Quảng Ninh đang đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi số và đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, từng bước xây dựng lực lượng lao động trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Trung bình mỗi năm, ngành Du lịch của tỉnh thu hút thêm khoảng 4.000 lao động mới. Sau đại dịch Covid-19, ngành Du lịch tỉnh phục hồi ấn tượng, duy trì nguồn nhân lực ổn định và tạo ra khoảng 50.000 việc làm vào năm 2023, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực như dịch vụ ăn uống, mua sắm du lịch, vận tải, phục vụ tham quan, lưu trú và các lĩnh vực khác.
Bà Ngô Thị Ánh Vân, Trưởng Phòng nhân sự Khách sạn Citadines Marina Hạ Long cho biết, nhu cầu của khách hàng đã thay đổi rõ rệt trong vài năm qua, kéo theo những điều chỉnh đáng kể trong cơ cấu nhân sự cũng như các vị trí công việc tại khách sạn. Citadines Marina Hạ Long cần tuyển dụng thêm vị trí như nhân sự chăm sóc khách hàng dài hạn, nhân viên buồng phòng tay nghề cao. Ngoài ra, đơn vị cũng chú trọng phát triển đội ngũ marketing và nhân viên bán hàng chuyên nghiệp để mở rộng thị trường, nhất là trên các nền tảng trực tuyến...
Mặc dù số lao động tăng lên, nhưng chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch của Quảng Ninh đang là vấn đề được quan tâm. Tính đến năm 2019, số lao động có trình độ đại học và trên đại học trong ngành Du lịch của tỉnh chỉ đạt gần 5.000 người. Theo PGS.TS. Vũ Văn Viện, Trưởng Khoa Du lịch (Trường Đại học Hạ Long), bên cạnh yếu tố khách quan, lao động trong ngành còn gặp hai khó khăn lớn là áp lực tuổi nghề và hạn chế về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, lao động trong ngành du lịch dễ dàng chuyển sang các lĩnh vực khác có thu nhập ổn định hơn, nhất là khi mức lương trong ngành chưa cao. Điều này khiến nhiều lao động không có động lực học hỏi, nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp một cách bền vững, trong đó có trình độ ngoại ngữ...
Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đón tối thiểu 28,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch dự kiến đạt trên 82.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 255.000 lao động, trong đó có 110.000 lao động trực tiếp.
Để đạt mục tiêu này, trong Kế hoạch số 214/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện chuyển đổi số toàn diện ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có đề cập việc phát triển nguồn nhân lực số được coi là yếu tố then chốt. Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đề ra chỉ tiêu 100% lãnh đạo, CBCCVC trong ngành được đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số và công nghệ số. Đồng thời, ít nhất 50% sẽ được tập huấn về phân tích, xử lý dữ liệu bằng công cụ số.
Thời gian qua, các địa phương cũng đã tập trung thực hiện kế hoạch này. Tại TP Hạ Long, đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng và tập huấn chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ làm du lịch, trong đó tập trung vào nghiệp vụ thuyết minh, quản lý cơ sở lưu trú, tuyên truyền pháp luật và xây dựng đời sống văn hóa tại cộng đồng...; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng được đẩy mạnh, trong đó đã mang lại hiệu quả trong nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng xử văn minh của người dân và những người trực tiếp làm dịch vụ du lịch.
Để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, tỉnh Quảng Ninh đang mở rộng đầu tư cho giáo dục bậc cao, mở ra cơ hội lớn cho học sinh, sinh viên. Nổi bật, Trường Đại học Hạ Long vừa vượt qua đợt thẩm định vào tháng 3/2025 của Hội đồng chuyên môn để chính thức đi vào tuyển sinh chuyên ngành Du lịch và Dịch vụ hàng không từ năm học 2025-2026. Với chuyên ngành này, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm từ các vị trí trong lĩnh vực dịch vụ hàng không như nhân viên dịch vụ hành khách, nhân viên quầy vé, chuyên viên marketing hàng không, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên điều hành tour, quản lý doanh nghiệp du lịch, lễ tân khách sạn, quản lý nhà hàng, chuyên viên tổ chức sự kiện, hoặc tự khởi nghiệp trong các mảng dịch vụ du lịch, hàng không và khách sạn.
Tỉnh cũng chú trọng liên kết “3 nhà” (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp), vừa tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành, bồi dưỡng nghiệp vụ trực tiếp, thường xuyên, vừa tuyển chọn nhân lực chất lượng, vừa tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các điểm du lịch, khu du lịch và các nguồn lực tại các vùng miền, khai thác tối đa tiềm năng các loại hình dịch vụ...
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nhieu-co-hoi-viec-lam-nganh-du-lich-3352588.html
Bình luận (0)