Hoa giấy Thanh Tiên r ực rỡ sắc màu |
Giữa vùng đất Cố đô Huế thấm đẫm sắc màu văn hóa, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên như một điểm chấm phá dịu dàng và trầm lắng bên dòng sông Hương thơ mộng. Trải qua hơn 4 thập kỷ, làng nghề không chỉ là nơi làm ra những đóa hoa giấy phục vụ tín ngưỡng và lễ hội, mà còn mang trong mình cả một di sản văn hóa phi vật thể quý giá.
Làng hoa giấy Thanh Tiên tọa lạc trên cánh đồng tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nay là phường Dương Nổ, TP.Huế. Không giống như những loại hoa trang trí thông thường, hoa giấy Thanh Tiên mang trong mình một chiều sâu văn hóa đặc biệt. Mỗi bông sen, bông huệ, bông cúc đều gắn với nghi lễ tín ngưỡng, với phong tục thờ cúng tổ tiên, với Tết, với rằm, với những mùa lễ hội thấm đẫm tính tâm linh của người Việt. Từ đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của các nghệ nhân đã cho ra đời những bông hoa giấy đầy sắc màu, tinh tế và mang đậm phong cách riêng của làng nghề nơi đây.
Để tạo ra một bông hoa giấy, nghệ nhân phải chuẩn bị từ trước. Tre phải lựa loại dẻo dai nhất, chẻ nhỏ rồi đem phơi khô làm cành và cuống hoa. Giấy màu phải cắt thành hình bông hoa, dán hồ tạo hình, ghép nhuỵ tạo thành từng bông hoa rồi sau đó ghép hoa vào cành. Quá trình nhuộm màu giấy hoa được làm thủ công bằng màu tự nhiên theo công thức gia truyền của mỗi gia đình.
Bác Trần Phú năm nay 63 tuổi - một nghệ nhân lâu năm của làng hoa |
Bác Trần Phú năm nay 63 tuổi - một nghệ nhân nổi tiếng của vùng và là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm hoa giấy. Bác chia sẻ: "Làm hoa giấy trước đây không đảm bảo được cuộc sống như hiện nay, chỉ bán được vào những dịp tết còn thời gian khác phải làm thêm các công việc đồng áng để có thêm chi phí. Còn bây giờ hoa giấy được đặt mua quanh năm, được nhiều du khách biết đến và tham gia trải nghiệm làm hoa”.
Khi đặt chân đến đây, chúng tôi bắt gặp một số bạn trẻ và du khách đang tham gia trải nghiệm làm ra một bông hoa thực thụ. Người thì tỉ mỉ tạo ra những nếp gấp, đường gợn cho cánh hoa, người thì đính các cánh hoa tạo thành hình thù của những loài hoa: hoa tường vy, hoa hồng, hoa huệ... Tôi thấy trên khuôn mặt các bạn trẻ đầy nhiệt huyết cũng như sự thích thú đối với những bông hoa này.
Theo bạn N.T.H.Trang - sinh viên năm ba Trường Đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế chia sẻ: “Cứ mỗi dịp tết em thấy mẹ mua những cây hoa giấy Thanh Tiên để trưng trong nhà, bản thân em cảm thấy tò mò và hứng thú với những bông hoa giấy đầy sắc màu và bắt mắt. Vì vậy, em đã tìm hiểu về làng nghề và dành thời gian đến khám phá làng nghề cũng như trải nghiệm làm ra một bông hoa giấy. Sau khi tham gia trải nghiệm làm hoa và nghe chú chia sẻ, em cảm thấy yêu quý từng bông hoa, không chỉ vì vẻ đẹp của nó mà vì câu chuyện và công sức người thợ bỏ ra”.
T.P.Thành - sinh viên năm cuối trường Đại học Phú Xuân, kể lại: “Lúc đầu mình chỉ nghĩ đến làng nghề để trải nghiệm cho biết với bạn bè. Nhưng khi được bác Phú tận tay hướng dẫn làm bông hoa hồng, mình bất giác thấy lặng người lại. Cảm giác khi thấy giấy hóa thành hoa, đơn sơ mà thiêng liêng lạ thường. Và mình nghĩ phải làm cái gì có ích để mọi người biết đến làng nghề. Thế nên, mình hay giới thiệu cho bạn bè, dẫn các bạn khách nước ngoài đi trải nghiệm ở làng nghề Thanh Tiên”.
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên thu hút các bạn trẻ |
Cũng từ đây, nhiều sinh viên tìm đến làng trong các kỳ nghỉ để quay dựng tư liệu bằng ảnh, video và sử dụng “truyền thông” để nhiều người biết đến làng nghề hơn. Nhiều trường học các cấp trong thành phố và các tỉnh lân cận thường xuyên tổ chức các chuyến trải nghiệm trong năm học cho các em học sinh tại làng Thanh Tiên. Từ đó giúp các em tìm hiểu về truyền thống, thêm yêu bản sắc dân tộc qua mỗi cánh hoa bằng giấy, qua từng câu chuyện được kể ở mỗi nghệ nhân trong làng.
Thông qua từng thước phim, từng tấm ảnh ghi lại hành trình trải nghiệm làm ra đóa hoa giấy từ những đôi tay còn rất trẻ - những sinh viên vốn tưởng như chỉ quen với sách vở, công nghệ, lại là những người đang âm thầm níu giữ hồn làng, níu giữ văn hoá truyền thống của làng nghề Thanh Tiên.
Bác Phú chia sẻ thêm: “Khi nhìn thấy nhiều khách du lịch đặc biệt là những bạn trẻ ngày càng quan tâm và biết đến làng nghề, bác cảm thấy vui lắm. Hoa giấy Thanh Tiên gắn liền với bác qua từng kỷ niệm, giai đoạn của cuộc đời. Làm hoa giấy không phải chỉ để bán, mà là để giữ lấy cái hồn của làng, của quê, của tổ tiên mình. Đó là động lực để bác theo đuổi và giữ gìn cái hồn này suốt bấy nhiêu năm qua”. Câu nói ấy, tưởng như chỉ là lời chia sẻ của một người nghệ nhân giữ nghề, nhưng lại trở thành lời gọi thầm, dẫn lối cho nhiều người trẻ bước vào con đường đầy gian truân nhưng cũng ngập tràn cảm xúc: Hành trình giữ gìn hoa giấy Thanh Tiên.
Bảo tồn làng nghề không phải là chuyện trong ngày một ngày hai. Hoa giấy Thanh Tiên vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn. Thế nhưng làng hoa giấy Thanh Tiên hôm nay vẫn rực rỡ sắc màu như hàng trăm năm trước, và điều quý giá hơn cả là nó đang hồi sinh bằng một nhịp thở mới - nhịp thở của những người trẻ đầy đam mê, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi một thế hệ.
Nguồn: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/nhip-tho-moi-tu-lang-hoa-giay-thanh-tien-155456.html
Bình luận (0)