Tóm tắt
Trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của xã hội Việt Nam. Đặc biệt, trong lịch sử chống ngoại giặc ngoại xâm của dân tộc, người phụ nữ luôn có vai trò hết sức quan trọng. Song có lẽ chưa thời kỳ nào hoạt động chính trị, quân sự của phụ nữ lại sôi nổi mạnh mẽ như phụ nữ Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phụ nữ Nam Bộ đã phát huy khí thế tiến công của “Đội quân tóc dài” đóng góp xứng đáng vào thành công chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ khoá: phụ nữ Nam Bộ, “Đội quân tóc dài”, kháng chiến chống Mỹ.
Abstract:
Throughout the history of the Vietnamese nation, women have played a particularly significant role in the comprehensive development of Vietnamese society. Notably, in the nation’s resistance against foreign invasions, women have consistently held a crucial position. However, perhaps at no point in history has women’s political and military activism been as vigorous and widespread as that of Southern Vietnamese women during the resistance war against the United States. The women of Southern Vietnam carried forward the offensive momentum of the “Long-Haired Army,” making a worthy contribution to the overall success of the war for national liberation.
Keywords: Southern Vietnamese women, “Long-Haired Army,” resistance war against the United States”.
Trong kế hoạch chiến tranh xâm lược Việt Nam, cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều không ngờ đến sức mạnh của một đội quân đặc biệt, đó chính là “đội quân tóc dài”. Đội quân tóc dài được phôi thai từ những cuộc đấu tranh chống thuế đầu tiên do Đảng phát động từ năm 1930 – 1931, từ những cuộc biểu tình rầm rộ trong phong trào Mặt trận phản đế Đông Dương, từ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, hay cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ những cuộc biểu tình mừng độc lập ở Sài Gòn đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, chống chính quyền phát xít Ngô Đình Diệm và bùng phát dữ dội đến cao trào Đồng Khởi năm 1960, đã làm nên một thuật ngữ mới trong từ điển quân sự “Đội quân tóc dài”.
Ở Nam Bộ, “Đội quân tóc dài” là tên gọi chung cho các phong trào đấu tranh của phụ nữ, đặc biệt là tỉnh Bến Tre và các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ. “Đội quân tóc dài” ra đời trong phong trào Đồng Khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960 sau khi có Nghị quyết Trung ương số 15 mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của cách mạng miền Nam, phát động hàng triệu lượt quần chúng yêu nước nổi dậy thành cao trào Đồng Khởi.
Phong trào Đồng Khởi năm 1960 nổ ra là cao trào nổi dậy của nông dân miền Nam chống ách thống trị, áp bức của đế quốc, phong kiến, giải phóng nông thôn, có sự tham gia của hàng triệu phụ nữ nông thôn. Với lực lượng đấu tranh chính trị, binh vận của đông đảo của quần chúng phụ nữ, có vũ trang hỗ trợ (chủ yếu bằng dao mác, gậy gộc, súng bằng cây, tác động hù doạ…).
Cuộc đồng khởi ở Mỏ Cày (Bến Tre) vai trò của phụ nữ nổi lên cao nhất, đem lại cho quân ta một số chiến thuật, chiến pháp rất đặc sắc có giá trị phổ biến. Đó là chiến pháp “ba mũi giáp công”. Với “ba mũi giáp công” ta đánh địch đồng thời bằng quân sự, binh vận và chính trị, bao vây bức hàng, bứt rứt hàng loạt đồn bốt, diệt ác trừ gian, tiến lên quét sạch từng mảng nguỵ quyền xã ấp, giải phóng từng vùng nông thôn rộng lớn trong thời gian rất ngắn[1].
Lần đầu tiên hàng ngàn phụ nữ của ba xã quận Mỏ Cày tổ chức thành đội ngũ có hệ thống chỉ đạo, có tiền quân, hậu bị, liên lạc, có tiếp tế, tiến hành một cuộc đấu tranh trực diện với địch. Khí thế tiến công của lực lượng phụ nữ, của hàng ngàn các bà mẹ già đầu tóc bạc phơ, các chị em ẵm con nhỏ, tay không tấc sắt nhưng đầy tình cảm tha thiết bảo vệ xóm làng, ruộng vườn, dựa vào thế hợp pháp, với lý lẽ sắc bén của chính nghĩa, đã thuyết phục binh lính nguỵ, bắt buộc phải lùi bước.
Từ Bến Tre làn sóng Đồng Khởi nhanh chóng lan san các tỉnh: Tây Ninh, Mỹ Tho, Long An, Trà Vinh, Rạch Giá, Kiến Phong… Phụ nữ cùng nhân dân tích cực rèn mã tấu, đẽo cây súng, nặn lựu đạn, chuẩn bị giáo mác, gậy gộc…
Ở Tây Ninh, trận Tua Hai (Tour 2), giờ nổ súng tấn công thành Tua Hai theo quy định là 23 giờ 30 ngày 25/01/1960. Thế nhưng bất ngờ đã xảy ra nên Ban Chỉ huy trận đánh quyết định tạm hoãn giờ nổ súng, xem xét lại kế hoạch trận đánh có bị lộ bí mật không. Sau khi xem xét đánh giá, mọi hoạt động của địch, Ban chỉ huy nhận thấy kế hoạch vẫn đảm bảo bí mật. Đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26/01/1960, lệnh tiến công căn cứ Tua Hai bắt đầu. Chỉ trong vòng 03 giờ chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa[2]. Ta chiếm khu vực pháo, đánh sập sở chỉ huy, đánh tan tiểu đoàn chốt điểm ở căn cứ và chiếm kho phát súng.
Sau chiến thắng Tua Hai, phong trào Đồng Khởi tiếp tục mở rộng ra toàn tỉnh. Vùng huyện Châu Thành, nơi có ảnh hưởng trực tiếp của trận Tua Hai, bà con diệt ác phá kìm nhanh chóng. Tính đến cuối năm 1960, Tây Ninh đã diệt và làm tan rã 70% tề xã, ấp và dân vệ, giải phóng 2/3 tổng số xã ấp có trong tỉnh[3].
Củ Chi được mệnh danh là vùng đất thép thành đồng. Vào ngày 23-01-1960, những bà Má Củ Chi với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời” cũng tham gia phong trào đồng khởi, đấu tranh cực kỳ sôi nổi, với nhiều hình thức độc đáo như dân quân tự vệ xóm Cây Bài, ấp Vĩnh Cư, xã Phước Vĩnh tổ chức đám cưới đi qua bốt địch, rồi bỗng nhiên cô dâu chú rể cùng người đi dự đám cưới giả với quần áo sang trọng nhảy xuống xe, xông vào tấn công địch. Phụ nữ cùng với nhân dân phá đồn, bốt, cướp vũ khí… Năm 1962, nhân một trận càn kéo dài của địch, hơn 20.000 phụ nữ Củ Chi tiến hành cuộc “tản cư ngược” [4]. Họ mang xách, gánh đồ đạc, mùng mền, bồng con, dắt ông bà già kéo nhau ra quốc lộ 1, chiếm trọn khoảng đường trên 10km từ Trảng Bàng đến Hóc Môn. Ở các huyện khác của tỉnh Gia Định, quần chúng cũng nổi dậy nhanh chóng phá tan nguỵ quyền, giành quyền làm chủ. Khắp các nơi, các bà các mẹ còn làm công tác dân vận, tranh thủ anh em binh sĩ, cho họ thấy hành động tàn ác của Mỹ – Diệm, đồng thời khuyên anh em hãy quay súng trở về với nhân dân.
Ở Mỹ Tho (Tiền Giang), nhân dân đã hai lần nổi dậy diệt ác, phá tề. Đầu tháng 6-1960, Tỉnh uỷ Mỹ Tho phân công tổ chức cuộc mít tinh khoảng 15.000 người tại Ngã Sáu, xã Mỹ Trung. Đoàn biểu tình mang theo gậy gộc, giáo mác, tuần hành trên một đoạn đường dài 15km. Vào ngày 29-9-1960, một cuộc đấu tranh trực diện ở Mỹ Tho được diễn ra với hơn 8000 người, đại bộ phận là phụ nữ, kéo đến trước dinh tỉnh trưởng đòi thả chồng con, đòi không xáo canh ruộng đất…[5]
Ngày 14/9/1960, phụ nữ Cửu Long cùng quân dân trong tỉnh đồng khởi, kết hợp giữa binh vận và chính trị rất sôi nổi, phá rã bọn tề ấp ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải. Hàng triệu lượt người tham gia đấu tranh, có những cuộc huy động đến 40.000 người kéo vào thị xã Trà Vinh đấu tranh trực diện với chính quyền tỉnh.
Ở Bến Tre có hình thức tản cư tản cư độc đáo, tản cư theo cách hiểu thông thường là “tạm rời nơi đang ở đến ở nơi xa chiến sự để tránh tai nạn chiến tranh” nhưng ở Bến Tre tản cư không chạy ra xa đối phương mà lại chạy về phía trung tâm đầu não của địch, vì vậy được gọi “Tản cư ngược” và đã được các tỉnh khác vận dụng. “Dưới sự lãnh đạo của của huyện ủy, cuộc đấu tranh chính trị của hơn 8.000 chị em phụ nữ Bến Lức, Thủ Thừa đã kéo dài nhiều ngày. Đồng bào đưa tin cho binh lính địch: Giải phóng về rất đông, đừng càn quét vào đó, chết nhiều uổng mạng. Đoàn người tản cư trùng điệp, có cả thân nhân các gia đình binh sĩ kéo ra lộ 4 ngày càng đông, làm tắc nghẽn giao thông, khiến địch hết sức hoang mang, lo sợ[6].
Kinh nghiệm “tản cư ngược” của Bến Tre được nhiều địa phương ở Nam bộ vận dụng, với khẩu hiệu “Đả đảo cộng sản” lực lượng quần chúng, đặc biệt là phụ nữ kéo mỗi ngày một đông, buộc địch phải thả những người bị bắt, nhận yêu sách của quần chúng và hứa sẽ giải quyết. Trong cao trào đồng khởi, một giai đoạn lịch sử đặc biệt sôi nổi trong kháng chiến chống Mỹ, hàng triệu phụ nữ đua nhau làm chiến sĩ. Cuộc đồng khởi ở Bến Tre đi liền với sự phát triển của “đội quân tóc dài”, một hiện tượng độc đáo của cách mạng miền Nam, đã vận dụng sáng tạo chiến thuật “ba mũi giáp công” nổi tiếng mà bà Nguyễn Thị Định – Phó tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang miền Nam Việt Nam là một trong những người lãnh đạo xuất sắc cuộc đồng khởi thắng lợi.
Nữ ký giả người Pháp Madeleine Riffaud, sau chuyến đi thăm vùng giải phóng miền Nam vào đầu năm 1965 đã viết: “Quả là ở miền Nam đang tồn tại một đội quân kỳ lạ, không súng ống, có mặt ở khắp nơi, thành thị cũng như thôn quê, một đội quân mà các bản tin của các hãng thông tấn hầu như không bao giờ nói đến, song lại đóng vai trò to lớn trong cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam Việt Nam chống xâm lược, ngay cả trước khi những người du kích đầu tiên cầm lấy vũ khí. Đó chính là “đội quân búi tóc” tập hợp hàng triệu nữ chiến sĩ”.
Phong trào Đồng Khởi đã lan rộng khắp các tỉnh thành Nam Bộ, các phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ không chỉ phát triển ở nông thôn mà còn không ngừng lớn mạnh cả thành thị. Ở các đô thị miền Nam, rất nhiều hình thức đấu tranh của phụ nữ phong phú như bao vây Dinh Độc Lập, biểu tình đòi Mỹ rút quân khỏi miền Nam, tuần hành, bãi thị, bãi khoá… Rất nhiều phong trào đấu tranh ở đô thị ra đời có sự tham gia của những lãnh đạo nữ chủ chốt như phong trào bảo vệ hoà bình với sự tham gia của các bà như Nguyễn Thị Lựu, Thái Thị Nhạn; Uỷ ban cứu tế và bảo vệ tính mạng tài sản dân chúng với rất nhiều hội đoàn tham, trong đó có Hội Phụ nữ Việt Nam; Lực lượng bảo vệ văn hoá dân tộc…[7]
Giai đoạn 1965 – 1975, phụ nữ miền Nam đã tăng cường các hoạt động chính trị và binh vận, ở thành thị nhiều tổ chức phụ nữ đã hình thành và tham gia đấu tranh như: Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền sống, Giáo hội khất sĩ nữ giới Việt Nam, Hội các bà mẹ có con ở tù, Nghiệp đoàn Tiểu thương 36 chợ đô thành… Các đội đặc công, biệt động nữ cũng đã thực hiện nhiều trận đánh vào cơ quan đầu não của địch. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, biệt động nữ đã lọt vào được nhiều cứu điểm quan trọng như Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn, toà Đại sứ Mỹ. Cũng trong chiến dịch này đã xuất hiện biết bao tấm gương nữ anh hùng. Nhà văn Mã Thiện Đồng gọi đó là “Những thiên thần đường phố”… Những con người tiêu biểu về “một phần sự thật về phụ nữ miền Nam. Sự thật chỉ có trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam ta, ở tại đô thành Sài Gòn, mới sản sinh ra những người phụ nữ anh hùng đến như thế”[8].
Có thể thấy, “Phong trào phụ nữ miền Nam trong những năm chống Mỹ cứu nước thực chất là một cuộc vận động cách mạng sâu sắc và rộng lớn nhất của giới nữ, thể hiện được sự kết hợp hài hoà giữa ba mặt: dân tộc, giai cấp và giới; là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng to lớn của nhân dân miền Nam, nhân dân Việt Nam nói chung, đấu tranh cho mục tiêu thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, phồn vinh, hạnh phúc”[9]. Những đóng góp của phụ nữ Nam Bộ đã tiếp nối và phát huy mạnh mẽ tinh thần chiến đấu kiên cường của “Đội quân tóc dài”, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ ĐỘI QUÂN TÓC DÀI
Nguồn: Ảnh tư liệu của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Đấu tranh chính trị của 5000 phụ nữ ở ngã ba Chim Chim (Tiền Giang)
chống bắt lính, gom dân, lập ấp chiến lược (1960).
Nhân dân Long An đấu tranh chính trị chống gom dân vào ấp chiến lược
Phụ nữ Đồng Tháp dũng cảm tham gia những cuộc đấu tranh chính trị
trực diện với địch trong kháng chiến chống Mỹ
Phụ nữ Tây Ninh biểu tình đòi Mỹ cút về nước.
Nhân dân tỉnh Cà Mau kéo ra thị xã đấu tranh trực diện
chống ngụy quyền rải chất độc hóa học bừa bãi vào xóm làng
Phụ nữ Củ Chi (TPHCM) đấu tranh bám đất giữ làng
với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời” trong kháng chiến chống Mỹ
Ths. Nguyễn Thị Kim Voanh
Phó trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông – Quan hệ quốc tế
Nguồn: https://baotangphunu.com/phu-nu-nam-bo-phat-huy-khi-the-tien-cong-cua-doi-quan-toc-dai-dong-gop-xung-dang-vao-thanh-cong-chung-cua-cuoc-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc/
Bình luận (0)