Khách du lịch thả rùa con về biển tại Vườn quốc gia Côn Đảo. |
Hệ sinh thái thiên nhiên đặc biệt
Ông Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng Bảo tồn và Hợp tác quốc tế VQG Côn Đảo cho biết: VQG Côn Đảo nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam. Vườn có 14.000ha đất ngập nước. Hệ động vật rừng Côn Đảo được ghi nhận với 144 loài, trong đó lớp thú là 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như thủy sản, rong biển. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh, cá nược, cá cúi (hay còn gọi là dugong). Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển.
Theo các nhà nghiên cứu, vùng đất ngập nước ở Côn Đảo là cái nôi của đa dạng sinh học và cung cấp nước cũng như những điều kiện cơ bản giúp nhiều loài động thực vật tồn tại. Đây cũng là nơi tập trung ở mức cao các loài chim, thú có vú, bò sát, động vật lưỡng cư, cá và các loài nhuyễn thể.
Trong số các vùng đất ngập nước ở Côn Đảo, rừng ngập mặn có diện tích hơn 30ha, là một trong những khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại của Việt Nam. Rừng ngập mặn phân bố rải rác ở nhiều khu vực khác nhau với diện tích không lớn nhưng đa dạng, khu vực lớn nhất khoảng 5,9ha, nhỏ nhất khoảng 0,5ha.
Các rạn san hô ở Côn Đảo cũng thuộc loại cổ xưa nhất Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1,8ha. Các rạn san hô ghi nhận mức độ đa dạng sinh học cao với hơn 342 loài, 61 giống, 17 họ đã được ghi nhận trong vùng.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, vùng biển Côn Đảo có sự giàu có về mật độ và phong phú về loài sinh vật bậc nhất Việt Nam, còn tương đối tính nguyên vẹn về phân bố, cấu trúc của thành phần sinh vật biển như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển, thân mềm, bò sát biển, thú biển, sự phân bố của các loài cá ở 3 tầng mặt, giữa và đáy biển. “VQG Côn Đảo hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng, biển rất đặc sắc và hiếm có trên thế giới. Côn Đảo là giao điểm và được ví như một mái ấm hội tụ nhiều sinh vật biển từ cả phía Bắc, phía Nam biển Đông đến sinh sôi”, ông Sơn nói.
Năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận VQG Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới và Khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam. Năm 2024, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận 24 cây di sản cho Ban quản lý VQG Côn Đảo. Tính đến nay, toàn huyện Côn Đảo có 105 cây di sản.
Khai thác đa dạng sinh học để phục vụ du lịch
Nhằm khai thác hiệu quả gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, hoạt động du lịch sinh thái được đẩy mạnh phát triển tại VQG Côn Đảo. Du lịch sinh thái tại Côn Đảo có 4 tuyến chính gồm: du lịch sinh thái biển; du lịch sinh thái rùa biển; du lịch sinh thái rừng; du lịch sinh thái kết hợp, với nhiều tuyến điểm, hoạt động và sản phẩm du lịch khác nhau.
Từ đầu năm đến nay, huyện Côn Đảo đã đón khoảng 329.089 lượt khách, trong đó có 17.296 lượt khách đến tham quan VQG Côn Đảo (28% là khách quốc tế), trong đó 95% đến trải nghiệm các dịch vụ du lịch sinh thái tham quan đảo nhỏ, ngắm san hô, thả rùa con về biển và xem rùa đẻ trứng.
Chị Agrippina Vaganova, du khách đến từ Nga cho biết: “Tôi thật sự ấn tượng về khung cảnh hoang sơ và môi trường trong lành tại các đảo nhỏ ở Côn Đảo. Sau một ngày lặn ngắm san hô, tôi đã lưu lại thêm một đêm ở hòn Bảy Cạnh để xem rùa lên bờ đẻ trứng và chứng kiến công tác cứu hộ rùa biển của lực lượng kiểm lâm nơi đây”.
Xác định vai trò quan trọng của đa dạng sinh học, huyện Côn Đảo nói riêng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói chung đã và đang nỗ lực tìm hướng bảo vệ nguồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững tại Côn Đảo.
Lãnh đạo huyện Côn Đảo khẳng định, huyện đã triển khai các biện pháp sử dụng bền vững và thực hiện các cơ chế chia sẻ lợi ích từ việc khai thác hệ sinh thái và đa dạng sinh học cho phát triển du lịch; khuyến khích phát triển vùng đệm các khu bảo tồn bằng việc cho dân nghèo, ngư dân đánh bắt thủy sản được vay vốn lãi suất thấp từ Quỹ Bảo tồn và Phát triển tài nguyên thiên nhiên VQG Côn Đảo để hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng, góp phần giảm áp lực xâm hại tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, gắn phát triển du lịch với bảo tồn đa dạng sinh học.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/huong-ung-ngay-da-dang-sinh-hoc-225-no-luc-bao-ton-va-phat-trien-da-dang-sinh-hoc-o-con-dao-1043173/
Bình luận (0)