
“Nơi nào có mẹ, nơi ấy là nhà” là tuyển tập mới nhất của Hạ Mer (Nhà xuất bản Văn học, phát hành 2025). Hạ Mer tên thật là Trịnh Ngọc Mai, cô gái trẻ với phương châm sống giản dị: “Một người bình thường sống giữa cuộc đời vô thường và đang học cách để yêu thương”.
Tác phẩm như một cuốn nhật ký nhỏ, được viết bằng giọng văn mộc mạc, gần gũi, tự nhiên nhưng tràn đầy cảm xúc, lôi cuốn. Trong từng trang viết, người đọc dễ dàng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc: Tiếng cười rộn rã của lũ trẻ trưa hè không chịu ngủ, bầu trời sao trong đêm sáng trăng trước sân nhà hay những trò chơi dân dã của một thời chưa xa…
Đó còn là những tình huống đời thường trong gia đình, nơi có người mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó, người cha vì men rượu mà không ít lần khiến gia đình bên bờ vực tan vỡ; nơi có người bà đầy yêu thương, lắng nghe và chở che con cháu bằng tất cả sự bao dung.
Cách dẫn dắt nhẹ nhàng nhưng tình tiết chân thật khiến người đọc nao lòng, như trải qua chính câu chuyện của mình: “Tuổi thơ nó lúc nào cũng vang vọng tiếng gọi của bà, “Mơ ơi, về nấu cơm”, “Mơ ơi, đi mùa cho bà lọ thuốc mắt”, “Mơ ơi, dậy đi trưa tới nơi rồi”, “Mơ ơi”… “Dạ cháu đây. Cháu nghe thấy rồi bà ơi. Sao bà không chờ cháu thêm một lúc nữa. Cháu sắp về tới nơi rồi, cháu không thể nhìn mặt bà lần cuối” - ( Bà gọi).
Những dòng thủ thỉ khiến người đọc phải dừng lại. Bởi đằng sau những mối quan hệ riêng tư của tác giả là hình ảnh phản chiếu của biết bao gia đình Việt. Chúng khiến ta phải suy tư, canh cánh trong lòng rồi đi tìm những góc nhìn mang tính tháo gỡ đầy nhân văn.
Những thông điệp ấm áp về tình người liên tục được chuyển tải trong các bài viết mang tiêu đề thật gần gũi như: Cái nghèo cũng đẹp, Chuyện về xóm nhỏ tối lửa tắt đèn có nhau, Nhà bé chuyện to, Cũ người mới ta, Hạnh phúc khác nhau…
Chia sẻ về tác phẩm, tác giả viết: “Bạn có thể bắt đầu đọc từ bất kỳ trang nào, vì mỗi câu chuyện là một mảnh ký ức riêng biệt. Dù không hoàn hảo, nhưng khi ghép lại, chúng sẽ tạo thành một bức tranh trọn vẹn”. Trong bức tranh ấy, mẹ hiện lên như ngọn lửa dẫn đường, âm thầm mà kiên định, luôn kề vai sát cánh bên con trong mọi biến cố.
Đọc “Nơi nào có mẹ, nơi ấy là nhà”, ta nhận ra rằng dù mỗi người có thể lớn lên trong một hoàn cảnh khác nhau, nhưng những giá trị cốt lõi của tình thân, sự đồng cảm và yêu thương luôn hiện hữu. Các nhân vật trong sách, dù từng trải qua mất mát, tổn thương, vẫn giữ được tinh thần lạc quan, biết “gạn đục khơi trong” để tiếp tục sống một cuộc đời có giá trị.
Gia đình, dù đôi khi không hoàn hảo vẫn luôn là nơi để trở về. Chỉ cần trong tim còn giữ lại một chút yêu thương và niềm tin, thì mẹ, thì nhà vẫn là ngọn hải đăng chưa bao giờ tắt đi ánh sáng.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/noi-nao-co-me-noi-ay-la-nha-3155018.html
Bình luận (0)