30.000 USD tổ chức giải đấu ở nam Cali
Từ nhiều năm qua, bóng đá người Việt xa xứ tại Mỹ đã phát triển rất mạnh. Nhiều tiểu bang, nhiều vùng trên khắp đất nước cờ hoa có đông người Việt sinh sống, đã sớm hình thành nên các đội bóng theo sở thích và niềm hứng khởi của mình.
Chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng theo nhiều cầu thủ cho biết, ít nhất cũng có hàng chục đội lớn có, nhỏ có, già trẻ cứ mỗi cuối tuần ra sân gặp nhau rèn luyện và giao hữu một cách hào hứng. Riêng California được xem là vùng đất chính của người Việt tại Mỹ có không dưới 20 đội bóng theo nhiều lứa tuổi được tập luyện thường xuyên, có tên tuổi hẳn hòi. Hàng năm có một giải đấu quy mô được tổ chức tại Dallas, Texas vào những ngày đầu tháng 7, quy tụ nhiều các đội bóng có "số má". Bên cạnh đó hội cầu thủ San Diego ở nam Cali với những nỗ lực "tự thân vận động" của mình cũng đã tạo ra một giải đấu chất lượng không kém khi tập trung nhiều lực lượng trên khắp nước Mỹ về tham gia.
Rất đông các đội bóng tề tựu tham dự
ẢNH: T.K
Những gương mặt hớn hở từ mọi miền trên đất Mỹ về tham dự
ẢNH: CƯỜNG PHẠM
Vào cuối tuần qua, giải đấu lần thứ 3 ở San Diego đã diễn ra sôi nổi với 14 đội bóng tranh tài, gồm 8 đội trẻ và 6 đội trên 50 tuổi từ nhiều nơi trên đất Mỹ.
Các đội trẻ đa phần là những cầu thủ sinh ra và lớn lên tại Mỹ hoặc vừa sang định cư hay học tập tại đây với những cái tên đội như Saigon FC, Lam Anh FC, Houston FC, Vistrols FC, Viet Lynwood FC, Viet Orange County, KOSD, VSDU FC. Các đội lớn đa số đều là những gương mặt ít nhiều từng chơi bóng tại Việt Nam. Họ là những cái tên từng khoác áo các đội hàng đầu trong nước như Bùi Thông Tuân (Đà Nẵng), Phan Huy Khải, Trần Quan Huy, Nguyễn Xuân Danh (Cảng Sài Gòn), Võ Thành Long (Năng khiếu nghiệp vụ, CLB Công an TP.HCM) hoặc ở hạng nhất, hạng nhì như Luật, Lực (Hóc Môn).
Dù là trong màu áo nào từ Chicago đến San Diego, từ KP FC đến Thanh Long quán, tất cả đều cho thấy những bước chạy sôi nổi, khí thế sục sôi và tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng tạo nên những giờ phút rất thú vị trên sân.
Cha con cựu danh thủ Võ Thành Sơn, Võ Thành Long
ẢNH: T.K
Đó là chưa kể đến một số cầu thủ khác vì nhiều lý do không kịp tham gia, nhưng đều dõi theo từng đường bóng của giải đấu từ xa, gọi điện chia sẻ động viên như Vũ Trọng Thành (Sở Công nghiệp), Lưu Tấn Phước, Trần Ngọc Hải (Hải quan). Đặc biệt là sự xuất hiện từ sớm của cựu danh thủ Võ Thành Sơn, người nổi tiếng một thời với cú ngả bàn đèn và từng là vua phá lưới giải vô địch quốc gia Việt Nam năm 1981-1982 với 15 bàn, góp phần mang lại cảm hứng cho các cầu thủ.
Hay nhiều VĐV thể thao khác như Võ Ngọc Liên (bơi lội) từ Houston bay qua, đã có mặt xuyên suốt 2 ngày trên sân, không chỉ động viên cho chồng mình mà còn góp phần tạo nên nhiều tiếng cười rộn ràng, sảng khoái.
Cựu kình ngư Võ Ngọc Liên bên chiếc cúp của giải ở San Diego
ẢNH: T.K
Hoàng Nguyễn, phụ trách chính của ban tổ chức giải, là một nhân vật còn rất trẻ cho biết: "Để có một giải đấu tập trung đông đảo mọi người như vậy, chúng tôi vận động được 30.000 USD vừa đủ chi phí tổ chức. Bao gồm tiền sân 4.000 USD, tiền trọng tài 5.700 USD, giải thưởng gồm tiền mặt và cúp hơn 10.000 USD, trong đó giải nhất của 2 hạng lần lượt là 2.000 và 1500 USD, còn lại là nhiều khoản hỗ trợ nước uống cho các đội, tiệc tổng kết. Giải đấu là phi lợi nhuận nên anh em ở San Diego tham gia hết mình vào công tác tổ chức, vừa làm vừa học hỏi. Chúng tôi rất vui khi mang lại sân chơi hào hứng cho cộng đồng người Việt tại Mỹ, hy vọng sang năm sẽ thu hút được nhiều mạnh thường quân để mở rộng quy mô đá 4 sân ở Trường Đại học San Diego thay vì chỉ 2 sân và có hơn 20 đội tham gia".
Hoàng Nguyễn (phải), thành viên Ban tổ chức của giải đấu
ẢNH: CƯỜNG PHẠM
Những điều đọng lại ở giải bóng đá không chuyên
Giải đấu đã khép lại sau 2 ngày thi đấu với mật độ rất dày, mỗi đội đá trung bình 2 trận/ngày. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thấy, nếu không có đủ nhân sự hùng hậu, không đủ thể lực và phân phối sức hợp lý, không cầu thủ nào chịu nổi. Vậy mà dù không có nhiều thời gian tập luyện kể cả ráp nối đội hình hay lên phương án chiến thuật cụ thể, các đội bóng, nhất là lứa trên 50 tuổi vẫn chơi rất tự tin và bài bản. Bởi đa số, họ đá bóng như đã thấm trong người, từng chơi tưng bừng ở Việt Nam, nên ra sân là tự khắc hiểu được chơi như thế nào, đá ra sao để có đóng góp hiệu quả nhất. Thú vị nhất là sự cổ vũ không mệt mỏi khi bên trong đá, bên ngoài tất cả cầu thủ dự bị và cổ động viên đều hào hứng theo từng đường bóng, vỗ tay la hét rần trời.
BTC giải thích các quy định cho các đội bóng ngay tại sân
ẢNH: CƯỜNG PHẠM
Nhìn chung cộng đồng người Việt yêu bóng đá tại Mỹ đã mang lại những sân chơi bổ ích, thú vị, hào hứng và lôi cuốn. Nếu có sự chỉn chu, nâng cấp hơn nữa thì trong tương lai gần sẽ có nhiều giải đấu chuyên nghiệp hơn, để từ đó mang lại nhiều giá trị tinh thần thiết thực, góp phần làm phong phú hơn nữa cho bóng đá người Việt tại Mỹ.
Một vài hình ảnh tại giải đấu:
Chấn thương thiếu cáng, đội bóng phải tự lo
ẢNH: T.K
Dưới sân thi đấu bên trên hậu cần nướng thịt phục vụ tận tình tối đa
ẢNH: T.K
Đội Thanh Long quán với khẩu hiệu "Vui vẻ, không quạu"
ẢNH: T.K
Cầu thủ Văn Hiền, người Việt lai Mỹ chơi năng nổ trên sân
ẢNH: CƯỜNG PHẠM
Cựu trung vệ Đà Nẵng Bùi Thông Tuân (trái), cựu danh thủ Võ Thành Sơn và tác giả
ẢNh: T.K
Nguồn: https://thanhnien.vn/ron-rang-voi-hoat-dong-bong-da-nguoi-viet-tren-dat-my-18525052712113124.htm
Bình luận (0)