Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhóm nữ thợ lặn tự tiến hóa, biến đổi gen để phù hợp môi trường khắc nghiệt

(Dân trí) - Một nhóm các nữ thợ lặn sống trên đảo Jeju, Hàn Quốc, đã có sự tiến hóa và biến đổi gen để giúp cơ thể thích nghi với môi trường nước biển lạnh, giúp họ săn bắt hải sản hiệu quả hơn.

Báo Dân tríBáo Dân trí13/05/2025

Haenyeo (theo nghĩa đen "những người phụ nữ biển"), là tên gọi của những nữ thợ lặn biển sống trên đảo Jeju, Hàn Quốc. Những người phụ nữ này vẫn có thể lặn xuống biển khi đã bước sang độ tuổi 80, lặn đến độ sâu 10m mà không cần bất kỳ thiết bị trợ thở nào.

Công việc của họ là săn bắt, thu thập các loại hải sản, bao gồm bào ngư, nhím biển, bạch tuộc, rong biển…

Nhóm nữ thợ lặn tự tiến hóa, biến đổi gen để phù hợp môi trường khắc nghiệt - 1

Các nữ thợ lặn Haenyeo có thể lặn xuống nước biển lạnh giá mà không cần thiết bị trợ thở, ngay cả khi họ đã ở độ tuổi trên 70 (Ảnh: NYT).

Mặc dù mỗi lần lặn xuống biển chỉ kéo dài khoảng hơn một phút, những chuyến lặn biển của các Haenyeo kéo dài liên tục từ 4 đến 5 tiếng đồng hồ, điều này đòi hỏi sự bền bỉ đáng kinh ngạc của các nữ thợ lặn.

Các nhà khoa học cho rằng sau nhiều thế hệ làm công việc lặn biển, nhóm nữ thợ lặn này đã có những sự tiến hóa về mặt sinh học và di truyền để cho phép họ lặn tự do dưới nước biển lạnh và trong thời gian dài.

Để khám phá điều này, các nhà nghiên cứu dẫn đầu bởi các nhà khoa học đến từ Đại học California - Berkeley (Mỹ) đã phân tích bộ gen của 30 nữ thợ lặn Haenyeo, 30 phụ nữ không làm nghề thợ lặn sống tại đảo Jeju và 31 phụ nữ sống trên đất liền Hàn Quốc.

Những người phụ nữ tình nguyện tham gia nghiên cứu có độ tuổi trung bình 65, phù hợp với độ tuổi lao động của nhiều Haenyeo.

Các nhà nghiên cứu không chỉ dừng lại ở di truyền học, mà còn kiểm tra nhịp tim và huyết áp của những người phụ nữ tham gia nghiên cứu trong khi họ nghỉ ngơi và trong các lần "lặn mô phỏng", bao gồm việc nín thở và nhúng mặt vào nước lạnh.

Nghiên cứu kết luận rằng các nữ thợ lặn Haenyeo đã có những sự biến đổi gen, phát triển về di truyền để giúp họ thích nghi với công việc lặn biển.

Nhóm nữ thợ lặn tự tiến hóa, biến đổi gen để phù hợp môi trường khắc nghiệt - 2

Các nữ thợ lặn đã có sự tiến hóa về mặt sinh học giúp họ có thể thường xuyên làm việc trong môi trường khắc nghiệt (Ảnh: CNBC).

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người phụ nữ sống trên đảo Jeju, cả những Haenyeo và những người không làm nghề lặn biển, có sự khác biệt về mặt di truyền so với phụ nữ sống trên đất liền Hàn Quốc. Điều này cho thấy nhiều khả năng người dân trên đảo Jeju có nguồn gốc từ một nhóm tổ tiên khác biệt so với trên đất liền.

Các nhà khoa học cho biết các Haenyeo có một loạt biến đổi gen giúp họ đối phó với những áp lực của việc lặn biển, bao gồm một gen giúp cải thiện khả năng chịu lạnh, cho phép các nữ thợ lặn ít bị tổn thương do hạ thân nhiệt khi lặn xuống nước lạnh.

Ngoài ra, họ cũng có một gen khác liên quan đến giảm huyết áp tâm trương, giúp họ có thể nhịn thở lâu hơn. Đây có lẽ chính là nguyên do giúp các Haenyeo có thể lặn sâu xuống biển mà không cần các thiết bị trợ thở.

Khi các nhà khoa học mô phỏng quá trình lặn trong nước lạnh, những người tham gia nghiên cứu đều trải qua quá trình giảm nhịp tim như một phản xạ tự nhiên để bảo tồn oxy trong cơ thể.

Tuy nhiên, các Haenyeo đã cho thấy sự vượt trội về khả năng giảm nhịp tim, khi nhịp tim họ giảm trung bình 18,8 nhịp/phút, so với mức giảm chỉ 12,6 nhịp/phút của những phụ nữ khác sống tại Jeju nhưng không làm nghề lặn biển.

Nhịp tim chậm hơn sẽ giúp các nữ thợ lặn tiết kiệm năng lượng và kéo dài lượng oxy dự trữ, một lợi thế quan trọng giúp họ có thể lặn sâu và lâu hơn chỉ bằng một hơi thở.

"Bởi vì các Haenyeo đã lặn trong một thời gian rất dài, nhịp tim của họ được rèn luyện để giảm được nhiều hơn. Chúng tôi đã nhận thấy một nữ thợ lặn có tim giảm hơn 40 nhịp chỉ sau 15 giây", Melissa Ilardo, tiến sĩ di truyền học đến từ Đại học Utah (Mỹ), thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nhóm nữ thợ lặn tự tiến hóa, biến đổi gen để phù hợp môi trường khắc nghiệt - 3

Số lượng các nữ thợ lặn tại Jeju đang ngày càng giảm khi nhiều cô gái không còn muốn theo đuổi công việc nguy hiểm này (Ảnh: Shutterstock).

Tuy nhiên, giống như nhiều đặc điểm văn hóa truyền thống khác trên thế giới, truyền thống Haenyeo đang ngày càng bị mai một do nhiều phụ nữ trẻ tại Jeju không muốn tiếp tục công việc lặn biển, điều này khiến nhóm các nữ thợ lặn Haenyeo đang bị giảm sút số lượng.

Những nữ thợ lặn Haenyeo ở độ tuổi 70 vẫn đang tiếp tục công việc của mình, nhưng nhiều khả năng đây sẽ là thế hệ nữ thợ lặn cuối cùng tại Jeju.

Tuy nhiên, những tiến hóa sinh học và di truyền được hình thành qua nhiều thế hệ làm công việc lặn biển của các Haenyeo có thể để lại một di sản lâu dài, không chỉ là ký ức về mặt văn hóa, mà còn là nguồn tài nguyên khoa học quan trọng.

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu cách Haenyeo thích nghi với môi trường làm việc khắc nghiệt có thể giúp nền y học hiện đại khám phá ra những hiểu biết có lợi.

"Nếu chúng ta có thể nghiên cứu sâu hơn về những sự thay đổi sinh học và di truyền của các nữ thợ lặn tại Jeju, đây có thể là nguồn tài nguyên quý giá để tìm ra phương pháp điều trị nhiều căn bệnh khác nhau, chẳng hạn rối loạn huyết áp trong thai kỳ hoặc đột quỵ", tiến sĩ Melissa Ilardo cho biết thêm.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học Cell Reports.

Nguồn: https://dantri.com.vn/khoa-hoc/nhom-nu-tho-lan-tu-tien-hoa-bien-doi-gen-de-phu-hop-moi-truong-khac-nghiet-20250513010828928.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm