Để cây ăn trái phát triển bền vững, xứng danh ngành hàng "tỷ đô", việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững đang là khâu then chốt hiện nay.
Thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có mặt hàng cây ăn trái đang là hướng đi tất yếu hiện nay. |
*Bỏ tư duy "ăn xổi"
Thực tế cho thấy, hiện nay, những khó khăn, tồn tại trong phát triển cây ăn trái đã được tỉnh nhận thấy và đang tập trung khắc phục những hạn chế này.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Tiền Giang, để xuất khẩu bền vững, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (CSĐG) đảm bảo trồng tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát đối với các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số; kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật tại vùng trồng và cơ sở đóng gói. Ngành Nông nghiệp sẽ giám sát đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Luật An toàn thực phẩm và các quy định đối với vùng trồng và CSĐG. Để đảm bảo chất lượng nông sản xuất khẩu, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng hóa chất xử lý không đúng quy định; kiểm tra, giám sát chặt việc liên kết thu mua tại các vùng trồng xuất khẩu, không thực hiện đóng gói xuất khẩu đối với các vùng trồng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Song song đó, ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu trái cây tươi về quy trình thiết lập vùng trồng, CSĐG; các yêu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai công tác cấp và quản lý MSVT, CSĐG và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các vùng trồng và CSĐG xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2025 sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, để khắc phục những hạn chế trong sản xuất và tiêu thụ trái cây hiện nay, trong thời gian tới, Sở Công Thương cùng ngành Nông nghiệp đã tính toán một số giải pháp để thúc đẩy việc xuất khẩu trái cây. Trước hết là duy trì các thị trường truyền thống. Cụ thể, về xuất khẩu tươi, đến thời điểm này vẫn tập trung chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ở thị trường Trung Quốc cũng rất rộng lớn, không phải chỉ là những tỉnh giáp biên giới Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm tính toán để đưa trái cây xuất khẩu sang các thị trường mới nổi. Về tổ chức sản xuất, làm sao phải phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây. Một trong những yếu tố quan trọng là củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm ăn bài bản hơn, từ đó, đảm bảo nguồn hàng cung cứng cho các nhà nhập khẩu. Bởi các đơn vị nhập khẩu không phải cho một tháng hay một quý mà là cả năm. Bên cạnh đó, nông dân phải tuân thủ theo các quy trình sản xuất sạch, để nâng cao chất lượng. Đây là yếu tố lâu dài mà các doanh nghiệp phải tính đến. Nếu không quan tâm thì sau này khi mất uy tín thì sẽ rất khó làm ăn. Ngoài ra, phân khúc thị trường trong nước cũng rất quan trọng. Sở Công Thương cũng đã làm việc với các siêu thị lớn về tiêu thụ trái cây của tỉnh. Đến nay, cũng có một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được chuẩn để đưa sản phẩm vào các siêu thị này. Đó là kênh tiêu thụ rất quan trọng. Nếu thị trường xuất khẩu khó khăn, chúng ta cũng có thị trường trong nước để tiêu thụ trái cây cho nông dân.
Để ngành hàng trái cây phát triển bền vững, việc nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ
cần được tập trung thực hiện.
|
*Đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất cây ăn trái truyền thống và chủ lực của Việt Nam trong nhiều năm qua và hiện tại. Diện tích trồng cây ăn trái của ĐBSCL có xu hướng tăng trong 10 năm qua. Nhìn chung tiềm năng phát triển cây ăn trái ở ĐBSCL vẫn còn, một phần do quy mô diện tích trồng đang được mở rộng (vườn cải tạo, đất lúa kém hiệu quả...). Trái cây nước ta cũng có nhiều cơ hội phát triển. Trước hết là các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước được thực hiện mở ra cơ hội lớn cho trái cây cả nước nói chung. Xuất khẩu trái cây tăng, tác động tích cực đến cải thiện giá bán trái cây của nhà vườn. Đây là động lực quan trọng để nhà vườn đầu tư thâm canh, tăng năng suất và chất lượng quả…
Theo Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, để phát triển cây ăn trái bền vững cần đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực, quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi theo từng vùng. Từ đó, quy hoạch lại các vùng trồng thích hợp với từng loại cây ăn trái. Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cấp cơ sở hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện,...) để thuận lợi chuyên chở vật tư nông nghiệp, nông sản và phục vụ cơ giới hóa sản xuất. Nông dân cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh, năng lượng xanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước (tưới tiết kiệm, phân hòa nước). Một trong những giải pháp căn cơ là nghiên cứu nhu cầu nước trong mùa khô cho từng loại cây trồng, từng vùng sinh thái, ở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, nhất là giai đoạn kinh doanh. Đồng thời, đánh giá mức độ ảnh hưởng của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao (hạn, mặn, ngâp, phèn) để đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích hợp. Bên cạnh đó, nhà nước cần quản lý chặt khâu sản xuất cây giống cây ăn trái và cung ứng cây giống tốt, sạch bệnh cho người trồng.
Tiến sĩ Võ Hữu Thoại cho biết: "Nhà nước cần tổ chức lại sản xuất cây ăn trái theo hướng liên kết gắn chuỗi giá trị; sản xuất theo GAP, hữu cơ, giảm khí phát thải... Sản xuất cây cây trái gắn với xây dựng MSVT và CSĐG theo định hướng mục tiêu liên kết với doanh nghiệp/thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công nghiệp chế tạo máy, thiết bị phục vụ nông nghiệp phù hợp cho sản xuất cây ăn trái với quy mô nhỏ và vừa ở vùng ĐBSCL. Nhà nước cần hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ để nâng cao công suất bảo quản, chế biến trái cây; đa dạng hóa sản phẩm chế biến để giải quyết đầu ra cho trái cây".
Theo Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, ĐBSCL đã, đang và vẫn là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên đặc thù cho nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đồng bằng đang chịu các tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm: Phát triển thượng lưu MêKông làm suy giảm phù sa và thay đổi quy luật dòng chảy; biến đổi khí hậu - nước biển dâng; tác động do phát triển nội tại gây lún sụt đất, hạ thấp đồng bằng với mức độ rất nghiêm trọng. Do đó, trong thời gian tới cần phát triển vùng cây ăn trái theo hướng thích nghi có kiểm soát; chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh cho sản xuất nông nghiệp nói chung và vùng trồng cây ăn trái nói riêng. |
Anh Thư - Thái An
---------------
Bài 1: Diện tích cây ăn trái tăng nhanh
Bài 2: Hình thành vùng sản xuất tập trung
Bài 3: Nhiều thách thức, lắm rủi ro
Nguồn: https://tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin/?/phat-trien-ben-vung-nganh-hang-ty-o-bai-cuoi-huong-en-san-xuat-ben-vung/58278648
Bình luận (0)