Ý nghĩa những hoạt động hưởng ứng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng sẽ diễn ra từ ngày 15-4 đến 2-5 trên toàn quốc. Việc triển khai hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2025 gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các ngày lễ lớn trong năm 2025 của đất nước, các ngành, các địa phương; phát huy giá trị của sách, văn hóa đọc trong cộng đồng; xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương đối với việc phát triển văn hóa đọc.
Hòa cùng không khí vui tươi của cả nước, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4) năm nay, một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách năm 2025.
Ở cấp tỉnh, mới đây, Sở VHTT&DL cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Tỉnh đoàn tổ chức hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách với chủ đề “50 năm đất nước nở hoa” với 9 đội dự thi đến từ 9 huyện, thành phố trong tỉnh. Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, cho biết hội thi năm nay có ý nghĩa đặc biệt nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc với trận đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, những giá trị độc lập, tự do và tôn vinh những thành tựu nổi bật về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước và tỉnh Bình Dương trong 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.
Đặc biệt, đối tượng dự thi năm nay được mở rộng hơn những hội thi trước đây. Mỗi đội dự thi được thành lập với nhiều thành viên, từ cán bộ, công chức, viên chức đến học sinh, sinh viên, đoàn thanh niên, hội viên phụ nữ, người lao động, từ đó tạo ra sân chơi lành mạnh và trí tuệ. Với chủ đề “50 năm đất nước nở hoa”, tham gia hội thi, các thí sinh đã mang đến cho người xem, người nghe một không khí lịch sử hết sức hào hùng qua nhiều tác phẩm mới, đặc sắc.
Ngoài nội dung sách, các đội còn nêu cảm nhận về sự phát triển của đất nước, địa phương sau 50 năm thống nhất, đổi mới. Qua 3 phần thi, gồm: Giới thiệu đội hình, giới thiệu sách và thi kỹ năng đọc sách, các đội dự thi đã thể hiện xuất sắc khả năng tuyên truyền, giới thiệu sách và kỹ năng đọc sách, đọc nhanh, nhớ lâu và trả lời câu hỏi của phần thi đầy ấn tượng, thuyết phục. “Qua hội thi này, ban tổ chức mong muốn mỗi thí sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực để vận động mọi người đọc sách, lan tỏa tinh thần đọc sách trong cộng đồng, tuyên truyền về các giá trị truyền thống tốt đẹp, lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong đấu tranh bảo vệ đất nước và những thành tựu đạt được của dân tộc ta sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ đó góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng một xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, ông Lê Văn Thái cho hay.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, ngoài hội thi tuyên truyền, giới thiệu sách đã diễn ra, tại Thư viện tỉnh còn có các hoạt động, như: Trưng bày triển lãm các sách hay, sách mới. Tổ chức tọa đàm về văn hóa đọc. Luân chuyển sách đến phục vụ người đọc tại các điểm Bưu điện văn hóa xã trong tỉnh, các trường học, các trung tâm giáo dưỡng, các trại tạm giam trên địa bàn tỉnh. Thư viện tỉnh Bình Dương hiện là thành viên Liên hiệp thư viện các tỉnh miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ. Vì thế, đợt này, Thư viện tỉnh còn tổ chức xe sách phục vụ lưu động tại cơ sở ở tỉnh Đồng Nai.
Quan tâm phát triển văn hóa đọc
Thầy Trần Văn Đức, giáo viên trường Tiểu học Trần Văn Ơn (TP.Bến Cát), chia sẻ thời gian qua, phong trào phát triển văn hóa đọc tại các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã có sự khởi sắc và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là trong hệ thống thư viện công cộng. Các thư viện đã đẩy mạnh việc xây dựng thói quen, trang bị kỹ năng và phương pháp đọc cho người sử dụng; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Ngoài các hoạt động phục vụ sách cho bạn đọc tại chỗ, đưa sách đến với các đối tượng bạn đọc trong tỉnh trong những chương trình phục vụ sách lưu động, hàng năm, Thư viện tỉnh còn quan tâm tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết văn hóa đọc hiện nay bị tác động rất nhiều bởi công nghệ và mạng xã hội. Thư viện tỉnh đã thay đổi để phù hợp với xu thế mới. Ngoài đọc sách truyền thống, thư viện còn có các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách đến đông đảo bạn đọc như: Tổ chức hội thi liên quan đến sách, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Thư viện tỉnh đã ứng dụng YouTube, Zalo… để quảng bá và giới thiệu sách mới, sách hay; tổ chức những cuộc thi, như: Đại sứ văn hóa đọc; tuyên truyền, giới thiệu sách…
“Với vai trò là người trực tiếp làm công tác thư viện, thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện, phối hợp tổ chức rất nhiều hoạt động nhằm góp phần thay đổi tích cực trong nhận thức của cộng đồng về sách, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Huệ nói.
Hiện nay, Thư viện tỉnh đang lưu giữ khoảng 600.000 bản sách. Thời gian qua, Thư viện tỉnh đã và đang thay đổi, cập nhật, bổ sung nguồn tài liệu điện tử để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Đến nay, Thư viện tỉnh đã số hóa trên 20.000 trang tài liệu về địa chí Bình Dương; mua quyền truy cập khoảng 2 triệu tài liệu điện tử và mua bản quyền trên 2.000 bản sách nói để phục vụ các đối tượng bạn đọc của thư viện. |
HỒNG THUẬN
Nguồn: https://baobinhduong.vn/quan-tam-phat-trien-van-hoa-doc-a345090.html
Bình luận (0)