Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững

Ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk đang đối mặt nhiều thách thức khi thị trường tiêu thụ thu hẹp, cùng với các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc....

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng17/07/2025

Ngành hàng sầu riêng Đắk Lắk đang đối mặt nhiều thách thức khi thị trường tiêu thụ thu hẹp, cùng với các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Trước tình hình đó, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực sản xuất và thích ứng với yêu cầu mới.

Cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ riêng tỉnh Đắk lắk cũ đã có khoảng 38.800 ha sầu riêng, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 22.600 ha, sản lượng dự kiến năm 2025 ước đạt khoảng 400 nghìn tấn, tăng khoảng 100 nghìn tấn so với năm 2024. Toàn tỉnh có 266 mã vùng trồng với diện tích khoảng 7.400 ha, chiếm gần 33% diện tích sầu riêng cho thu hoạch và chiếm 74% trên diện tích sầu riêng trồng thuần; có 39 cơ sở đóng gói sầu riêng quả tươi được phía Trung Quốc cấp mã số và 11 đơn vị được cấp mã số xuất khẩu sầu riêng đông lạnh...

Trong những năm qua, sầu riêng đã và đang trở thành một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ nhất của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung, đặc biệt là sau khi ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với phía Trung Quốc vào năm 2022. Việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua đã mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Gia đình anh Y Siết Ayun ở buôn Jung, xã Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk có 2 ha đất, trước đây chỉ trồng cà-phê nhưng một thời gian dài giá cà-phê ở mức thấp, giá vật tư nông nghiệp lại tăng cao nên sản xuất không có lãi. Cách đây khoảng 10 năm, được sự hướng dẫn của Công ty Cà-phê Phước An, anh trồng xen hơn 150 cây sầu riêng trong vườn cà-phê. Những năm gần đây, vườn sầu riêng cho thu hoạch mỗi năm hàng chục tấn, mỗi tấn bán được từ 70-80 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình anh xây được nhà cửa khang trang, mua xe ô-tô và nhiều vật dụng, phương tiện có giá trị khác. Hay như gia đình ông Trần Văn Sơn ở buôn Ea Ring, xã Cư Pơng trồng 12 ha sầu riêng. Mỗi năm gia đình ông thu được từ 140 - 150 tấn quả, bình quân mỗi tấn bán được từ 70-80 triệu đồng tùy thời điểm. Nhờ cây sầu riêng, hàng nghìn hộ nông dân ở Đắk Lắk không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Chi cục trưởng Thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hắc Hiển cho biết: Với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp, những năm gần đây, cây sầu riêng trên địa bàn phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Trong vụ sầu riêng năm 2023 và 2024, giá trị thu về của mỗi ha sầu riêng đạt từ 1-1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 700 triệu đồng. Nhờ đó, đã giúp hàng nghìn hộ trồng sầu riêng, nhất là những hộ trồng từ 2-3 ha trở lên thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Phát triển bền vững

Giá trị từ cây sầu riêng mang lại quá lớn khiến nông dân ồ ạt mở rộng diện tích. Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng cũng khiến ngành hàng sầu riêng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Lê Anh Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, những năm qua, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước phát triển thần tốc, khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội lớn là những thách thức không nhỏ về an toàn thực phẩm, kiểm soát hóa chất, dư lượng kim loại nặng, truy xuất nguồn gốc… ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế. Để sầu riêng Việt Nam thật sự vươn tầm thế giới, xuất khẩu bền vững, không còn cách nào khác ngoài sự hợp lực, đồng lòng và kiểm soát toàn diện và minh bạch từ gốc đến ngọn. Để đạt được mục tiêu đó, cần tập trung nâng cao nhận thức, siết chặt kiểm soát nhóm hóa chất và kim loại nặng, chủ động nói không với chất cấm trong nông nghiệp, mỗi vườn trồng đều chủ động kiểm soát chặt chẽ trước khi hàng hóa rời khỏi vườn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các phòng xét nghiệm ngay tại tỉnh Đắk Lắk có vai trò hết sức quan trọng trong việc chốt chặn sớm và cũng là khâu cuối cùng trong chuỗi kiểm soát an toàn. Mặt khác, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc minh bạch từng trái sầu riêng xuất khẩu. Xây dựng, nhân rộng các chuỗi sản xuất, đóng gói, xuất khẩu “luồng xanh” để lan tỏa rộng khắp, vì một nền nông nghiệp thông minh, có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm Auto Agri chia sẻ: Mã vùng trồng chính là tài sản, lý lịch của người trồng, nhưng hiện nay người trồng chưa quan tâm dẫn đến nhiều doanh nghiệp lợi dụng mã số vùng trồng trong quá trình kinh doanh, làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung. Do đó, chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân về xây dựng mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn Việt Nam để góp phần phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà, để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, vấn đề quan trọng nhất là cần bảo đảm lợi ích của các bên trong chuỗi liên kết; xây dựng mô hình mẫu để nhân rộng; kiểm tra mẫu trước khi thu hoạch, vùng trồng và năng lực của các cơ sở đóng gói để sàng lọc rủi ro, giảm gian lận trong sản xuất và kinh doanh sầu riêng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng thường xuyên chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhân dân canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO:22.000...; tích cực xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt dư lượng chất cấm. Tỉnh cũng đã kêu gọi, hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại bảo đảm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông, doanh nghiệp và đơn vị xuất khẩu để bảo đảm quyền lợi cho các bên. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người dân vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện đúng các quy định tại Nghị định thư về quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc...

Nguồn: https://baolamdong.vn/phat-trien-nganh-hang-sau-rieng-ben-vung-382622.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm