Nỗ lực cao, tạo chuyển biến tích cực
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá toàn diện công tác phòng, chống khai thác IUU trong thời gian qua, nhất là tập trung chỉ ra những tồn tại, “điểm nghẽn” trong quản lý đội tàu, giám sát hành trình qua hệ thống VMS, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm. Đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng về nội dung, kế hoạch tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sang Việt Nam vào cuối năm nay.
Từ yêu cầu mới được EC đưa ra trong các cuộc làm việc trực tuyến cuối năm 2024, đầu 2025, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, việc tổ chức hội nghị khu vực phía Bắc lần này là hết sức cấp thiết. EC đã ghi nhận nỗ lực, kết quả tích cực của Việt Nam trong chống khai thác IUU, song cũng đưa ra hàng loạt khuyến nghị cụ thể cần được tiếp thu, điều chỉnh, đặc biệt là đối với nhóm địa phương còn làm chưa quyết liệt, chưa thực sự chuyển biến.
Thông tin tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, với hơn 3.000 tàu khai thác, trong đó có hơn 1.000 tàu từ 15m trở lên, công suất lớn, Nghệ An xác định trách nhiệm lớn trong việc cùng cả nước tháo gỡ "thẻ vàng" của EC. Trên cơ sở thông tin về tình hình đặc điểm nghề cá Nghệ An, theo ông Hiếu, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như hoàn thiện việc đăng ký, cấp phép đội tàu; xử lý nghiêm tình trạng tàu “3 không”; đầu tư hạ tầng cảng, bến cá; hỗ trợ ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, tăng cường tuần tra, giám sát hoạt động khai thác trên biển; đồng thời kiên quyết xử phạt các vi phạm, đặc biệt là vi phạm kết nối VMS.
Nghệ An đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt. Nhờ vậy, công tác chống khai thác IUU đã có chuyển biến rõ nét, từ nhận thức đến hành động. Sắp tới, tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm tính bền vững và hiệu quả trong việc thực hiện các khuyến cáo của EC trong thời gian tới.
Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” IUU trong quý IV 2025
Tại Hội nghị, đại diện Bộ NN&MT đã cập nhật kết quả triển khai chống khai thác thủy sản IUU theo các khuyến cáo của EC; chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý đội tàu, hướng dẫn người dân chấp hành các dấu hiệu nhận diện các loại tàu cá, biển số của từng địa phương; hướng dẫn cách thức quản lý, cập nhật thông tin các tàu cá sắp hết hạn; yêu cầu các địa phương duy trì kết nối VMS, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ tàu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quản lý hành trình…
Theo báo cáo của Cục Thủy sản và Kiểm ngư, sản lượng thủy sản cả nước trong quý 1 đạt gần 2 triệu tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt khoảng 880.000 tấn, gần như đi ngang (+0,1%) trong khi sản lượng nuôi trồng đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 5,1%. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng tới 18,1% so với cùng kỳ 2024.
Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân đánh giá, mục tiêu tăng trưởng ngành thủy sản năm nay với 4,35% sẽ là con số thách thức lớn trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất định. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực từ hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra - đặc biệt tôm tăng trưởng trên 37,8% trong quý I, đã tạo nền tảng lạc quan cho kế hoạch cả năm.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư cũng nêu một số kinh nghiệm quản lý đội tàu và yêu cầu các địa phương phải lập danh sách tàu ra vào cảng và phải quản lý tốt các tàu cá đang đánh bắt ngoài biển. Thường xuyên rà soát, đưa các tàu cá sắp hết hạn giấy phép cần đưa vào đối tượng tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU để chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cùng phối hợp giám sát.
Đại diện Sở NN&MT các tỉnh ven biển phía Bắc như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... chia sẻ kết quả bước đầu, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, nhất là về nguồn lực, cơ chế phối hợp và xử lý vi phạm.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến một lần nữa nhấn mạnh: Công tác chống khai thác IUU không chỉ là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp, mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Các địa phương cần chủ động bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN&MT để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, triển khai đồng bộ, kiên quyết và hiệu quả. Hiện Bộ NN&MT đang tích cực tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị mới nhằm củng cố thêm cơ sở pháp lý và tạo sức mạnh tổng hợp để Việt Nam đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC vào cuối năm 2025 - bước then chốt để tiến tới mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2025 một cách thực chất và bền vững.
Gia Hồng - Ngô Toàn
Nguồn: https://baophapluat.vn/thoi-co-de-go-the-vang-iuu-nam-2025-post546421.html
Bình luận (0)