Những ngày tháng Tư lịch sử, trong không khí cả nước đang chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), nhiều thanh niên, học sinh, cựu chiến binh… đã tìm về các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn TP Huế để được sống trong không khí hào hùng một thời của cha ông và thể hiện sự tri ân đối với thế hệ đi trước, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Một trong những di tích được nhiều đoàn tìm đến trong dịp này đó là di tích Chín Hầm (phường An Tây, quận Thuận Hóa). Đây là địa danh mang dấu ấn khắc ghi một thời đau thương, mất mát nhưng đầy anh dũng kiên cường của dân tộc ta. Khép lại quá khứ “địa ngục trần gian” ngày nào, giờ đây Chín Hầm đã trở thành một “địa chỉ đỏ” - nơi tham quan học tập, giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử TP Huế, những ngày này, di tích Chín Hầm tấp nập đón các đoàn đến từ các cơ quan, đoàn thể, trường học, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh… đến dâng hoa, dâng hương để tỏ lòng thành kính, sự tri ân đến các Anh hùng liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã hy sinh tại khu di tích lịch sử này. Sau khi dâng hương, dâng hoa, nhiều đoàn đã đi tham quan, tìm hiểu hệ thống di tích còn sót lại cho đến ngày hôm nay, để từ đó hiểu thêm cuộc sống vô cùng gian khổ, đau đớn của những chiến sĩ cách mạng, các tầng lớp Nhân dân, trí thức yêu nước khi bị quân thù giam, tra tấn.
Tại Bảo tàng Lịch sử TP Huế (số 268 Điện Biên Phủ, phường Trường An, quận Thuận Hóa) những ngày này cũng đón rất nhiều đoàn đến tham quan, tìm hiểu các hiện vật được trưng bày tại đây. Hiện ở khu vực sân của Bảo tàng đang trưng bày gần 30 hiện vật lịch sử quý giá được Quân đội và Nhân dân ta sử dụng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ như xe tăng, xe thiết giáp, máy bay, súng trường và nhiều khẩu pháo hạng nặng. Ngoài những hiện vật lịch sử quý giá trên, Bảo tàng Lịch sử TP Huế đang quản lý, bảo vệ hơn 32.000 hiện vật, trong đó có 2 bảo vật quốc gia là Bệ thờ Vân Trạch Hòa và Bộ bệ, chóp tháp Linh Thái thời Champa cùng nhiều vũ khí được sử dụng trong các trận đánh vào mùa Xuân năm 1975 để giải phóng quê hương.
Theo ông La Thiên Phương, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Huế, đầu năm 2025, Bảo tàng Lịch sử TP Huế đã hoàn tất công tác di chuyển tất cả số hiện vật này nằm trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám lên địa điểm mới tại số 268 Điện Biên Phủ để bàn giao lại di tích này cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý. Việc di chuyển được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho toàn bộ hiện vật.
Bảo tàng mở cửa để đón khách đến tham quan từ thứ Hai đến thứ Bảy. Đặc biệt vào những ngày tháng 3 và tháng 4 lịch sử, bình quân mỗi ngày Bảo tàng đón rất nhiều lượt khách đến tham quan, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên thuộc các trường ở TP Huế và đoàn các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế năm xưa.
Hiện Bảo tàng Lịch sử TP Huế đang từng bước thực hiện, kiện toàn và sắp xếp hiện vật theo hướng khai mở, trưng bày các hiện vật lịch sử đặc trưng, các bảo vật quốc gia, một số vũ khí, khí tài được sử dụng trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và giải phóng Huế. Qua đó để phục vụ du khách, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử.
Theo ông Phương, ngoài tổ chức các chuyên đề, không gian trưng bày hiện vật lịch sử, Bảo tàng đang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đến học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ thông qua các hình thức đưa trưng bày, triển lãm về cơ sở, trưng bày không gian mở, kho mở. Đồng thời thực hiện nội dung tuyên truyền tại các trường học trên địa bàn TP Huế vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và các dịp lễ lớn của đất nước trong năm nay. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện công tác chỉnh trang, lập dự án chống xuống cấp các di tích do Bảo tàng trực tiếp quản lý nhằm góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử.
Thời gian qua, TP Huế luôn coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích cách mạng. Các di tích được kiểm kê, xếp hạng và đầu tư nguồn kinh phí để tu bổ, bảo tồn, tôn tạo. Hoạt động phát huy giá trị của di tích cách mạng luôn được quan tâm chú trọng với đa dạng hình thức. Hiện ở TP Huế có nhiều “địa chỉ đỏ” là các điểm di tích đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia như Khu di tích lưu niệm danh nhân Phan Bội Châu, Di tích lịch sử Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Khu di tích Chín Hầm, Khu chứng tích Lao Thừa Phủ...
Thùy Nhung
Nguồn: https://baophapluat.vn/phat-huy-gia-tri-lich-su-tu-nhung-dia-chi-do-o-tp-hue-post546419.html
Bình luận (0)