Theo đó, trước mắt, Công an phường Đồng Hới sẽ ra quân tuyên truyền, vận động người sở hữu phương tiện tuân thủ quy định, không tiếp tục chạy xe điện đón khách khi đã hết thời gian thử nghiệm trên các tuyến phố nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và thực thi pháp luật.

Cùng đó, Thượng tá Hoàng Văn Trung, Trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Hiện thời gian thử nghiệm xe điện tại các tuyến phố đã kết thúc. Tổ CSGT phụ trách địa bàn sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành vận động, chấn chỉnh. Nếu các chủ phương tiện vẫn cố tình vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý theo quy định hành chính".
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, từ ngày 1-7-2025, việc thử nghiệm xe điện trên địa bàn Đồng Hới đã chính thức chấm dứt. Chính quyền địa phương đã gửi công văn đến tận từng tài xế yêu cầu ngừng hoạt động đưa đón khách bằng xe điện do các lý do mất an toàn như: xe không có thành thùng, không trang bị dây đai an toàn, và biển số xe dịch vụ chưa được chuyển sang biển vàng theo quy định.

Tuy nhiên, nhiều tài xế vẫn phớt lờ quy định, tiếp tục chạy xe đón khách trên các tuyến phố, lấn làn, phóng nhanh vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông mà chưa bị xử lý nghiêm.
Cộng đồng làm du lịch tại các phường Đồng Hới và Đồng Thuận đang bức xúc trước tình trạng các tài xế xe điện đòi “chung chi” khi đưa khách đến khách sạn, nhà hàng, quán ăn.

Ông Nguyễn Đắc L., chủ một khách sạn ở phường Đồng Hới, chia sẻ: “Khách của chúng tôi đặt phòng qua ứng dụng. Khi xuống xe, tài xế điện chở về thì yêu cầu chung chi 5 khách là 100.000 đồng. Số tiền không lớn nhưng rất vô lý. Không đưa tiền, tài xế quay ra chửi bới lễ tân, gây mất hình ảnh nghiêm trọng”.
Bà Nguyễn Thùy H., chủ một nhà hàng kiêm quán karaoke, bức xúc: “Họ đòi 15% hoa hồng khi đưa khách đến nhà hàng, và 25% nếu khách hát karaoke. Trong khi khách sạn giới thiệu thì không bị đòi. Dù khách đã trả tiền xe, tài xế vẫn đòi chung thêm. Khó chịu vô cùng!”.
Không chỉ dừng ở việc đòi "chung chi", nhiều nhà hàng khách sạn phản ánh rằng khi họ từ chối hoặc phản ánh tình trạng đòi tiền vô lý, giới tài xế xe điện liền huy động người vào nền tảng Google đánh giá 1 sao hoặc 3 sao, khiến địa điểm mất uy tín, khó tiếp cận khách hàng.

Ông L. cho biết thêm: “Chúng tôi làm dịch vụ bằng mồ hôi nước mắt, khó khăn lắm mới xây dựng được hình ảnh tốt trên các nền tảng số. Vài đánh giá 1 sao là bị tụt hạng, khách không còn thấy tên quán. Mỗi lần bị đánh giá tiêu cực như vậy, phải mất vài tháng để gầy dựng lại”.

Theo cộng đồng du lịch địa phương phản ánh với PV Báo SGGP, có một người tên H.N.S thường xuyên đánh giá 1-3 sao các dịch vụ mà bản thân không sử dụng, nhằm gây sức ép hoặc trả đũa các đơn vị không hợp tác.
Ông S. còn đánh giá tiêu cực các địa danh như: bãi biển Nhật Lệ, Bảo Ninh, quảng trường trung tâm, chỉ 3 sao, làm giảm khả năng xuất hiện trên các công cụ tìm kiếm dịch vụ du lịch.

Khi PV liên hệ qua điện thoại, ông S. trả lời ngắn gọn: “Làm vậy là bình thường. Còn 1 sao thì không đánh giá”.
Tuy nhiên, các bằng chứng từ cộng đồng du lịch địa phương cho thấy, ông S. có hành vi cùng bạn bè, cố tình đánh giá tiêu cực các dịch vụ tại Đồng Hới và Phong Nha, gây tổn thất lớn cho các chủ nhà hàng, khách sạn.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Sở đã nắm thông tin về tình trạng đòi "chung chi" và đánh giá tiêu cực của một số tài xế xe điện. Hiện chúng tôi đã giao Phòng Quản lý Du lịch kiểm tra, xác minh làm rõ. Quan điểm là không để một vài "con sâu" làm ảnh hưởng hình ảnh du lịch của địa phương”.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/quang-tri-chan-chinh-tinh-trang-xe-dien-hoat-dong-bat-nhao-doi-chung-chi-post803068.html
Bình luận (0)