Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển chợ truyền thống theo hướng bền vững

Chợ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân phối hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế và là nơi lưu giữ văn hóa bản địa của từng địa phương. Việc phát triển chợ sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận hàng hóa cho người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh.

Báo Phú YênBáo Phú Yên14/05/2025

 Người dân mua thực phẩm tại chợ Phường 7 (TP Tuy Hòa). Ảnh: VÕ PHÊ
Người dân mua thực phẩm tại chợ Phường 7 (TP Tuy Hòa). Ảnh: VÕ PHÊ

Phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân

Theo Sở Công Thương, Phú Yên hiện có 133 chợ; trong đó có 1 chợ hạng 1, 9 chợ hạng 2, 113 chợ hạng 3, 5 chợ tạm và 5 điểm kinh doanh tự phát. Xét về phương thức kinh doanh, 133 chợ này đều là chợ dân sinh, không có chợ đầu mối, được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. Qua thống kê, trong số 133 chợ đã có 77 chợ thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác. Thời gian qua, các chợ truyền thống được đầu tư, quản lý, phục vụ nhu cầu của người dân các địa phương trong tỉnh.

Để mô hình chợ truyền thống tiếp tục phát triển, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển chợ đến năm 2030 trên phạm vi toàn tỉnh với mục tiêu triển khai hiệu quả phương án phát triển mạng lưới chợ đã được tích hợp tại Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng và phát triển các loại hình chợ phù hợp với nhu cầu kinh doanh của tiểu thương, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Hải Triều, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Việc phát triển chợ truyền thống không chỉ để phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh mà còn phù hợp với chiến lược tổng thể của địa phương, chú trọng tính bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, du khách. Mặt khác, công tác này cũng khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX và cộng đồng dân cư trong đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác chợ; nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc quy hoạch, xây dựng, quản lý chợ; bảo đảm tính pháp lý, minh bạch trong hoạt động thương mại. Đồng thời tạo điều kiện cho nông sản, hàng hóa địa phương tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp; góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Triều, với nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện kế hoạch phát triển chợ là phân loại chợ, phát triển chợ đầu mối và chợ dân sinh, trước mắt cần tập trung đầu tư hạ tầng chợ nông thôn, chợ đêm, xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, tăng cường kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, ANTT tại các chợ.

"Giải pháp để phát triển chợ sẽ bao gồm các giải pháp về chính sách, tài chính, đào tạo, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ. Cụ thể như việc ban hành Quy định phát triển và quản lý chợ, huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, HTX, sự đóng góp từ cộng đồng trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng chợ; hay khai thác, lồng ghép các nguồn hỗ trợ, chính sách ưu đãi từ các tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển các chợ", ông Nguyễn Hải Triều nói.

Đặc biệt trong công tác đào tạo và tuyên truyền, cơ quan chức năng cũng sẽ chú trọng tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ quản lý chợ, tiểu thương về kỹ năng quản lý, ứng xử văn minh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường…; khuyến khích các chợ áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt, quảng bá sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, phục vụ khách hàng tốt hơn. Đồng thời xây dựng các ứng dụng trực tuyến để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, thông tin về chợ, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận cho người dân, du khách.

Đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu

Theo phương án phát triển chợ truyền thống trên địa bàn đến năm 2030, Phú Yên sẽ phát triển 142 chợ, gồm: 1 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2, 131 chợ hạng 3. Trong số chợ truyền thống được đầu tư sẽ có 3 chợ đầu mối (chợ đấu giá cá ngừ, chợ đầu mối thủy sản Dân Phước, chợ đầu mối tổng hợp An Mỹ) và 139 chợ dân sinh.

Để thực hiện theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra, Sở Công Thương chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra công tác thực hiện; hướng dẫn, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình quản lý. Đơn vị này sẽ tổng hợp nhu cầu từ các địa phương, lĩnh vực ngành phụ trách, tổ chức rà soát và trình Danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án đầu tư xây dựng chợ theo quy định của pháp luật về phát triển, quản lý chợ và hướng dẫn các địa phương rà soát, công bố việc phân loại, phân hạng chợ trên địa bàn quản lý. Sở Công Thương cũng sẽ kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với các tổ chức quản lý chợ; phối hợp với các cơ quan chức năng thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về phát triển, quản lý chợ cũng như các hành vi buôn bán hàng giả, cấm, kém chất lượng, buôn lậu và gian lận thương mại của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Trong quá trình thực hiện, các địa phương khuyến khích và hỗ trợ các chợ chuyển đổi mô hình quản lý; phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa các chợ hiện có, đáp ứng nhu cầu của thị trường và từng bước hiện đại hệ thống chợ. 

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Hải Triều

Bên cạnh đó, các sở, ban ngành của tỉnh sẽ phối hợp với Sở Công Thương thực hiện công tác quản lý, phát triển chợ trên địa bàn. Các đơn vị cập nhật bổ sung thông tin các dự án phát triển chợ vào danh mục dự án kêu gọi đầu tư để xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án; kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án phát triển chợ. Các đơn vị chức năng cũng hướng dẫn những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, định mức xây dựng, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ; giao, cho thuê đất để thực hiện các dự án; tích hợp chợ vào các tuyến du lịch địa phương, quảng bá hình ảnh các chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc và chợ đêm.

Cùng với các đơn vị nêu trên, UBND các địa phương sẽ tổ chức thực hiện phương án phát triển chợ đối với các chợ trên địa bàn, bảo đảm tính khả thi và phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH. Các địa phương rà soát phân loại, phân hạng chợ trên địa bàn quản lý theo quy định; tổng hợp danh mục các dự án xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo chợ, đặc biệt là chợ đầu mối, chợ ở vùng sâu, vùng xa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cân đối, bố trí vốn ngân sách để triển khai thực hiện theo quy định.

Nguồn: https://baophuyen.vn/kinh-te/202505/phat-trien-cho-truyen-thong-theo-huong-ben-vung-0c47a3f/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm