Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sẽ nâng hạn mức giao dịch qua Mobile Money

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 87/NQ-CP, chính thức gia hạn thời gian thí điểm dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) đến hết năm 2025. Thời gian thí điểm thực hiện Mobile Mone chúng ta cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này, tạo bước đệm để phổ cập tài chính toàn diện và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng29/04/2025

Mobile Money chỉ có thể cạnh tranh được khi liên kết với các tổ chức tín dụng mở rộng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt
Mobile Money chỉ có thể cạnh tranh được khi liên kết với các tổ chức tín dụng mở rộng hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt

Hơn 9,87 triệu người thí điểm sử dụng

Ngày 15/4, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 87/NQ-CP, chính thức gia hạn thời gian thí điểm dịch vụ sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) đến hết năm 2025. Đây là hoạt động nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng của phương thức thanh toán không tiền mặt này, đồng thời tạo nền tảng pháp lý đầy đủ để Mobile Money vận hành bền vững, hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, sau gần 3 năm triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán Mobile Money đã đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng người dùng và mạng lưới điểm kinh doanh dịch vụ. Theo đó, tính chung cả ba công ty viễn thông là Viettel, VNPT-Media và MobiFone, tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 9,87 triệu khách hàng. Trong số này, số khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 71,73%, tương đương khoảng 7,1 triệu khách hàng và số tài khoản đang kích hoạt, sử dụng là khoảng 6,56 triệu tài khoản.

Về phát triển điểm kinh doanh dịch vụ và đơn vị chấp nhận thanh toán, đến cuối quý III/2024, cả nước có gần 12.000 điểm kinh doanh dịch vụ Mobile Money được thiết lập và khoảng 276.000 đơn vị chấp nhận thanh toán được lập ra để cung ứng các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục, viễn thông, dịch vụ công. Tổng số lượng thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ qua Mobile Money đạt hơn 102 triệu giao dịch với giá trị trên 1.462 tỷ đồng.

Theo đánh giá của NHNN và các bộ, ngành liên quan, hoạt động thí điểm Mobile Money đã giúp thị trường đa dạng kênh thanh toán, giúp thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân. Các doanh nghiệp viễn thông tham gia thí điểm cũng nhìn nhận rằng, sau 3 năm thí điểm, hoạt động thanh toán Mobile Money chưa phát sinh vi phạm về việc đảm bảo số dư trên các tài khoản thanh toán; chưa phát hiện những trường hợp biến tướng, vi phạm pháp luật cũng như trục lợi từ hình thức thanh toán này. Vì vậy, việc nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý để nhân rộng dịch vụ thanh toán Mobile Money là nhu cầu phù hợp, mang lại nhiều tiện ích và đáp ứng nhu cầu thực tế thanh toán trực tuyến của người dân.

Sẽ mở rộng phạm vi và tăng hạn mức

Tại Nghị quyết số 87/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ tiếp tục giao NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành khác, xây dựng Nghị định về dịch vụ Mobile Money nhằm chuẩn hóa pháp lý cho lĩnh vực này.

Hiện NHNN đã có Tờ trình gửi Chính phủ, thể hiện rõ các quan điểm về các mục tiêu và nội dung dự kiến sẽ quy định trong Nghị định. Theo đó, các quy định mới sẽ tiếp tục theo hướng khuyến khích đơn giản hóa thủ tục, tạo tối đa sự tiện lợi cho người dùng, giúp Mobile Money phát huy vai trò tại vùng sâu, vùng xa.

Một trong những quy định được dư luận quan tâm là việc xem xét nới hạn mức giao dịch. Quan điểm của NHNN là sẽ xem xét nâng hạn mức này lên một con số phù hợp, thay vì hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng như hiện nay. Từ đó, tạo điều kiện để người dùng Mobile Money có thể thanh toán các dịch vụ có giá trị cao hơn như điện, nước, học phí, viện phí; hỗ trợ các địa phương thúc đẩy kinh tế số nông thôn, hỗ trợ nông dân, tiểu thương tiếp cận thị trường rộng hơn.

Ngoài ra, việc mở rộng, cho phép các khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, nơi mạng lưới ngân hàng chưa thể vươn tới, có thể tận dụng hạ tầng của doanh nghiệp viễn thông tiếp cận, sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt sẽ giúp tiết giảm thời gian và chi phí.

Quan điểm chung của NHNN là Mobile Money không thay thế các dịch vụ ngân hàng, nhưng là công cụ bổ trợ, giúp thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2030. Theo đó, song song với xem xét mở rộng hạn mức giao dịch khi đã có đủ cơ sở pháp lý và hệ thống kiểm soát, Nghị định mới sẽ quy định, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông, đảm bảo không chồng lấn với hoạt động ngân hàng. Về lâu dài, cơ sở pháp lý sẽ tạo điều kiện để dịch vụ Mobile Money kết nối với các hệ sinh thái thanh toán khác, mở rộng ứng dụng trong thương mại điện tử, dịch vụ công, bảo trợ xã hội.

Riêng đối với khía cạnh quản trị rủi ro, bảo mật dữ liệu, theo quan điểm của NHNN, dự thảo Nghị định sẽ quy định cụ thể theo hướng tăng cường kiểm soát rủi ro, bảo vệ người dùng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hành vi gian lận tài chính. Việc mở rộng phạm vi và hạn mức sẽ được thực hiện theo lộ trình thận trọng, gắn với nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường giám sát và nâng cao nhận thức người dùng.

Với những chủ trương, định hướng như trên, có thể nhận thấy việc Chính phủ gia hạn thí điểm Mobile Money đến hết năm 2025 là bước đi cần thiết để đánh giá toàn diện hiệu quả, khắc phục hạn chế, đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý trước khi chính thức triển khai đại trà. Với nền tảng vững chắc từ giai đoạn thí điểm, Mobile Money đang đứng trước cơ hội trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/se-nang-han-muc-giao-dich-qua-mobile-money-163532.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm