Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương và Thứ trưởng Bộ Kinh tế Armenia Edgar Zakarya điều hành phần thảo luận.

Trong không khí thẳng thắn, cởi mở, trên cơ sở những gợi mở mang tính định hướng cho quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, tại tọa đàm, các doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Armenia đã chia sẻ, giới thiệu những thế mạnh, tiềm năng hợp tác mà hai bên có thể khai thác, nhằm biến tiềm năng thành những kết quả thực chất. Các doanh nghiệp Armenia cho rằng, tuy cách xa nhau về mặt địa lý, nhưng hai nước có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa… Trong hơn 30 năm qua, Armenia và Việt Nam không ngừng thúc đẩy hợp tác hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Đây chính là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh. Doanh nghiệp Armenia bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực dệt may, du lịch, nông nghiệp…

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Tô Ngọc Giang cho biết, với vai trò là Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, Vietnam Airlines tự hào là cầu nối hàng không quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế.
Trong nhiều năm qua, Vietnam Airlines không ngừng mở rộng mạng bay, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Tính đến tháng 3.2025, Vietnam Airlines khai thác 96 đường bay, trong đó có 60 đường bay quốc tế và 36 đường bay nội địa, kết nối 54 điểm đến, bao gồm 32 điểm đến quốc tế và 22 điểm nội địa. Là thành viên của liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam, Vietnam Airlines còn hợp tác với nhiều hãng hàng không khác, mở rộng mạng bay kết nối hơn 1.100 điểm đến trên toàn cầu. Năm 2025, Vietnam Airlines dự kiến khai trương và khôi phục 15 đường bay quốc tế đến các điểm như Milan (Italy), Copenhagen (Đan Mạch), Dubai (Trung Đông), Nga, Đại Hưng - Bắc Kinh, Trung Quốc… mở rộng cơ hội giao thương, thúc đẩy hợp tác quốc tế và hướng tới mục tiêu của Việt Nam đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.

“Những nỗ lực mở rộng mạng bay quốc tế của Vietnam Airlines không chỉ tăng cường kết nối thương mại mà còn góp phần quảng bá văn hóa và hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới. Đây chính là sứ mệnh mà Hãng Hàng không Quốc gia kiên định theo đuổi suốt 30 năm qua, đồng hành cùng đất nước trên hành trình "cất cánh" đầy tự hào”, ông Tô Ngọc Giang khẳng định.
Thị trường Armenia sở hữu tiềm năng phát triển dài hạn. Nêu rõ điều này, ông Tô Ngọc Giang cho hay, năm 2024, lượng hành khách giữa Việt Nam và Armenia đạt 826 lượt, tăng nhẹ so với năm 2023, nhưng chỉ bằng 30% so với thời điểm trước đại dịch. Hiện chưa có đường bay thẳng giữa hai quốc gia, hành khách chủ yếu nối chuyến qua Doha và Dubai trên các chuyến bay của Qatar Airways và Emirates.
Trước những tiềm năng và cơ hội của thị trường Armenia, ông Tô Ngọc Giang nhấn mạnh, Vietnam Airlines đang theo dõi sát sao các diễn biến và nhu cầu thực tế để nghiên cứu, khai thác các đường bay phù hợp trong tương lai. Thông qua chương trình tọa đàm hôm nay, Vietnam Airlines mong muốn đồng hành cùng sự phát triển của quan hệ hợp tác Việt Nam - Armenia, mang lại những giá trị thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước”, ông Tô Ngọc Giang nói.
Phát biểu kết luận tại Tọa đàm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến, chia sẻ, trao đổi, đề xuất rất cởi mở về các chính sách, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa hai nước Việt Nam và Amenia; các giải pháp đều rất thiết thực, hiệu quả nhằm tăng cường hợp tác đầu tư kinh doanh giữa hai nước chúng ta trong thời gian tới.
Thông tin về những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều còn khiêm tốn, nhưng tiềm năng, dư địa để các doanh nghiệp hai nước tiếp tục mở rộng hợp tác vẫn còn lớn, cụ thể là các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu điện tử, hạ tầng khu công nghiệp, tài chính, công nghiệp khai khoáng, năng lượng, du lịch, nông nghiệp... Do đó, Phó Thủ tướng mong muốn, các doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phát huy những thành quả hợp tác đã đạt được, để có thể tận dụng, khai thác hiệu quả những dư địa, mở ra cơ hội hợp tác mới, phát huy tối đa thế mạnh của mỗi nước.
Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước tận dụng và triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu, trong đó có Armenia là thành viên để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, gia tăng xuất nhập khẩu, tăng cường mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hai bên; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng cao hơn nữa trong các năm tới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Nhấn mạnh mong muốn các cơ quan của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước sẽ tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn sẵn sàng tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Armenia tại Việt Nam; đồng thời khẳng định, Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Armenia tăng cường quan hệ với ASEAN và mong muốn Armenia là cầu nối để Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác với các nước khu vực kinh tế Á-Âu.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/phat-huy-toi-da-the-manh-khai-thac-hieu-qua-du-dia-mo-ra-co-hoi-hop-tac-moi-giua-viet-nam-va-armenia-post409100.html
Bình luận (0)