Hầu hết các doanh nghiệp An Giang xuất khẩu hàng hóa theo hướng phân tán thị trường
Trong giai đoạn 2021- 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu của An Giang đạt trên 5,93 tỷ USD, tăng 42% so giai đoạn 2016 - 2020 và vượt 12% kế hoạch. Riêng năm 2024, nhiều mặt hàng chủ lực như gạo và thủy sản của tỉnh đã mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt các ưu đãi từ các FTA. Cụ thể: Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), mặt hàng gạo đã tiếp cận 10/14 nước thành viên, tăng thêm 1 nước so năm trước; thủy sản đã có mặt tại 13/14 nước thành viên, tăng thêm 2 nước. Với Hiệp định Thương mại tự do Liên minh Châu Âu - Việt Nam (EVFTA), gạo An Giang đã hiện diện tại 14/27 nước thành viên Liên minh Châu Âu, tăng 3 nước; thủy sản tại 19/27 nước, tăng 1 thị trường. Với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), gạo An Giang đã có mặt tại 11/11 nước thành viên; thủy sản tiếp cận 7/11 nước.
Theo UBND tỉnh, An Giang đang chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu thị trường, từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là kết quả của quá trình nâng cao năng lực nội tại doanh nghiệp (DN), cải cách môi trường đầu tư và đẩy mạnh hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Ngày 3/4/2025, Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố mức thuế phòng vệ lên đến 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Riêng tại An Giang, hiện có 73 DN xuất khẩu (15 DN gạo, 40 DN thủy sản, 16 DN may mặc - giày dép, 2 DN rau củ quả đông lạnh), trong đó nhiều DN đang có thị trường chủ lực tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hầu hết các DN An Giang xuất khẩu hàng hóa theo hướng phân tán thị trường, không tập trung vào một thị trường.
Theo số liệu từ Chi cục Thống kê tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tỉnh An Giang 2 tháng đầu năm sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 36,7 triệu USD, chiếm gần 18% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu trên 47.000 USD, hàng thủy sản xuất khẩu trên 1,2 triệu USD, hàng may mặc và da giày 35 triệu, hàng rau củ quả đông lạnh gần 68.000 USD. UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành rà soát thực trạng, đánh giá mức độ ảnh hưởng và hỗ trợ DN điều chỉnh chiến lược thị trường phù hợp.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) Nguyễn Hoàng Minh cho biết: “Doanh số công ty tại thị trường Hoa Kỳ chiếm khoảng 20%, tập trung vào các mặt hàng chủ lực của công ty như bắp non, đậu nành rau, xoài, khóm. Khách hàng là các tập đoàn phân phối lớn, hệ thống siêu thị và hệ thống phân phối tiêu dùng các bang ở Hoa Kỳ. Việc áp thuế 46%, các khách hàng đang tạm dừng lô hàng, đợi sự thay đổi chính sách. Các khách mới thì vẫn tiếp tục giao dịch, nhưng đợi thay đổi chính sách mới lấy hàng. Trước tình hình này, công ty phải chủ động hơn nữa cho các thị trường Châu Âu, Châu Á và Châu Úc, nhằm bù đắp một phần thiếu hụt doanh số. Sự ảnh hưởng là rất lớn, vì Hoa Kỳ là thị trường mà công ty đã có chỗ đứng và có thương hiệu. Nếu Chính phủ chưa đàm phán xong, DN sẽ tự chia sẻ một phần chi phí thuế cùng khách hàng Hoa Kỳ để ứng phó nhu cầu hàng hóa”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước chủ trì điểm cầu tỉnh An Giang Lễ công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương (FTA Index)
Ông Minh cho biết: “Hiện, kim ngạch ngành trái cây rau củ Việt Nam đang có lợi cho Hoa Kỳ về tổng doanh thu và Hoa Kỳ là thị trường đầu ra an toàn, chất lượng và ổn định. Tuy giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm số nhỏ doanh thu, nhưng giải quyết rất lớn bài toán đầu ra cho nông sản Việt Nam và việc làm cho người dân, tránh phụ thuộc vào đầu ra bất ổn phía Trung Quốc. Kiến nghị Chính phủ điều chỉnh thuế nhập từ Hoa Kỳ và đàm phán quyết liệt để đưa thuế về 0%”.
An Giang sẽ tăng cường hỗ trợ DN phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP… Quy hoạch vùng nuôi cá đạt chuẩn ASC phục vụ tốt hơn nhu cầu xuất khẩu. Qua đó, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Gạo, rau quả, cá tra… sang những thị trường khó tính (Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Canada, Bỉ, UAE…) nhằm duy trì kim ngạch xuất khẩu cho các DN. Hỗ trợ DN tiếp cận và khai thác triệt để các FTA và các FTA thế hệ mới, như: Hiệp định EVFTA, CPTPP, RCEP... thông qua phối hợp các vụ, cục thuộc bộ, ngành Trung ương; tổ chức nhiều lớp tập huấn, phổ biến thông tin về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường FTA. Các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho DN phát triển thị trường mới.
Thông qua các kênh ngoại giao, tỉnh tiếp tục các hoạt động đối ngoại, thiết lập mối quan hệ hợp tác với địa phương các nước có nhiều tiềm năng theo hướng hợp tác “sáng kiến cùng phát triển”, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Israel, Đức, Hà Lan... tạo điều kiện xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư trực tiếp giữa chính quyền và DN của tỉnh với các đối tác này, nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa thời gian tới.
Việc Bộ Công Thương vừa công bố kết quả thử nghiệm Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) là rất kịp thời và có giá trị định hướng lớn. Căn cứ kết quả FTA Index năm 2024, UBND tỉnh sẽ khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn rà soát, phân tích sâu các chỉ số thành phần để điều chỉnh chính sách quản lý Nhà nước phù hợp với thực tiễn. |
HẠNH CHÂU
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nhieu-ket-qua-tich-cuc-tu-thuc-thi-fta-tai-an-giang-a418681.html
Bình luận (0)