Những ngày cuối tháng 3/2025, chúng tôi có dịp tham quan mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, thôn Kép III, xã Quyết Thắng – một trong những hộ điển hình trong phong trào chăn nuôi bò vỗ béo đem lại thu nhập cao. Anh Mạnh cho biết: Năm 2019, được tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện, gia đình tôi biết đến phương pháp nuôi bò vỗ béo và đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Từ đó, trong chuồng luôn duy trì từ 22 đến 25 con. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi xuất bán khoảng 20 con bò, đem lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng.
Không chỉ gia đình anh Mạnh, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quyết Thắng đã chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã đã phát triển được trên 40 mô hình sản xuất hiệu quả, tiêu biểu như: mô hình trồng cây ăn quả (trên 20 ha); mô hình trồng trám đen (15 ha); mô hình trồng mắc ca (2 ha); mô hình trồng dưa bao tử (trên 20ha); mô hình trồng lúa J02 (trên 7ha); mô hình chăn nuôi gà thương phẩm (trên 25.000 con); … đem lại thu nhập cho nhiều hộ từ 150 đến 250 triệu đồng/năm. Ngoài các mô hình trên, người dân trên địa bàn xã hiện đang tiếp tục thử nghiệm một số mô hình khác như: chăn nuôi trâu bò thương phẩm…
Ông Lương Văn Bính, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Để người dân có kỹ thuật nuôi, trồng hiệu quả, đối với mỗi mô hình chúng tôi tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho các hộ gồm cả tập huấn định kỳ và tập huấn chuyên đề. Hằng năm, chính quyền xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức từ 8 đến 10 lớp tập huấn về quy trình, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho bà con. Đối với các mô hình hiệu quả, chúng tôi hướng dẫn bà con mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng với đó, xã vận động thành lập và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đến nay, xã đã vận động thành lập được 2 HTX và 3 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chị Phạm Thị Năm, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng trám đen cho biết: Năm 2020, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ở xã tôi biết đến mô hình trồng trám theo hướng an toàn và tham gia sản xuất trám đen theo quy trình VietGAP. Năm 2023, tôi đã thành lập tổ hợp tác trồng trám đen, gồm 12 thành viên. Theo đó, chúng tôi đã chú trọng áp dụng khoa học kĩ thuật vào khâu chăm sóc và nhận thấy hiệu quả rõ rệt, tỉ lệ đậu quả cao. Đến nay, các thành viên trong tổ đã trồng và chăm sóc trên 5ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Trung bình mỗi năm, cho thu hoạch từ 3 - 4 tạ quả/ha, tăng gấp đôi so với quy trình chăm sóc truyền thống.
Song song với việc tập huấn, để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; chính sách hỗ trợ. Đến nay, xã đã có 429 lượt hộ được vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ vốn tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt gần 27,3 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay được người dân sử dụng chủ yếu với mục đích trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, chính quyền xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đặc biệt là vay theo Nghị quyết số 08/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, từ khi triển khai đến nay, xã đã phối hợp thực hiện giải ngân được 6 dự án với số tiền 3 tỷ đồng.
Có thể thấy việc phát triển các mô hình sản xuất đã và đang góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn xã Quyết Thắng. Cụ thể, kết thúc năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo toàn xã còn 2,75%, giảm 15% so với năm 2020; thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 45,7 triệu đồng/người/năm, tăng 20 triệu đồng so với năm 2020.
Nguồn: https://baolangson.vn/quyet-thang-da-dang-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep-hieu-qua-5042049.html
Bình luận (0)