Những bất lợi từ chính sách thuế đối ứng
Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện sản phẩm của tỉnh như linh kiện điện tử, xi măng-clinker, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, nhất là các thị trường đã ký FTA với Việt Nam. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 3.381,2 triệu USD, tăng 5,9% so với năm 2023; quý I năm 2025 đạt 841,7 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu năm 2024 đạt 3.218,3 triệu USD, tăng 14,6% so với năm 2023; quý I năm 2025 đạt 775,9 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Ninh Bình sang thị trường Mỹ năm 2024 đạt 777,5 triệu USD, chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; 3 tháng đầu năm nay đạt 165,5 triệu USD, tăng 1,16% so với cùng kỳ và chiếm 19,7% tổng kim ngạch toàn tỉnh.
Đồng chí Dương Đức Đằng, Giám đốc Sở Công Thương thông tin: Sáng 3/4/2025 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, dự kiến áp dụng từ 9/4, hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam phải chịu mức thuế là 46%, nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều hoạt động đối ngoại với Mỹ, kết quả là Hoa Kỳ đã hoãn việc áp mức thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam trong vòng 90 ngày để tạo không gian đàm phán, hạ thấp các rào cản thương mại (Mỹ vẫn áp thêm thuế 10% trong thời gian này). Tuy nhiên, sau 90 ngày nếu không có thoả thuận phù hợp thì hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của nước ta sang thị trường Mỹ có thể phải chịu thuế đối ứng là 46%.
Phân tích của lãnh đạo Sở Công Thương nêu rõ: Trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều biến động thì việc Mỹ áp dụng mức thuế cao sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi xuất khẩu hàng hoá trực tiếp sang thị trường này do mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất. Trước mắt, nếu Mỹ áp dụng mức thuế 46%, thì hàng hoá xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sang Mỹ sẽ đội giá thành lên gần một nửa, khiến hàng hóa Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh về giá so với nước khác không bị áp thuế.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể buộc phải giảm mạnh lượng hàng xuất hoặc tạm ngừng xuất khẩu sang Mỹ. Trường hợp mức thuế không thay đổi, các đối tác Mỹ có thể sẽ hoãn hoặc hủy đơn hàng từ doanh nghiệp Ninh Bình do lo ngại thuế làm giá tăng cao, hệ quả là kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang Hoa Kỳ dự kiến sẽ sụt giảm từ đầu quý III/2025. Trong dài hạn, từ những tác động trực diện đối với các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép có thể để lại những tác động về mặt kinh tế-xã hội khi lao động bị thất nghiệp, giảm giờ làm, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng của tỉnh.
Ngoài ra, việc áp thuế cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp bị thu hẹp đột ngột. Nhiều doanh nghiệp có thể phải giảm giá bán, cắt giảm lợi nhuận để giữ thị trường. Trong khi số khác không thể gánh nổi chi phí sẽ mất thị phần vào tay đối thủ từ quốc gia không bị đánh thuế cao. Tồn kho tăng cao do sản phẩm sản xuất có thể không xuất được sang Mỹ, gây ứ đọng vốn và làm suy yếu dòng tiền của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ cũng đối mặt với việc mất đơn hàng dây chuyền, buộc phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới, có nguy cơ làm suy giảm doanh thu, thậm chí phải thu hẹp sản xuất.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, với mức thuế đối ứng 46% khiến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong vai trò điểm đến cho hoạt động sản xuất hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nhắm vào thị trường Hoa Kỳ. Nhiều tập đoàn đa quốc gia trước đây đã chuyển dịch chuỗi sản xuất sang Việt Nam, nhắm tới Ninh Bình để giảm thiểu tác động của thuế quan Hoa Kỳ áp dụng lên thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, nay có thể phải xem xét lại quyết định này.
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp
Đồng chí Giám đốc Sở Công Thương Dương Đức Đằng cho biết, trước tình hình Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng cao sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khi xuất khẩu hàng hoá trực tiếp sang Mỹ, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các doanh nghiệp xuất khẩu thông báo về việc Mỹ dự kiến áp mức thuế đối ứng đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. Đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp bình tĩnh, chủ động rà soát lại các đơn hàng, hợp đồng thương mại với đối tác Mỹ, đánh giá lại kế hoạch sản xuất, xuất khẩu trong giai đoạn tới để có các điều chỉnh phù hợp. Đẩy mạnh cải tiến chất lượng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, không tiếp tay cho các hoạt động chuyển tải bất hợp pháp trong trường hợp Việt Nam và Mỹ đạt được một thỏa thuận thương mại.
Ngay sau đó, Sở đã chủ động liên hệ với Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Vụ Chính sách thương mại Đa biên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) để cập nhật tình hình thị trường Mỹ, các biểu thuế quan Mỹ áp dụng đối với từng mặt hàng để thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh chủ động phương án sản xuất, xuất khẩu.
Để tránh việc phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Mỹ của một số doanh nghiệp, Sở Công Thương đã nhanh chóng phối hợp triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới thay thế như châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia ASEAN, Trung Đông, Mỹ Latinh,… giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm hiểu, nghiên cứu các thị trường xuất khẩu tiềm năng, đẩy mạnh cung cấp thông tin về các chính sách thương mại quốc tế và 17 FTA mà Việt Nam tham gia, giúp doanh nghiệp tận dụng các cơ hội này để giảm thiểu tác động của thuế tăng từ Mỹ; phối hợp nghiên cứu, đánh giá các mặt hàng có nguy cơ tiềm ẩn chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.
Cùng với sự chủ động của Sở Công Thương, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhanh chóng triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh bằng giá trị thay vì chỉ dựa vào giá rẻ. Cắt giảm chi phí không cần thiết trong sản xuất, vận hành để nâng cao khả năng cạnh tranh về giá thành, cải thiện lợi nhuận. Chuyển dần từ gia công thuần tuý sang sản xuất sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, giảm mức độ ảnh hưởng từ việc bị áp thuế suất cao và dễ dàng thâm nhập hơn vào các thị trường khác.
Song song với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ một phần sản phẩm, đặc biệt là hàng tiêu dùng như dệt may, thực phẩm… bị tồn kho do xuất khẩu khó khăn, giúp doanh nghiệp vừa có doanh thu tạm thời, vừa giữ được hoạt động sản xuất và việc làm cho lao động. Mặc dù thị trường nội địa không thể thay thế hoàn toàn xuất khẩu Mỹ nhưng mỗi 1% thị phần nội địa tăng thêm cũng giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.
Với góc nhìn tích cực, Giám đốc Sở Công Thương Dương Đức Đằng cho rằng: “Dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ đặt ra không ít thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch sang mô hình phát triển bền vững, giảm phụ thuộc vào một vài thị trường và nâng cao khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài”.
Trong thương mại quốc tế, “thuế đối ứng” (tiếng Anh là retaliatory tariff) là loại thuế một quốc gia áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia khác nhằm đáp trả các hành động thương mại bị coi là không công bằng, như trợ cấp vượt mức, bán phá giá hoặc áp đặt hàng rào kỹ thuật gây bất lợi. Đây không phải là biện pháp được sử dụng thường xuyên, nhưng trong một số tình huống cần thiết, nó có thể được vận dụng hợp pháp, miễn là có đủ chứng cứ về thiệt hại và tuân thủ quy trình của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/ninh-binh-chu-dong-ho-tro-doanh-nghiep-ung-pho-voi-bien-720938.htm
Bình luận (0)