(LĐ online) - Sau đợt đấu tranh chống độc diễn 03/10/1971, nhiều nhân tố mới xuất hiện được xây dựng thành cốt cán, thành cảm tình cách mạng và thành cơ sở mật trong nội thành chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo.
Một số cốt cán được đón vào căn cứ kháng chiến học tập chính trị, thảo luận về phương thức hoạt động đô thị, kết nạp Đoàn và hình thành Chi đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam (TNNDCMVN) của TNSVHS nội thành. Tình hình đã im ắng, anh em lần lượt trở lại Đà Lạt, lúc này Ngô Thế Lý xuất hiện tranh giành quyền lãnh đạo hòng loại những người tham gia tranh đấu vừa qua ra khỏi Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt. Thị ủy chỉ đạo chúng ta phải dành và giữ lấy quyền lãnh đạo của tổ chức quan trọng này bởi đây là nơi an toàn cho Chi Đoàn TNNDCMVN bí mật nội thành đứng chân, cũng là nơi có thể huy động lực lượng tốt nhất. Một số nhân vật chủ chốt phải rút tên khỏi Ban Chấp hành để giữ vai trò bí mật, cử anh Trương Trổ ra đứng thế công khai ứng cử vị trí Chủ tịch Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt. Trong Đại hội Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt năm 1972, mặc dù Lý và một nhóm người đã tranh thủ được Thầy Chánh đại diện ngồi Chủ tịch đoàn cùng với Lý, và anh ta cố tình tổ chức bầu cử gian lận để loại liên danh Trương Trổ nhưng chúng ta vẫn giành được quyền lãnh đạo Sinh viên Phật tử, trong đó phải kể đến sự quyết liệt và thông minh của anh Nguyễn Hòa đã phá được chiêu trò gian lận của họ. Tết năm 1972 (tết Nhâm Tý), Ngô Thế Lý (vẫn cố chiếm giữ Văn phòng Đoàn) nhân danh Sinh viên Phật tử ra số báo Tin Tưởng xuân Nhâm Tý với chủ đề đỏ rực trên trang bìa một: “ĐỒNG BÀO TA MỘT LÒNG ĐUỔI MỸ - XUÂN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC”, sau đó anh ta biến mất! Chúng tôi nhận định Lý tạo cớ để cảnh sát đánh phá phong trào và chúng sẽ bắt một số anh em chủ chốt.
Quả vậy, sang tháng 04/1972, Trương Trổ bị cảnh sát bắt nhốt hai tháng, chúng hỏi: “Anh có phải là Cộng sản?”, anh trả lời: “Tôi không phải Cộng sản, tôi chỉ là người yêu nước”. Chúng lý sự: “Không Cộng sản sao chống Mỹ?”, anh đối đáp: “Ở Miền Nam không chỉ mình tôi chống Mỹ, bà Ngô Bá Thành, ông Ngô Công Đức và nhiều dân biểu cũng chống Mỹ, các nhà sư các Linh mục cũng chống Mỹ và nhân dân Mỹ cũng chống chính phủ Mỹ gieo rắc chiến tranh ở Việt Nam”. Bao nhiêu đòn tâm lý nữa cũng không khuất phục được anh, cuối cùng chúng phải thả anh với một câu mà cảnh sát bắt buộc anh phải viết và ký tên “Nếu gặp Cộng sản, tôi sẽ báo cho chính quyền Quốc gia” lưu vào hồ sơ mật của cảnh sát. Điều thú vị là anh viết cho cảnh sát trong lúc chính anh là Cộng sản, sau này những người cùng thời đã phải bảo vệ cho sự trong sáng về lý lịch của anh trước các cơ quan đi thẩm tra.
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris được ký kết, đó là một thắng lợi trên bàn đàm phán của ta, trong lúc chính quyền miền Nam ra sức bưng bít thông tin về Hiệp định Paris, Nguyễn Văn Thiệu liên tục hô hào tràn ngập lãnh thổ, không ngừng bắn, “Không cho bất cứ một tên Việt Cộng nào vào thành ăn phở!”… thì Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt bung ra, tuyên truyền công khai phổ biến Hiệp định Paris về Việt Nam trong TNSVHS và đồng bào Đà Lạt, nội dung của hiệp định và tin tức trên thế giới một phần là từ nhóm Sinh viên Phật tử ở Canada gửi về. Tờ nguyệt san Tin Tưởng của Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt được đổi tên thành tờ Hòa Hợp cho phù hợp với tinh thần Hiệp định Paris về Việt Nam. Thông qua các nhóm ái hữu và các khoa, anh em nội thành đẩy mạnh phong trào “Hát cho dân tôi nghe” với những ca khúc “Dậy mà đi”, “Tự nguyện”,“Hát trên đường tranh đấu”, “Thuyền em đi trong đêm”, “Tình nghĩa Bắc Nam”,“Tiếng hát những đêm không ngủ”…và nhiều ca khúc do sinh viên sáng tác. Những đêm cuối tuần Đoàn Sinh viên Phật tử thường tổ chức những đêm không ngủ với chủ đề “Đốt đuốc lên để soi rõ mặt quân thù”. Những hoạt động như thế đã đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng mà sâu đậm, nó hun đúc thêm tinh thần cách mạng của nhiều TNSVHS…
Cảnh sát vẫn ngầm theo dõi Trương Trổ. Đầu năm 1974, Tổ Đảng nội thành nhận được thư của H18 (anh Nguyễn Phan Lũy - Quyền Đội trưởng Đội công tác TNSVHS) do giao liên trực thấu đưa từ căn cứ ra. H18 truyền đạt rằng Thị ủy chỉ đạo Tổ Đảng, Chi Đoàn nội thành phải đưa P10 thoát ly ra rừng theo đường dây bên phía Nam Thị, vì P10 đã bị lộ và đường dây phía Tây Bắc không còn thuận lợi. Tất cả được viết bằng mật mã và chữ chìm giữa 2 hàng chữ của tờ báo Tin Sáng. Sau khi dùng hóa chất và khóa mã dịch thư xong (mật mã này từ cuốn tự điển Việt - Pháp do anh Lũy nghiên cứu dễ thực hiện nhưng khó mở khóa, có thể mang theo cuốn tự điển này luôn bên mình như mang theo công khai mã khóa mà không sợ bị lộ), Tổ Đảng thống nhất phương án tiếp cận và tổ chức đưa anh Trổ (P10) ra rừng. Anh Nguyễn Hòa, bí danh Trần Hàn, bí số C1 nhận nhiệm vụ thực hiện kế hoạch này. Có một chút sai sót khi anh Lũy viết mã nên hai anh em Hoàng và Hòa phải mất khá nhiều thời gian để dịch đi lại cuối cùng thống nhất nhận định đó là Trương Trổ và rồi phải mất nhiều ngày tiếp cận truyền đạt chỉ thị của Thị ủy để anh Trổ tin, mặc dù anh em cùng học, cùng làm việc ở Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt rất thân quen nhau. Trước tình hình địch bố phòng dày đặc, mật vụ, cảnh sát chìm nổi khắp nơi, thật giả lẫn lộn... Phương án đưa P10 ra căn cứ kháng chiến thật sự không đơn giản, nhưng Tổ Đảng tin tưởng anh Hòa, một đảng viên xông xáo, thông minh, một con người hài hước rất có duyên, những chuyện to anh thường biến thành chuyện nhỏ một cách nhẹ nhàng mà ai cũng phải chịu anh.
Một đêm đầu mùa hè 1974, C1 đã đưa P10 ra đi. Sáng hôm sau từ bàn đạp trở về anh báo tin hoàn thành nhiệm vụ, anh em vui quá rủ nhau ra quán cà phê Năm ở đường Phan Bội Châu thưởng thức ly cà phê kho với điếu thuốc Basto Luxe mừng thắng lợi. Bỗng dưng mất tích, cảnh sát ra sức truy lùng Trương Trổ, An ninh Thị có một màn nghi binh ngoạn mục (Trương Trổ viết một lá thư về gia đình, Thị ủy cử người cầm thư về Sài Gòn gửi lên để có dấu bưu điện từ Sài Gòn) đã làm cho cảnh sát hướng mũi về Sài Gòn tìm kiếm, trong lúc Trương Trổ đã ở trong căn cứ kháng chiến, giữ được an toàn cho những anh em còn lại ngoài thành và cho gia đình của anh.
Cuối tháng 12/1974 sang đầu tháng 01/1975 quân ta giải phóng Phước Long, mở ra niềm hy vọng mới về ngày giải phóng đến gần. Đội Công tác TNSVHS triệu tập B1 (Nguyễn Trọng Hoàng – bí danh: Nguyên) vào căn cứ học tập tình hình nhiệm vụ mới. Thực ra đến lúc này chưa có cơ sở gì để nói là ta có thể giải phóng miền Nam trong năm tới, và từ cấp trên cũng chưa ai nói tới điều này nhưng có lẽ do lòng mong mỏi mau hết chiến tranh nên nghe tin chiến thắng Phước Long thì ai ai cũng khấp khởi vui mừng cho là sẽ sớm giành thắng lợi. Không khí trong căn cứ của Đội cứ rộn ràng vui và hy vọng, ngay cả trong trao đổi công việc anh em cũng tự nêu ra một số việc cần làm khi tình hình thuận lợi để giải phóng Đà Lạt. Sau gần một tháng làm việc với Đội Công tác, làm việc với các chú lãnh đạo Thị ủy, B1 quay lại thành phố. Buổi liên hoan chia tay B1 được một bữa cơm trắng với cá khô và canh lá giang nấu cá hộp ngon tuyệt! Trong câu chuyện vui, mơ về ngày chiến thắng, anh Lũy (H18) siết chặt vai B1 (Nguyên) nói trong tiếng cười rạng rỡ và đầy cảm xúc “Hẹn gặp nhau ở Đà Lạt nhé”. Tinh thần là vậy, nhưng nội dung tập huấn vẫn chưa có gì mới, vẫn tình hình chung là ta thắng địch thua. Lần này thì mấy anh lính trẻ có vẻ phấn khởi thật, còn những lần trước mỗi lần ngồi nghe cấp trên giải thích về ta thắng địch thua thì chẳng ai dám cãi nhưng khi ra treo võng bên vách đá, giữa rừng các bạn lại nghêu ngao: “Năm qua ăn tết rừng xanh/ Năm nay ăn tết xung quanh rừng già”! Bàn phương pháp tiếp cận nắm diễn biến của địch ở Đà Lạt; nắm vững 5 bước công tác tiếp tục phát hiện nhân tố mới tích cực xây dựng tổ chức bí mật, cài người vào Nhân dân Tự vệ chuẩn bị sẵn sàng khi thời cơ đến là có lực lượng để hành động…
Đội hình hành quân lặng lẽ đi, ra đến bìa rừng thôn Quảng Hiệp khoảng 11 giờ đêm, tất cả đội hình triển khai mỏng bên những gốc thông già và những vồng khoai lang trên mảnh đất dân mới khai phá, chờ trinh sát bám vào bàn đạp. Một lúc sau trinh sát trở ra có cả anh Nguyễn Hòa là sinh viên MPC (Toán lý hóa), bí danh Trần Hàn, bí số C1, là một Đảng viên Đảng Nhân dân Cách mạng Miền Nam, trong tổ Đảng nội thành. Gặp nhau bất ngờ trong đêm trên đường đứa về thành, đứa ra khu, hai đứa mừng quá ôm nhau vật té xuống đám khoai lang, tôi nói: “Kế hoạch đón mầy ra mà tao không biết! Mấy ảnh giữ bí mật ghê quá!”. Hòa nói “Tao cũng không biết mầy về! Tao tưởng sẽ gặp mầy ở Thị (căn cứ Thị ủy), học xong rồi 2 đứa cùng về!”. Sau đó chúng tôi thống nhất với anh Lũy hẹn nhau mồng 4 tết C1 sẽ về lại thành để cùng nhau triển khai công việc cho kịp với tình hình đang diễn biến mau lẹ. Vậy là anh Hòa ra cứ dự tập huấn đợt hai, nhưng học xong Hòa bị sốt rét, rồi bị địch càn, cơ quan phải di chuyển... nên hơn tháng sau anh mới về được! Đợt tập huấn thứ ba, chị Nguyễn Thị Nhung - học sinh lớp 12 trường Bồ Đề là Đoàn viên Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam ra cứ dự đợt tập huấn vào khoảng cuối tháng 3 và chị về thành đúng vào đêm địch trên đường tháo chạy, chị đã tham gia ngay vào các hoạt động khởi nghĩa. Có thể nói Thị ủy Đà Lạt và Đội công tác TNSVHS đã chủ động tổ chức 3 đợt tập huấn cho cán bộ nội thành để chuẩn bị giải phóng Đà Lạt.
Những ngày đầu tháng 3 năm 1975, chiến sự ở Tây Nguyên diễn ra ác liệt, báo chí Sài Gòn và quốc tế hầu như tập trung tất cả sự quan tâm vào tình hình chiến trường Tây Nguyên. Đài phát thanh Sài Gòn vẫn lên gân: “Quân lực Việt Nam Cộng hòa được sự hỗ trợ của không lực đang tái chiếm Ban Mê Thuột”. Trong lúc đó các tờ báo độc lập lại đăng những hàng tít lớn “Ban Mê Thuột thất thủ”. Cùng với tin tức từ những người dân thoát ra khỏi vùng lửa đạn chạy về Đà Lạt và thông tin của những gia đình có người thân hoặc có con em đang học ở Đà Lạt gọi về cho biết thì lực lượng tái chiếm đã bị đánh bật trở lại hoặc bị tiêu diệt phần lớn. Nhà cầm quyền và giới máu mặt ở Đà Lạt lộ rõ sự hoang mang giao động. Ngày 19 và 20/3/1975 các báo ở Sài Gòn và nước ngoài đồng loạt đưa tin về cuộc tháo chạy tan nát trên đường số 7 của Quân đoàn II từ Tây Nguyên xuống với tên gọi mỹ miều của tổng thống Thiệu là cuộc “Di tản chiến thuật”, đã tác động mạnh mẽ vào không khí chính trị ở Đà Lạt. Thành phố trở nên lặng lẽ, bí hiểm, khó hiểu!
Niềm tin chiến thắng trong anh em nội thành lớn hơn bao giờ hết, tin đồn cách mạng lúc thì đã về đến Trại Mát, lúc thì Đa Thiện, lúc thì Cam Ly... được anh em nội thành tung lên và truyền đi nhanh chóng tác động đến các hoạt động trong thành phố. Đầu tiên là trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, học sinh đang cắm trại mừng kết thúc học kỳ 1 và kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng (6/2 âm lịch tức ngày 18/3/1975) nhưng tổ chức trước một ngày là ngày 5/2 âm lịch tức ngày 17/3/1975. Nghe tin truyền miệng Việt Cộng đã về tới cây số Bốn, tới Đa Thiện… chuẩn bị có đánh lớn, lập tức cả trường nhổ trại ùn ùn chạy về nhà, như một làn sóng có sức lan tỏa mạnh, tiếp theo các trường học khác trong thành phố rùng rùng bỏ chạy, sinh viên đại học thì lãng khóa, chợ thì bãi thị, nhiều ngày liền thành phố náo loạn. Cảnh sát, mật vụ không còn tuần tra bố ráp gắt như trước nữa.
Ngày 20/3/75, Nhạn - một giao liên trực thấu từ căn cứ ra thành đem theo thư chỉ đạo của Thị ủy và Đội Công tác được H18 truyền đạt và 2 nội dung truyền đơn của Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời Thị xã Đà Lạt. Thư chỉ đạo của Thị ủy nhận định tình hình hết sức thuận lợi, địch đang thất bại nặng nề ở Tây Nguyên và đang tháo chạy ở nhiều tỉnh, nếu tình hình diễn biến thuận lợi, ta có thể sẽ sớm giải phóng Đà Lạt. Thư chỉ đạo cho Tổ Đảng và Chi Đoàn bên trong làm mấy việc:
- Xác định lại vị trí các cơ quan quân sự và cơ quan chính quyền của địch để sẽ dẫn đường cho bộ đội khi đánh vào thành phố;
- Chú ý bố trí bảo vệ mấy điểm quan trọng trong thành phố đó là: Tòa Hành chính tỉnh, Nha Địa dư, Nguyên tử lực, Bưu điện – viễn thông, Ngân khố, Viện Pasteur, Nhà đèn, Nhà máy nước và các kho gạo để phòng cho cứu đói, cử người lên Bệnh viện vận động, thuyết phục y bác sĩ không di tản, ở lại lo cứu chữa cho thương binh và nhân dân;
- Vận động nhân dân may cờ và treo cờ khi tình hình cho phép. Việc phải làm ngay là in hai nội dung truyền đơn do Thị ủy gửi ra và rải truyền đơn trong thành phố tạo khí thế cho đồng bào và gây hoang mang cho bộ máy cầm quyền cũng như binh lính sĩ quan chế độ Sài Gòn.
Sau khi bàn bạc, không thể dùng máy chữ tại Đà Lạt vì cảnh sát sẽ mò tìm ra ngay, anh em tính dùng máy đánh chữ cũ của chú Quảng Nhẫn đem từ Sài Gòn lên để đánh stencil. Quảng Nhẫn tức Nguyễn Ngọc Khả, người Phú Yên là một tu sĩ Phật giáo đang học trường trung học Bồ Đề, cũng là một thành viên của Đội Công tác nội thành Đà Lạt. Cùng lúc đó Nguyễn Tri Diện cũng đã thuyết phục được ông bố nuôi là Lê Văn Lang đồng ý cho mượn sử dụng chiếc máy đánh chữ ông mới mua từ Nha Trang đem lên chưa đăng ký đang để nhà ở Tam Bố. Diện chạy xe Honda xuống Tam Bố cho chiếc máy vào bao rau lang chở về Đà Lạt, vậy là một lúc có đến hai chiếc máy đánh chữ, một trong hai máy này được giao cho Viện Bảo tàng tỉnh sau giải phóng. Anh Trần Văn Cơ nhận nhiệm vụ đóng một cái bàn in thủ công bằng khung gỗ căng vải mềm, trải giấy stencil đã đánh máy lên khung vải, phết mực in rồi đặt giấy trắng lên vuốt từng tờ một, với mô hình nhà máy in kiểu này Chi Đoàn giao cho hai anh Trần Đình Tài (B7- bí danh: Phương) và Nguyễn Tri Diện (B71) phụ trách in ấn ngay trong nhà trọ của Tri Diện. Hai anh em làm việc lem luốc suốt 3 ngày in được khoảng trên một nghìn tờ truyền đơn với 2 nội dung: Một, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thị xã Đà Lạt kêu gọi đồng bào không di tản theo địch, ở lại phối hợp cùng các lực lượng cách mạng giải phóng Thị xã, cùng nhau bảo vệ tài sản và tính mạng của đồng bào. Hai, kêu gọi các bạn sĩ quan, binh lính chế độ Sài Gòn không nghe theo lệnh chỉ huy để cùng chết chìm với chúng mà hãy quay súng đứng lên làm binh biến, trở về với cách mạng, với nhân dân. Bà mẹ nuôi của Tri Diện là chủ nhà nơi đặt máy in không biết mấy đứa làm gì nhưng bà đoán đây là việc quan trọng và bí mật nên suốt ba ngày, bà tự giác cảnh giới bằng cách quét sân và cắt tỉa hàng rào hễ có ai vào nhà thì bà chào rất to, khi khách ra về bà cũng chào to cho bên trong nghe, bên ngoài có hai người thả bộ đếm bước dọc đường Cộng Hòa (Lý Tự trọng) lên đến Lữ quán Thanh niên (Trung tâm Thanh thiếu niên Lâm Đồng) có lúc họ ngồi đọc sách dưới gốc cây nói chuyện với nhau nhưng luôn để mắt quan sát xung quanh cảnh giới vòng ngoài cho “nhà máy in bí mật” hoạt động.
Cũng cần nói về các nhân vật: Trần Văn Cơ, người gốc Huế, sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt, anh giao thiệp và quen biết khá rộng ở thành phố này, là sinh viên năm thứ tư khoa sinh học, từ phong trào du ca, từ nhóm văn nghệ “Đồng lúa reo” anh bước sang nhạc tranh đấu, hát cho đồng bào tôi nghe với giọng hát xách động xuống đường có một không hai của thời bấy giờ. Anh được kết nạp vào tổ chức bí mật ngay tại Trường Đại học Đà Lạt, trên băng ghế đá của tiểu công viên gần sân bóng đá của trường, với bí danh Trần Đồng Khởi và bí số B6. Trần Đình Tài quê Bình Định là sinh viên văn - sử địa và sinh viên sư phạm, được nhiều người biết đến vì anh khá đẹp trai, người đã dành được nhiều phiếu bầu của nữ sinh viên trường sư phạm trong cuộc tranh cử Ban Đại diện trường, anh tham gia công tác cách mạng bí mật với bí số B7, bí danh Phương. Nguyễn Tri Diện quê Quảng Ngãi, sinh viên năm thứ 2 MPC (toán lý hóa), Chủ tịch Hội ái hữu Nhóm Quảng Ngãi, bí số B71, một thành viên siêng năng, chịu khó, sẵn sàng giúp đỡ người khác, một chú em dễ mến trong nhóm. Họ tiến hành công việc chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa trong tinh thần phấn khởi, chấp hành sự phân công một cách tự giác và nghiêm túc.
Truyền đơn in xong, Tổ Đảng và Chi Đoàn nội thành nhận định tình hình đã thuận lợi hơn, nên không cần chỉ đạo theo lối xâu chuỗi, ngăn cách để giữ bí mật như trước nữa, mà quyết định họp tất cả đầu mối các hệ, các cánh tại nhà số 2A Cộng Hòa (Lý Tự Trọng ngày nay) để phổ biến kế hoạch rải truyền đơn cho nhanh, đáp ứng với tình hình đang khẩn trương. Đúng 5 giờ sáng ngày 27/3/1975, sau hồi còi hụ xả giới nghiêm trên nóc rạp Hòa Bình vừa dứt, thành phố còn dày đặc sương mù, tất cả các thành viên của Đội Công tác TNSVHS bí mật nội thành xuất phát từ những con hẻm đã chọn trước bước ra đường hòa cùng những tốp người đi chợ sớm khéo léo thực hiện nhiệm vụ. Chỉ trong 15 phút theo qui định, truyền đơn đã được rải trên nhiều con đường của Đà Lạt, kể cả có một số truyền đơn được rải trong Trung tâm Cảnh sát Dã chiến do anh Tâm, một cơ sở của chị Lê thị Quyền (A2) thực hiện. (Chị Lê thị Quyền bí số A1, bí danh là Việt Bảo hoặc Sáu, người Nha Trang là sinh viên khoa hóa, một nữ sinh viên xinh đẹp, thông minh và gan dạ, chị được phân công xây dưng cơ sở trong lực lượng giáo viên, nhà văn, một số đối tượng công chức và nắm phong trào Phụ nữ Đòi quyền sống). Anh Cơ (B6) còn có bài độc là không rải hết truyền đơn mà đem vấy một ít đất rồi phát tận tay những người quen với lời giải thích: “Tối qua Việt Cộng rải truyền đơn khắp thành phố, mới lượm được, đọc xem họ nói gì”. Truyền đơn đã đến tay nhiều người dân và công chức, binh lính. Tin đồn Việt Cộng đã có mặt trong thành phố lan truyền đi rất nhanh, một số công chức trốn nhiệm sở, một số binh lính giấu súng, bỏ ngũ trốn về nhà. Những gia đình có máu mặt ồ ạt di tản... Chính quyền hầu như không kiểm soát được tình hình. Ngày 28/3 ta giải phóng Bảo Lộc, tiến lên giải phóng Di Linh, vòng vây vũ trang đang siết dần quanh Đà Lạt, bên trong như đã sẵn sàng nổi dậy. Chiều ngày 30/3/1975, anh Trần Văn Cơ lân la cà phê với đám bạn học cũ đang là những sĩ quan học tại Trường Chiến tranh Chính trị, được chúng nó lộ tin cho biết sẽ có cuộc di tản nhưng chưa rõ thời gian. Sau khi nhận được tin từ anh Cơ, một mặt Chi Đoàn báo tin vào Đội Công tác thông qua hộp thư ở bàn đạp, một mặt ráo riết chuẩn bị kế hoạch cho khởi nghĩa theo thư chỉ đạo của Thị ủy.
Bầu không khí Đà Lạt lúc này vô cùng khẩn trương! Ta vui mừng, khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa! Địch lo lắng, khẩn trương chuẩn bị tháo chạy! Dân hồi hộp, khẩn trương chuẩn bị đón chào một sự thay đổi lớn.
(CÒN TIẾP)
Nguồn: http://baolamdong.vn/chinh-tri/202503/phong-trao-dau-tranh-chinh-tri-cua-thanh-nien-sinh-vien-hoc-sinh-noi-thanh-da-lat-1969-1975-bai-3-ce864b9/
Bình luận (0)