Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nữ nhạc sĩ “say” âm nhạc Chăm

(VHQN) - Sắp bước vào cái tuổi “thất thập” nhưng hễ “đụng” đến âm nhạc Chăm, nữ nhạc sĩ Văn Thu Bích có thể say sưa trò chuyện hàng giờ. Cơ duyên đến từ hơn 40 năm trước đã dẫn dắt bà trở thành nhà nghiên cứu âm nhạc Chăm hiếm hoi của xứ Quảng.

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam30/04/2025

anh-nhac-si-van-thu-bich-2-(1).jpg
Nhạc sĩ Văn Thu Bích cùng nghệ nhân điêu khắc Chăm Thạch Trung Tuệ Nguyên trong thung lũng Mỹ Sơn. ảnh: NVCC

“Chìa khóa mở cửa” âm nhạc Chăm

Nữ nhạc sĩ Văn Thu Bích (nguyên Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.Đà Nẵng) mở đầu câu chuyện từ bài báo “Quá trình giao lưu tiếp biến âm nhạc Chăm” và Việt (đăng trên Báo Quảng Nam vào tháng 5/2023). Đây là bài viết trong cụm 12 tác phẩm đã giúp cái tên Văn Thu Bích được xướng lên trong lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam ở lĩnh vực phê bình âm nhạc (do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2024).

Từ cuốn sách đầu tay “Âm nhạc trong nghi lễ của người Chăm Bà la môn” (NXB Văn hóa dân tộc - Hà Nội) xuất bản vào năm 2004, nhạc sĩ Văn Thu Bích đã có thêm nhiều công trình nghiên cứu giá trị được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành của Trung ương và địa phương.

Văn Thu Bích có niềm đam mê cháy bỏng đối với âm nhạc Chăm. Từ khi còn rất trẻ, những Kinh đô Trà Kiệu, Thánh địa Mỹ Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… cùng giá trị vô giá đã hút hồn nhạc sĩ.

“Sống trên mảnh đất xứ Quảng nơi chứng kiến một thời hoàng kim của nền văn minh Champa, tôi vì yêu quý những gì còn sót lại mà mạo muội tìm hiểu một lát cắt nghệ thuật - âm nhạc Chăm”, nữ nhạc sĩ chia sẻ.

Dấn thân vào lĩnh vực ít người nghiên cứu, vào những năm 90 thế kỷ trước, chị đã gặp không ít trở lực, nhất là khi cộng đồng người Chăm vốn rất khép kín trong việc chia sẻ các giá trị văn hóa truyền thống.

Chị nhớ như in những lời nói hàm ý sự trách móc của người dân rằng “nhiều người đến tìm hiểu nhưng rồi không có sự hồi đáp trở lại”. Sự dè chừng đó khiến chị ngộ ra rằng: để có được chiếc “chìa khóa” mở cửa kho tàng âm nhạc Chăm không gì tốt hơn sự chân thành và kiên nhẫn.

“Khi người ta đã tin mình thì cái gì người ta cũng chia sẻ. Tôi may mắn được ghi âm, ghi hình và lưu giữ những tư liệu quý báu về âm nhạc dân gian và nghi lễ của người Chăm” - nhạc sĩ Văn Thu Bích nói.

Chất liệu âm nhạc Chăm

Càng đào sâu nghiên cứu, nhạc sĩ Văn Thu Bích càng trăn trở trước thực trạng những lớp nghệ nhân âm nhạc Chăm dần mất đi, trong khi thế hệ kế cận không mấy mặn mà.

anh-nha.jpg
Các cuốn sách nghiên cứu về âm nhạc Chăm của nữ nhạc sĩ Văn Thu Bích.

Những học giả Thiên Sanh Cảnh, nghệ nhân Trượng Tốn - người nổi tiếng với tiếng kèn saranai huyền bí ở Thánh địa Mỹ Sơn một thuở… lần lượt về với thế giới người hiền để lại trong chị nhiều tiếc nuối.

Theo nhạc sĩ Văn Thu Bích, điều may mắn là có một thời gian dài, Quảng Nam đã mời nghệ nhân Trượng Tốn về truyền dạy ngay tại khu đền tháp Mỹ Sơn, giúp nhiều người dân và du khách nước ngoài có dịp tìm hiểu kho tàng âm nhạc Chăm. Những tiết mục múa dân gian Chăm cũng được quảng bá rộng rãi hơn.

“Những năm gần đây, đã có thêm nhiều nhà nghiên cứu và giảng viên sưu tầm, ghi âm, ghi hình các lễ hội và sinh hoạt âm nhạc Chăm như lễ hội Katê, xuất bản các ấn phẩm nhạc Chăm truyền thống. Nhiều nhạc sĩ cũng lấy chất liệu âm nhạc Chăm vào các sáng tác đương đại, giúp lan tỏa đến cộng đồng.

Dẫu vậy, công tác nghiên cứu, sưu tầm và phổ biến vẫn còn nhiều hạn chế. Chính vậy, việc phục hồi và phát huy âm nhạc Chăm cần những bước đi bài bản. Không chỉ dừng lại ở công tác sưu tầm, ghi âm cá nhân mà cần sự đầu tư dài hơi từ cấp trung ương cho đến cấp cơ sở, như: đưa âm nhạc Chăm vào trường học, sân khấu và các hoạt động giao lưu văn hóa khác”, nhạc sĩ Văn Thu Bích phân tích.

Định hình lại giá trị nghệ thuật truyền thống

Quá trình nghiên cứu âm nhạc Chăm của mình, nữ nhạc sĩ có hành trình dấn thân và trải nghiệm ít người có được. Câu chuyện ẩm thực về trái dưa hồng là một dẫn chứng khá thú vị.

Chị Bích kể, người Chăm khi nấu canh sẽ dùng búa đập trái dưa hồng giúp canh ngon ngọt hơn hay nghi thức cúng dưới đất chứ không phải trên bàn cũng là nét văn hóa Chăm không thể lẫn vào đâu được.

Cách chị lăn xả vào thực tế, sống cùng cộng đồng Chăm khiến Văn Thu Bích thấy mình có trách nhiệm nói lên tiếng nói phản biện để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.

“Đã có những sự ngộ nhận đáng tiếc trong cách biểu diễn âm nhạc cũng như trình diễn các điệu múa Chăm. Là một nhà nghiên cứu âm nhạc, ngoài những cuốn sách đã xuất bản, tôi sẽ tiếp tục có những bài viết, công trình nhằm làm rõ những vấn đề mà lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng. Chẳng hạn, không gian biểu diễn âm nhạc Chăm là trên chiếc chiếu được trải ra. Vậy mà, bây giờ nhiều nơi cứ bắt các nghệ nhân đứng đánh trống ghi-năng, hay ôm trống pa-ra-nưng nhảy múa vì cho rằng như thế mới thu hút. Điều này chỉ khiến âm nhạc Chăm mất đi thần thái, phai nhạt bản sắc vốn có”, chị trăn trở.

Một nhầm lẫn phổ biến khác mà theo nhà nghiên cứu Văn Thu Bích cần thiết phải có đính chính đó là hiện nhiều người hiểu sai về hình ảnh vũ nữ Apsara xưa mặc trang phục gợi cảm, “hai mảnh”. Trang phục này chỉ được sử dụng trong chốn cung đình, phục vụ vua chúa.

Trên thực tế, các điệu múa, như: múa quạt, múa nón hay múa đội nước đều mang tính lịch sự, thể hiện “văn hóa kín đáo”. Khi nghiên cứu tượng Chăm trong bảo tàng, sẽ thấy rõ sự kín đáo của trang phục khắc trên tượng Chăm, thể hiện những lớp vải mỏng chứ không phải những kiểu múa Chăm hiện đại có phần lộ liễu khiến nhiều người có thể hiểu nhầm đó là vũ điệu truyền thống của người Chăm.

“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục có những bài viết nhằm định hình lại đúng bản chất nghệ thuật Chăm. Qua đó, giúp mọi người có cái nhìn đúng đắn, tránh việc biểu diễn, quảng bá sai lệch những giá trị âm nhạc và múa Chăm ra cộng đồng…”, nữ nhạc sĩ trải lòng.

Nguồn: https://baoquangnam.vn/nu-nhac-si-say-am-nhac-cham-3153934.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Pháo hoa rợp trời chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
50 năm đất nước thống nhất: Khăn rằn - biểu tượng bất diệt của người Nam bộ
Khoảnh khắc các phi đội trực thăng cất cánh
TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm