Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 

Cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tiếp với sự tham dự của lãnh đạo 7 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương thuộc diện đôn đốc, kiểm tra của Tổ công tác số 3.

Tháo gỡ điểm nghẽ, cam kết tiến độ giải ngân

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 13 bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 3 là hơn 165.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng kế hoạch đầu tư vốn của cả nước. Trong đó, tính đến thời điểm báo cáo, còn 1 địa phương (TP Hồ Chí Minh) chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Ước giải ngân tính đến ngày 31/3/2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 3 đạt 4,69% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước. Chỉ có Bộ Tư pháp, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, nguyên nhân Thành phố chưa phân bổ hết vốn là do các dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên chưa đủ điều kiện bố trí vốn. Tuy nhiên, đến nay, đã hoàn thiện các thủ tục và phân bổ xong số vốn.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, do được giao bổ sung vốn trung hạn nên có độ trễ phân bổ vốn vào thời điểm đầu năm. Thành phố đã nhận diện các tồn đọng trong giải ngân. Đến hết tháng 5, sẽ rà soát, khắc phục để bảo đảm lấy lại tiến bộ với mức bằng hoặc cao hơn trung bình cả nước. Thành phố cam kết hết quý 2 sẽ đạt tỷ lệ giải ngân 30%. Hiện UBND TP Hồ Chí Minh đã phân công 1 đầu mối duy nhất chỉ đạo chung công tác giải ngân.

Cũng tại cuộc họp, một số địa phương cho biết đang triển khai các giải pháp để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải ngân là xây dựng đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng, định giá nguyên vật liệu xây dựng. Tính đến cuối tháng 4, các địa phương sẽ cố gắng hoàn thành việc này để tháng 5 tiến hành giải ngân.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đối với các dự án đã phân bổ vốn thì phải nhập ngay dự toán trên hệ thống, không chờ đến khi dự án ra giải ngân mới nhập dự toán. Ngay sau khi hợp đồng được ký, cần phối hợp ngay với nhà thầu để triển khai các thủ tục tạm ứng theo quy định để nhà thầu có vốn chuẩn bị ngay các điều kiện cần thiết để thi công.

Các bộ, ngành, địa phương nhận thức rõ, có giải pháp cụ thể

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Tổ trưởng Tổ công tác số 3 phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận cố gắng của các bộ, cơ quan, địa phương trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; có những bước tiến trong phân bổ, giao chỉ tiêu đến tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo, tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan, địa phương thuộc diện kiểm tra của Tổ công tác số 3 là chưa tốt. Với số vốn được giao chiếm tỷ lệ lớn trong tổng vốn đầu tư của các nước, nếu làm không tốt, ảnh hưởng chung đến cả nước, Phó Thủ tướng đánh giá và dẫn ra số liệu, số vốn được giao cho các bộ, cơ quan, địa phương trong Tổ số 3 là 165.000 tỷ đồng, chiếm 20% của cả nước. Cho đến nay, giải ngân trung bình mới đạt 4,69%, thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước. Trong đó, Bộ Y tế đạt 1,64%, TP Hồ Chí Minh đạt 3,38%.

Báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương có đưa ra các khó khăn, vướng mắc nhưng theo Phó Thủ tướng, đó vẫn là các khó khăn, vướng mắc cố hữu như giải phóng mặt bằng, định giá, nguyên vật liệu xây dựng…

"Chúng ta cần nhận thức rõ để từ đó có giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian còn lại của năm 2025" - Phó Thủ tướng đề nghị.

Giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt đối với công trình trọng điểm, công trình mục tiêu quốc gia lớn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng thường xuyên trực tiếp đi kiểm tra, gần như ngày nào cũng làm việc về các dự án, vì giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất lớn, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025, nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn khác đang ảnh hưởng như chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, cơ bản đến nay không còn vướng mắc về thể chế. Chính phủ đang hết sức cố gắng trình Quốc hội, báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý. Như vậy, theo Phó Thủ tướng, việc chậm giải ngân chủ yếu do nguyên nhân chủ quan của các bộ, cơ quan, địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ nêu rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện công việc nói chung và giải ngân vốn đầu tư công nói riêng. Các bộ, cơ quan, địa phương cần ý thức về tầm quan trọng của công việc này, đánh giá đúng tình hình và có giải pháp thực hiện.

Với tinh thần chung đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung cao độ, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 và Công điện 32/CĐ-TTg ngày 5/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tư pháp trong trường hợp các bộ, cơ quan địa phương cần thì trực tiếp làm việc, đi vào từng dự án cụ thể để hướng dẫn nếu có khó khăn, vướng mắc.

Nhắc lại giải pháp mà Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nêu ra về phân công một đầu mối chỉ đạo giải ngân, Phó Thủ tướng nêu rõ, việc đôn đốc là hết sức quan trọng, đóng góp cho giải ngân tốt hơn, nhanh hơn. Cần đặc biệt lưu tâm vai trò của Ban quản lý dự án, sự nhiệt thành của các chủ đầu tư. Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến các dự án lớn.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính để thực hiện các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp khi không tổ chức cấp quận, huyện. Nếu có khó khăn, vướng mắc thì trao đổi ngay với Bộ Tài chính để có hướng dẫn kịp thời.

Đối với các dự án dùng vốn vay ODA, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động cùng Bộ Tài chính có phương án đàm phán khéo léo, khả thi với các nhà tài trợ để hoàn thành các thủ tục.

Bộ Tư pháp cần tập trung cao độ hoàn thành các hạng mục của dự án Đại học Luật Hà Nội Cơ sở 2 tại Bắc Ninh, phấn đấu khánh thành cùng các dự án khác trong cả nước nhân dịp Quốc khánh 2/9, kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước.

Bộ Y tế tập trung hoàn thành Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai tại Hà Nam trước ngày 30/11/2025. Nhiệm vụ trước mắt là củng cố ngay lập tức Ban Quản lý dự án và tập trung cao độ nhân lực thi công 2 dự án này.

Một lần nữa, Phó Thủ tướng đề nghị phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025, năm diễn ra nhiều sự kiện, lễ kỷ niệm lớn của đất nước.

Theo baotintuc.vn

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/phan-dau-giai-ngan-100-von-dau-tu-cong-nam-2025-152944.html