Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Niềm vui ngày giải phóng

Vũ xuống xe lúc bốn rưỡi chiều, anh không vội về nhà mà lang thang đi kiếm người bạn già trò chuyện. Chiếc xe ba gác quen thuộc đậu phía bên ngoài chợ đầu mối nhưng không thấy người đâu. Vũ nhìn chiếc chõng buộc vào hai thân cây ven đường vẫn đung đưa, anh biết ông Bảo chắc vừa mới rời khỏi đây thôi, có khi đã tạt ra sau chợ mua gói xôi lót dạ.

Báo Phú YênBáo Phú Yên20/04/2025

Quán trà đá của bà cụ Báu cũng mở muộn. Liên, con gái bà thoăn thoắt dọn hàng, chìa cho Vũ chiếc ghế, chẳng ai hỏi cũng phân trần: "Nay trở trời, vết thương cũ tái phát, mẹ em phải nằm nhà". Cũng phải! Cái thời tiết ẩm ương này đến người trẻ khỏe còn lăn ra ốm nữa là. Vũ tự rót cho mình một chén trà nóng, nhâm nhi ngồi chờ ông cụ chở nốt chuyến hàng. Lúc mở ba lô định lấy sổ ghi chép thì chiếc hộp gỗ khảm trai rơi ra. Vũ cầm món quà người thương binh già tặng mình hồi chiều, lòng vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc.

Minh họa: PV
Minh họa: PV

        - Đẹp quá! Anh mua món đồ thủ công mỹ nghệ đó ở đâu vậy? Chỉ chỗ cho em.

      - Tôi được tặng đấy. Trông tỉ mỉ thế này mà lại được làm từ đôi bàn tay của một người thương binh già, đã cụt một bên. Ông ấy là nghệ nhân của làng nghề nổi tiếng.

Vũ ngồi tựa lưng vào bức tường nham nhở phía sau, đeo tai nghe để gỡ băng ghi âm cuộc phỏng vấn nhân vật cho số báo đặc biệt kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Giọng cười hào sảng vang lên, ông Hùng kéo chiếc ghế mây ra mời khách ngồi. Pha một ấm trà mới, ông hỏi Vũ đến có việc gì? "Tôi nhìn cậu chắc không phải là khách mua hàng". Nhấp ngụm trà, mắt ông nhìn xa xăm, ký ức lại hiện về mồn một. Cứ như thể máy bay địch đang vần vũ trên khoảng trời trước mặt.

        - Cậu hỏi về chiến dịch Tây Nguyên ư? Cậu hỏi tôi nhập ngũ năm bao nhiêu tuổi ấy à? 17 tuổi. Hồi ấy có nhiều người còn trẻ hơn tôi. Chúng tôi đến từ khắp các miền quê, gặp nhau trên nhiều chiến trường khốc liệt. Mỗi người đều mang theo những câu chuyện của riêng mình nhưng mắt đứa nào cũng lấp lánh giống nhau khi nghĩ đến ngày mai toàn thắng.

       - Ông có bao giờ tò mò về những người đã cùng mình chiến đấu trong chiến dịch Tây Nguyên năm ấy giờ đang sống thế nào không ạ?

       - Rất nhiều người trong số họ đã nằm lại mãi mãi trên chiến trường. Những người may mắn được trở về thì lại tiếp tục học tập và lao động sản xuất như tôi. Cậu tin không, tôi gặp họ mỗi ngày trong ký ức.

Ký ức đưa ông trở lại những ngày vừa nhập ngũ. Khi đó ông được huấn luyện tại Trung đoàn 299, Bộ Tư lệnh Công binh. Năm 1974, ông được chuyển về Lữ đoàn Công binh 299 thuộc Quân đoàn 1. Vào đầu tháng 1/1975, trước yêu cầu cấp bách của tình hình, đơn vị ông tạm thời rời Quân đoàn 1, Nam tiến vào Chiến trường B3 Tây Nguyên để tham gia chiến dịch Tây Nguyên lịch sử. Ông còn nhớ như in đêm đi qua phà 10, địch ném bom dữ dội. Đồng đội của ông nhiều người đã nằm xuống ngay đêm ấy, chẳng còn cơ hội để nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong ngày thống nhất.

     - Chúng tôi cứ miệt mài hành quân trong đêm, cố gắng tiếp cận Buôn Ma Thuột. Gần sáng thì cả đơn vị ém quân trong những chiếc hầm dài, sâu 30-40cm để tránh pháo sáng. Đơn vị nhận nhiệm vụ mở đường nên chia từng nhóm nhỏ tiến sâu vào trong, áp sát mục tiêu, chờ lệnh thông đường.

      - Đêm ấy hẳn là rất dài ông nhỉ?

    - Phải! Trước cuộc tiến công cả khu rừng yên ắng, tĩnh lặng. Cho đến 2 giờ 3 phút sáng 10/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên phát lệnh nổ súng tiến công vào TX Buôn Ma Thuột. Cả khu rừng rung chuyển. Từng tốp xe tăng đã chờ sẵn, hùng dũng húc đổ những thân cây đã cưa sẵn, để lộ ra con đường để các xe tải chở vũ khí, đạn dược thuận lợi tiến vào đánh căn cứ Tổng kho Mai Hắc Đế. Cùng thời điểm đó, từ khắp các hướng, quân đội ta đánh sân bay thị xã; đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Ty Ngân khố… Đến 10 giờ ngày 11/3/1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.

- Vậy là ông cũng bị thương trong trận đánh cuối cùng này ạ?

- Đó chưa phải là trận đánh cuối cùng.

- Đơn vị tôi còn truy kích địch dọc theo quốc lộ 14, tới Chơn Thành thì theo đường 13 tiến về giải phóng Sài Gòn. Tôi bị thương trong trận đánh căn cứ Đồng Dù ở Củ Chi, nơi được coi là “cánh cửa thép” án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn.  

Tiếng chuông điện thoại đã đưa ông trở về thực tại. "Khách hàng ấy mà, họ giục giao đơn hàng đúng hẹn", ông vừa nói vừa thong thả rót trà mời Vũ. Cơ sở sản xuất của ông nằm trong làng nghề khảm trai của địa phương. Vũ đi tham quan một vòng, mê mẩn ngắm những sản phẩm khảm trai, công phu, tinh xảo. Anh giơ máy bấm trọn khoảnh khắc đôi bàn tay không còn nguyên vẹn của ông đang tỉ mẩn tỉa từng họa tiết. Đi qua cuộc chiến tranh, ông trở về quê hương tiếp nối và giữ gìn giá trị của làng nghề truyền thống bằng tất cả tâm huyết của mình.

                                                              ***

Xong chuyến hàng, ông Bảo trở về điểm cũ chìa ra trước mặt Vũ và Liên túi mía bảo: "lộc chủ nhà cho". Vũ hỏi:

- Nay được mấy cuốc rồi ạ?

- Đủ ăn. Mà sao giờ này cậu còn ở đây? Không đi đá bóng à?

- Cháu đến vì muốn xin phép viết về ông.

- Viết về tôi ấy hả? Lão già này thì có gì để viết?

- Cháu muốn nghe ông kể về trận đánh ở Trảng Bom trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

- Thì tôi chẳng kể với cậu mấy lần rồi đấy thôi. Kể vui thôi chứ tôi không lên báo đâu. Có giặc thì cầm súng, ai chẳng vậy. Biết bao nhiêu đồng đội của tôi, họ còn không có cơ hội để nhắc tên mình.

Ông đặt người xuống chõng, nằm hát nghêu ngao. Thò tay vào chiếc áo bay bộ đội đã bạc màu, ông lôi ra sấp tiền công của cả một ngày dài, vừa đếm vừa vuốt phẳng phiu từng tờ một. Số tiền này ông về đưa hết cho vợ, để bà chi tiêu trong nhà. Thời buổi đồng tiền mất giá mà trăm khoản chi tiêu, vợ chồng ông lại không có lương nên càng cực nhọc. Con cái chẳng đứa nào khá giả, tính ông cũng không muốn phụ thuộc vào người khác. Còn sức khỏe thì còn lao động. Ngày xưa bom rơi đạn lửa khổ cực là thế, nguy hiểm là thế còn chiến thắng nữa là. Cuộc chiến cơm áo, gạo tiền giữa thời bình làm sao mà đánh gục nổi ông. Dẫu thi thoảng vết thương cũ lại tái phát đau nhức mấy ngày trời, nhưng cũng có hề gì. Trời thương, người thương, chăm chỉ túc tắc thì chẳng sợ đói. Chờ thêm lúc nữa nếu không có người thuê, ông sẽ trở về nhà. Căn nhà nhỏ của ông ở ngoại thành, đi qua cây cầu kia là tới. Tắm rửa, ăn cơm, ngủ một giấc ngon lành đến nửa đêm ông lại dậy mưu sinh trong chợ đầu mối. Như chợt nhớ ra điều gì, ông quay ra bảo Vũ:

- Quên chưa kể với cậu, hôm nọ đang ngủ tôi bỗng nhận được cuộc gọi từ số lạ. Tưởng bọn lừa đảo tính chửi cho một trận, hóa ra lại là đồng đội cũ. Chả hiểu kiểu gì ông bạn mò ra số của tôi. Cùng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn Bộ binh 266 đấy. Hôm tiểu đoàn phối hợp với xe tăng áp sát mục tiêu ở Bàu Cá, đột phá ổ đề kháng của địch, lão ấy trúng đạn tưởng không qua khỏi. Ấy thế mà vẫn ngon lành cành đào. Sau này về làm thầy giáo làng lấy cô vợ đảm đang, khéo léo. Con cái đều trưởng thành. Giờ ở nhà quanh quẩn vườn tược, cây cối.

- Từ ngày giải phóng đến giờ, các ông chưa có buổi họp mặt đồng đội nào sao ạ?

- Thì mỗi người mỗi nơi. Thời ấy phương tiện liên lạc thì không có. Dạo gần đây mới tìm cách liên lạc với nhau, người còn người mất, còn được mấy người đâu. Nói thế chứ, chúng tôi vẫn nhớ tới nhau ở trong tim là được. Có gặp lại cũng sẽ thấy thân thiết như cái thời chia nhau mẩu lương khô, từng ngụm nước, nhường nhau sự sống, che chắn cho nhau hòn tên mũi đạn.

- Hay năm nay kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, các ông gặp nhau đi ạ.

- Thì cũng đang tính đây. Mấy ông bạn bàn với nhau hay là làm một chuyến vào TP Hồ Chí Minh, xem diễu binh diễu hành ở hội trường Thống Nhất. Để được sống lại một phần không khí của ngày giải phóng. 50 năm rồi, nhanh thật đấy. 50 năm sau, chúng tôi chắc chẳng ai còn.

Trời sầm sập tối tự lúc nào. Ông Bảo thu dọn võng chuẩn bị qua cầu về với bữa cơm chiều bà nhà đang đợi. Vũ như chợt nhớ ra điều gì đó quay lại hỏi Liên:

- Nãy cô hỏi chỗ mua hộp trang sức khảm trai này làm gì?

- À! Em định mua tặng mẹ ấy mà. Mẹ em chẳng có trang sức gì đắt tiền. Có chiếc lược làm từ xác máy bay B-52 với chiếc vòng bạc cũ, mà cứ gói ghém kỹ trong chiếc khăn mùi xoa, đến tội.

Vũ mỉm cười nhìn những mảnh khảm trai lấp lánh chắc cũng đẹp như vì sao đêm trên cánh rừng Tây Nguyên năm đó mà ông Hùng từng kể. Anh tặng lại món quà này cho một nữ quân y thời chiến. Liên cầm món quà trên tay mường tượng ra ánh mắt hạnh phúc của mẹ mà không khỏi bùi ngùi. Phố cũng đã lên đèn rồi, lấp lánh…

 

Nguồn: https://baophuyen.vn/tin-noi-bat/202504/niem-vui-ngay-giai-phong-adb2385/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4
Từ 18 giờ tối nay 19.4, CSGT tiếp tục cấm xe hơn 20 tuyến đường trung tâm TP.HCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm