới bắt đầu triển khai hệ thống này.

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện tượng rung lắc do động đất chỉ được ghi nhận qua cảm nhận của người dân mà chưa có số liệu đo đạc cụ thể của cơ quan chức năng.

Việc lắp đặt thiết bị quan trắc tại các tòa nhà giúp ghi nhận khi phát hiện rung chấn vượt ngưỡng thiết kế an toàn, hệ thống sẽ cảnh báo sớm, đủ để cư dân biết và di chuyển đến vị trí an toàn...

Quan trọng hơn, dữ liệu thu được là cơ sở để các cơ quan chức năng đánh giá mức độ ảnh hưởng của trận động đất, ra quyết định kiểm định, gia cố hay sơ tán công trình. Về lâu dài, hệ thống sẽ góp phần cập nhật bản đồ nguy cơ địa chấn, điều chỉnh quy chuẩn xây dựng.

Vì vậy, các chuyên gia về động đất đã nhiều lần đề xuất lắp đặt thiết bị quan sát rung lắc tại các tòa nhà cao tầng ở vùng có nguy cơ. Tiếc là chưa địa phương nào thực hiện.

Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của động đất là sập nhà, ở cả những khu vực xa tâm chấn. Thực tế này được minh chứng qua vụ sập tòa nhà cao tầng ở Bangkok (Thái Lan) vừa qua do rung chấn lan truyền từ trận động đất lớn tại Myanmar, kết hợp với đặc điểm nền đất yếu của khu vực này. Ở nước ta, các chung cư cũ kiểu lắp ghép

bê-tông tấm lớn, được xây dựng từ thập niên 1970-1980, là nhóm công trình tiềm ẩn rủi ro cao do chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn kháng chấn. Đồng thời, các tòa nhà cao tầng hiện đại cũng cần được theo dõi, kiểm tra sau những trận động đất gây rung lắc vừa qua.

Nhận thức của người dân cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Phản ứng của người dân trước ảnh hưởng từ trận động đất tại Myanmar vừa qua, đặc biệt là tại các chung cư cao tầng, cho thấy nhiều người vẫn chưa có kỹ năng ứng phó phù hợp, như vội vàng rời khỏi căn hộ, sử dụng thang máy để thoát hiểm, hoặc tụ tập đông người tại sảnh chung cư, chân tòa nhà. Một số thậm chí không nhận biết rung chấn, tưởng rằng mình hoa mắt, chóng mặt.

Theo các chuyên gia, người dân đã quen ứng phó bão, lũ, nhưng thiếu kiến thức cơ bản về an toàn khi động đất xảy ra. Đang ở trong một tòa nhà có kết cấu vững chắc, người dân không nhất thiết phải rời khỏi nhà, mà nên ưu tiên bảo vệ cơ thể khỏi các vật đổ, vỡ. Trường hợp đang ở ngoài trời, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng để phòng nguy cơ sập đổ hoặc rơi vật liệu từ trên cao…

Những ảnh hưởng từ trận động đất vừa qua thêm một lần nữa cho thấy rõ những hạn chế, bất cập trong nhận thức và khả năng ứng phó của chúng ta trước nguy cơ động đất.

Động đất không thể ngăn chặn được, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát mức độ thiệt hại nếu cơ quan chức năng hành động kịp thời và người dân được trang bị đầy đủ kiến thức ứng phó.

Nguồn: https://nhandan.vn/nhan-thuc-va-kha-nang-ung-pho-dong-dat-post868921.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè
Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm