Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tình trạng nắng nóng cực đoan có chiều hướng gia tăng gây hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng tới sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang triển khai xây dựng các hệ thống bản đồ hạn hán theo vùng và thời gian, nhằm hỗ trợ giám sát và cảnh báo sớm tình trạng thiếu nước trên cả nước.
Đặc biệt, hệ thống “nhận diện sớm” trên không chỉ giúp xác định rõ các khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán; mà còn tích hợp các kịch bản nguồn nước, đóng vai trò như một công cụ phân tích chiến lược quan trọng, từ đó hỗ trợ công tác quản lý tài nguyên nước, lập kế hoạch ứng phó hiệu quả.
Công cụ chiến lược ứng phó từ sớm, từ xa
Tiến sỹ Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho hay Luật Tài nguyên nước 2023 đã đánh dấu bước ngoặt trong tư duy quản trị tài nguyên nước của Việt Nam. Đó là chuyển từ bị động đối phó sang chủ động điều phối; từ dựa vào cảm quan sang ra quyết định dựa trên dữ liệu và công nghệ.
Một trong những định hướng lớn của luật là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong giám sát, dự báo, quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Theo đó, bộ đã xây dựng bản đồ hạn hán, thiếu nước và kịch bản nguồn nước ứng dụng đồng bộ các công nghệ chuyển đổi số hiện đại.
Hệ thống trên được xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) và công nghệ mô hình số (digital modeling). Các loại dữ liệu đầu vào bao gồm: Số liệu khí tượng (lượng mưa, nhiệt độ, độ ẩm); dữ liệu thủy văn (dòng chảy, mực nước sông, lượng nước tích trữ ở các hồ chứa); dữ liệu khai thác, sử dụng, nhu cầu nước của từng ngành, từng vùng; dữ liệu địa chất thủy văn (mực nước ngầm theo tầng chứa nước).
Việc ứng dụng mô hình số cho phép tất cả dữ liệu được tích hợp vào hệ thống quản lý tập trung, cho phép cập nhật, đồng bộ và truy xuất nhanh chóng. Hệ thống cũng được xây dựng và áp dụng tổ hợp các mô hình số dự báo mưa hạn mùa để dự báo lượng mưa cho 6 tháng tiếp theo nhằm cung cấp thông tin cho các kịch bản.
Để xây dựng bản đồ hạn, đơn vị nghiên cứu còn áp dụng mô hình thủy văn dự báo dòng chảy, mực nước tại các hồ chứa. Sử dụng các phương pháp, thuật toán để phân tích xu thế hạn hán, đánh giá nguy cơ thiếu nước theo vùng, tiểu vùng. Dựa trên kết quả mô phỏng, các vùng được chia theo mức độ thiếu hụt nước ở mức nhẹ, trung bình, nghiêm trọng.
Trên nền tảng GIS, bản đồ hạn được thiết kế. Các vùng hạn được thể hiện trực quan trên bản đồ số, giúp người dùng dễ dàng nhận biết khu vực bị ảnh hưởng, mức độ nghiêm trọng và diễn biến theo thời gian.
Theo ông Khuyến, những nghiên cứu và triển khai thực tiễn như hệ thống bản đồ hạn hán và các kịch bản nguồn nước theo thời gian thực không chỉ phù hợp, mà còn là các công cụ chiến lược để quản lý hiệu quả.
“Chúng cho phép đọc được trạng thái tài nguyên nước trong tương lai gần, từ đó liệu trước các nguy cơ để điều chỉnh từ sớm, điều hành từ xa. Đây là bước đi căn cơ để đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển bền vững nông nghiệp, đô thị và năng lượng trong một môi trường khí hậu nhiều rủi ro,” ông Khuyến chia sẻ.
Tuy vậy, ông Khuyến cũng lưu ý về lâu dài, hệ thống cần được kết nối chặt chẽ với dữ liệu vệ tinh viễn thám, các mô hình dự báo khí hậu toàn cầu và hệ thống cảm biến IoT tại hiện trường, nhằm nâng cao độ chính xác và tính cập nhật của thông tin.

Ngoài ra, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên địa phương cũng cần được quan tâm để vận hành và cập nhật bản đồ hạn hán và kịch bản nguồn nước theo thời gian thực, bởi đây không chỉ là công cụ chuyên môn mà còn là “cánh tay nối dài” để cộng đồng cùng tham gia giám sát, thích ứng và bảo vệ nguồn nước quốc gia.
Nghiên cứu phải “ra tấm ra món”
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, những biến đổi bất thường về thời tiết, vấn đề nguồn nước hiện nay không chỉ là một thách thức tạm thời, mà là bài toán nền tảng cho an ninh lương thực, cho quy hoạch công trình thủy lợi, và cả chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu của quốc gia.
Để giải quyết hiệu quả bài toán trên, theo quan điểm của lãnh đạo bộ là cần phải dựa vào cơ sở khoa học vững chắc, từ đó đưa ra những dự báo chính xác và kịch bản ứng phó phù hợp. “Không thể tiếp tục điều hành theo kiểu cảm tính, thiếu dựa trên dữ liệu và mô hình khoa học được,” ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng lưu ý trong nhiều năm qua, các địa phương vẫn chưa thực sự thay đổi nhận thức trong cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước, công trình thủy lợi. Thậm chí vẫn còn tình trạng “báo cáo theo quy trình, chưa gắn với thực tế,” chưa phản ánh hết sự biến động khốc liệt của tự nhiên và khả năng thích ứng của con người.
Trong bối cảnh thủy lợi được nhìn nhận là trụ cột quan trọng trong chiến lược thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, ông Tiến kêu gọi các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia kỹ thuật cần bước ra khỏi “vòng lặp báo cáo hành chính,” mạnh dạn đề xuất những mô hình mới, cách làm mới, gắn sát với diễn biến thực tế.
Ông Tiến cũng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng các công trình thủy lợi mang tính thích ứng linh hoạt, có khả năng vận hành theo dự báo khí tượng thời gian thực; và các dự án phải được thiết kế theo hướng đa mục tiêu, đảm bảo tích hợp giữa phòng chống thiên tai, điều tiết nước, và bảo vệ sinh thái.
“Khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mô hình dự báo số sẽ là nền tảng để ngành thủy lợi thực hiện được vai trò mới này. Chúng ta cần coi nghiên cứu nước là lĩnh vực mũi nhọn, bởi nếu không giải được bài toán nước thì sẽ không thể đảm bảo phát triển bền vững,” ông Tiến nói và nhấn mạnh nghiên cứu cần phải “ra tấm ra món.”
Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - ông Nguyễn Tùng Phong cũng thẳng thắn cho rằng đã đến lúc ngành cần thay đổi cách tiếp cận, từ tư duy hành chính sang tư duy tích hợp, tổng thể, gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực liên ngành.
Theo ông Phong, thủy lợi không thể tồn tại như một lĩnh vực biệt lập, bởi các vấn đề về nước hiện nay đều liên quan mật thiết tới nông nghiệp, môi trường, đô thị, khí tượng thủy văn và thậm chí cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.
“Vì vậy, để giải các bài toán lớn thì buộc phải xây dựng những giải pháp tích hợp, liên ngành,” ông Phong nhấn mạnh và cho rằng cần phải tập trung nguồn lực đúng chỗ, đúng việc. Thay vì trải đều đầu tư, cần ưu tiên xử lý dứt điểm những điểm nóng, những khu vực đang đối mặt trực tiếp với thiên tai như hạn hán, lũ quét, xâm nhập mặn hay sạt lở nghiêm trọng.
Trong định hướng dài hạn, Cục trưởng Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi đặt ra yêu cầu nâng tầm nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thủy lợi. Theo ông, nghiên cứu không thể tiếp tục ở quy mô manh mún, rời rạc, mà phải xây dựng được những chương trình lớn, có tính hệ thống, có khả năng tạo ra sản phẩm cụ thể và có thể ứng dụng ngay vào thực tế.
“Những đề tài ‘ra tấm ra món’ không chỉ giải quyết vấn đề kỹ thuật mà còn gắn với chiến lược phát triển ngành, sẽ giúp đảm bảo rằng đầu tư cho khoa học thực sự đem lại giá trị cho xã hội,” ông Phong nhấn mạnh.
Từ quan điểm chỉ đạo đến hành động cụ thể, những định hướng, giải pháp trên cho thấy nỗ lực làm mới tư duy quản lý thủy lợi của ngành nông nghiệp và môi trường theo hướng khoa học, thực tiễn và đổi mới sáng tạo.
Đây cũng là bước đi cần thiết để hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW, trong đó thủy lợi không chỉ là lĩnh vực kỹ thuật mà còn là trụ cột trong chiến lược phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia trong thời gian tới./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/quan-tri-nuoc-thoi-dai-so-xay-dung-ban-do-han-lieu-truoc-cac-nguy-co-post1038582.vnp
Bình luận (0)