Hội thi tiếng hát Người khuyết tật là một sân khấu đầy tính nhân văn và ấm áp, nhằm động viên, tạo cơ hội cho những số phận kém may mắn được tỏa sáng
Ảnh: Studio Đinh Khắc Dũng
NSƯT Lê Tứ xúc động, trân trọng từng phần trình diễn
Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam chủ trì phối hợp Bộ VH-TT-DL cùng một số cơ quan có liên quan tổ chức Hội thi tiếng hát Người khuyết tật lần thứ 3 năm 2025, khu vực phía nam với chủ đề Tiếng hát từ trái tim. Tham gia ban giám khảo có: ông Nguyễn Trọng Đàm - Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Trưởng ban tổ chức và Trưởng ban giám khảo; NSƯT Quỳnh Liên - Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM và NSƯT Lê Tứ.
"Tôi đã từng ngồi ghế giám khảo cho nhiều chương trình, cuộc thi, từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, nhưng hội thi lần này thật sự rất đặc biệt khi dành cho người khuyết tật. Tôi rất trân trọng tình yêu nghệ thuật của những người kém may mắn về thể chất nhưng giàu nghị lực sống. Gọi là giám khảo, nhưng tôi đến đây để chứng kiến và lắng nghe những trái tim đam mê nghệ thuật cất lên tiếng hát, thể hiện tài năng. Đồng hành với các bạn ở hội thi này, tôi càng ý thức rõ trách nhiệm của mình, phải thật sự công tâm, khách quan và trân trọng từng phần trình diễn".
Nghệ sĩ cải lương Lê Tứ thừa nhận anh có chút áp lực khi ngồi ghế giám khảo hội thi
Ảnh: Studio Đinh Khắc Dũng
Đặc biệt, nam nghệ sĩ còn quyết định bỏ tiền túi để tặng cho 4 tiết mục mà anh yêu thích và muốn động viên các thí sinh. Đó là tiết mục múa Chiều lên bản thượng, Khát vọng sinh tồn, Hương sắc và tiết mục vọng cổ Biển chiều.
Những tâm hồn yêu nghệ thuật vượt lên số phận
Hội thi khu vực phía nam do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM đăng cai, có sự tham gia của hơn 100 diễn viên không chuyên với 21 tiết mục văn nghệ của 7 đoàn thi đến từ Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, TP.HCM, Tây Ninh, Khánh Hòa và Sóc Trăng. Mỗi đội mang đến những tiết mục được chuẩn bị công phu, đầy cảm xúc, thể hiện tinh thần vượt khó và tình yêu nghệ thuật mãnh liệt.
Đây là dịp để người khuyết tật các tỉnh, thành phố được học hỏi, giao lưu, thể hiện khả năng của mình trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, khẳng định giá trị bản thân và hòa nhập ngày càng sâu rộng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Các đội thi mang đến tiết mục biểu diễn với đa dạng loại hình từ đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu, hòa tấu, múa và đặc biệt là múa ngôn ngữ ký hiệu, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân và giới thiệu các giá trị văn hóa đặc trưng vùng miền trên cả nước, ca ngợi những tấm gương điển hình vượt lên số phận...
Nhiều tiết mục được đầu tư công phu, kết hợp nhiều loại hình từ hát, múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc
Ảnh: Studio Đinh Khắc Dũng
Trong đó, đoàn TP.HCM nổi bật với chương trình nghệ thuật Sống như những đóa hoa gồm các tiết mục Bài ca hy vọng, Đất nước trọn niềm vui, Sống như những đóa hoa, mang đến một không khí biểu diễn đặc sắc, chuyên nghiệp và đầy cảm xúc.
Đoàn Tây Ninh gửi gắm niềm tự hào dân tộc, tình yêu đất nước qua Tổ quốc gọi tên mình, Nắng gió phương Nam và tiết mục độc tấu đàn kìm Liên nam. Đoàn Khánh Hòa trình diễn múa Chiều lên bản thượng, song ca Trái tim bé bỏng và tốp ca Trái tim nhân ái với thông điệp chan chứa tình người. Đoàn Cà Mau lay động người xem bằng những âm điệu da diết của Biển chiều, Tâm sự người khiếm thị và màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc với điệu thức Liễu Thuận Nương - Khốc Hoàng Thiên - Phong Ba Đình.
Đoàn Sóc Trăng mang đến 3 tiết mục đầy cảm xúc gồm Vết chân tròn trên cát, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang và phần hòa tấu Chào mừng, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa giọng ca sâu lắng và kỹ thuật trình diễn nhạc cụ. Đoàn Bình Phước trình diễn tiết mục hát Những điều em chưa biết, bản độc tấu saxophone Quê hương và múa Hương sắc, mang đến không gian nghệ thuật đa dạng, giàu màu sắc. Đoàn Bình Thuận gây ấn tượng với tiết mục múa Khát vọng sinh tồn, hòa tấu Về đây em và đơn ca Pô Sah Inư huyền thoại.
Các nghệ sĩ khuyết tật thể hiện tài năng qua nhiều loại nhạc cụ khác nhau, mang đến màn trình diễn ấn tượng
Ảnh: Studio Đinh Khắc Dũng
Đoàn văn nghệ người khuyết tật TP.HCM giành giải nhất tại Hội thi tiếng hát Người khuyết tật lần 3 năm 2025 khu vực phía nam
Ảnh: Studio Đinh Khắc Dũng
Kết quả, ban tổ chức đã trao giải nhất cho đoàn TP.HCM, giải nhì cho đoàn Bình Thuận và giải ba thuộc về đoàn Sóc Trắng. Bên cạnh đó, ban tổ chức trao 5 giải vàng cho các tiết mục: Bài ca hy vọng (đoàn TP.HCM), Sống như những đóa hoa (đoàn TP.HCM), Pô Sha Inư huyền thoại (đoàn Bình Thuận), Chào mừng (đoàn Sóc Trăng) và Tổ quốc gọi tên mình (đoànTây Ninh) cùng nhiều tiết mục đạt giải bạc, giải khuyến khích... Ban tổ chức cũng lựa chọn 3 tiết mục xuất sắc nhất, đại diện cho khu vực phía nam tham dự Liên hoan tiếng hát Người khuyết tật toàn quốc lần thứ 3, dự kiến tổ chức vào tháng 6.2025 tại Hà Nội.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nsut-le-tu-bo-tien-tui-tang-thi-sinh-hoi-thi-tieng-hat-nguoi-khuyet-tat-185250526230853141.htm
Bình luận (0)