Nay đã tròn 50 năm đất nước thống nhất, non sông liền một dải, nhưng kỷ niệm trong suốt 20 năm gắn bó với Câu lạc bộ vẫn sống động, không thể nào phai trong ký ức của các thế hệ cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.

Miền Nam giữa lòng Hà Nội
Thời đó, Câu lạc bộ Thống Nhất được ví như “miền Nam thu nhỏ” bởi đây là nơi hội tụ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cán bộ, đồng bào ở hầu khắp các địa phương miền Trung, miền Nam ra tập kết. Giọng Huế, giọng Quảng Nam, rồi Nam Bộ... hòa trộn, nghe vui và thân thương đến lạ. Hằng tuần, mọi người đến nghe thời sự, xem biểu diễn nghệ thuật, đọc sách, thi đấu thể thao, thưởng thức các món đặc sản quê hương...
Nhiều người còn nhận được bưu thiếp, thư từ trong Nam gửi ra, tìm được người thân hoặc đồng hương cùng tập kết. Và tại đây, không ít cán bộ miền Nam đã gặp được người yêu thương, trở thành chàng rể của đất Hà thành, điều mà trước đó họ không bao giờ nghĩ tới.
Những ngày cuối tuần, khuôn viên Câu lạc bộ đông nghẹt người. Những điệu hò Huế, cải lương, bài chòi cùng tiếng nhạc, tiếng trống rộn rã từ Câu lạc bộ vang ra ngoài phố, cuốn hút người qua lại. Cô tôi nhà ở phố Hàng Bạc, mê cải lương nên thường đến Câu lạc bộ. Và từ nơi này, cô tôi đã nên duyên vợ chồng với một cán bộ tập kết người Phú Yên. Tôi nhớ một lần cô dẫn tôi đến Câu lạc bộ nghe ca sĩ Quốc Hương, Trần Thụ hát “Tình trong lá thiếp”, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” rất ngọt ngào.
Cô tôi kể, một buổi tối thứ bảy, cả hội trường Câu lạc bộ bỗng vỗ tay rầm rầm khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất hiện. Giọng Quảng Ngãi của ông vang lên ấm áp: “Xin chào bà con đồng hương miền Nam và tất cả các bạn là dâu rể miền Nam ruột thịt!”. Thủ tướng biểu dương những gương công tác, học tập tốt của cán bộ tập kết. Ai cũng rưng rưng nghẹn ngào trước sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với đồng bào tập kết, xa quê hương.
Khi đứa con đầu lên 3 tuổi, cô chú tôi cho bé đến vui Tết Trung thu tại Câu lạc bộ. Thật vinh dự và bất ngờ, đêm Trung thu năm đó Câu lạc bộ đã được đón Bác Hồ đến chung vui với các cháu thiếu nhi miền Nam. Cô tôi cứ tiếc mãi vì lúc đó không chụp được tấm ảnh nào để lưu niệm sau này.
Nơi gắn kết, vun đắp tình yêu thương
Suốt 20 năm (1955 - 1975), Câu lạc bộ Thống Nhất được Ủy ban Thống nhất Chính phủ, chính quyền và nhân dân Hà Nội quan tâm, tạo mọi điều kiện, dành ưu tiên cho các sinh hoạt của cán bộ, đồng bào miền Nam tập kết. Nguyện vọng được bố trí nhà ở, đi học nâng cao, được công tác phù hợp, hoặc được trở lại miền Nam chiến đấu của cán bộ... đều được Câu lạc bộ tiếp nhận, đề nghị cấp trên giải quyết. Năm 1974, nhiều bạn bè, đồng hương của chú Dũng đã được trở lại miền Nam, chắc chuẩn bị cho Tổng tiến công. Chú tôi sốt ruột lắm, nôn nóng làm đơn xin vô Nam.
Sang đầu tháng 3-1975, đài Tiếng nói Việt Nam dồn dập đưa tin chiến thắng: Ngày 10-3-1975, giải phóng hoàn toàn Buôn Mê Thuột; ngày 26-3-1975, quân Giải phóng làm chủ thành phố Huế. Và trưa ngày 1-4-1975, toàn tỉnh Phú Yên được giải phóng. Chú tôi mừng rỡ reo hò vang cả sân Câu lạc bộ: “Quê tôi giải phóng rồi, anh em ơi!”.
Từ sáng sớm đến tối khuya ngày 30-4-1975, Câu lạc bộ Thống Nhất đông nghịt bà con quê miền Nam đến ngóng tin chiến thắng. Loa phóng thanh quanh Bờ Hồ liên tục phát tin chiến sự và bài hát “Tiến về Sài Gòn”, “Sài Gòn quật khởi”. Buổi trưa, đài phát tin quân ta đã chiếm dinh Độc Lập, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng thì khắp Thủ đô pháo nổ rầm trời. “Miền Nam giải phóng rồi! Sắp được về quê rồi, anh em ơi!”. Câu lạc bộ như bùng nổ, mọi người ôm nhau hét vang, mừng rơi nước mắt. Chú tôi lặng người đi. Nhiều người khóc thút thít...
Đêm 1-5-1975, Hà Nội bắn pháo hoa mừng chiến thắng. Bên hồ Gươm, chú rể tôi rút từ trong sắc-cốt ra một tờ giấy khoe với cô tôi. Đó là bức “Thư của Bác Hồ gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” được viết từ 1954. Người viết: “Tuy đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Rồi chú ôm vai cô tôi: “Riêng anh, còn may mắn gặp em - người vợ thương yêu của đời anh!”. Dù đã mấy chục năm trôi qua, nhưng khi kể lại, đôi mắt của cô tôi vẫn rưng rưng.
Cuối năm 1975, vợ chồng cô chú tôi chuyển vào sinh sống, công tác tại Phú Yên. Những năm sau, lần nào trở lại Thủ đô, cô chú cũng tìm đến nhà số 16 Lê Thái Tổ, cả hai tha thẩn hồi lâu như tìm lại những cảm xúc của Hà Nội “một thời đạn bom” và những kỷ niệm gắn kết tình cảm yêu thương tại Câu lạc bộ lịch sử này.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nho-mot-thoi-cau-lac-bo-thong-nhat-698822.html
Bình luận (0)