Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín chỉ carbon và tài sản số: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ thị trường tài chính

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, bà Trương Hạnh Linh- Thành viên điều hành Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần tìm hiểu và học hỏi các bài học kinh nghiệm thực tế từ một số quốc gia như EU, Singapore hay Brazil trong việc triển khai thị trường trao đổi tín chỉ carbon cũng như việc đưa tín chỉ này trở thành tài sản đảm bảo trong hoạt động tín dụng.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng29/04/2025

Tín chỉ carbon và tài sản số: Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ thị trường tài chính

Từ góc nhìn của lĩnh vực kiểm toán, theo bà những thách thức đặt ra trong quản lí và giám sát đối với tài sản số hiện nay là gì?

Bà Trương Hạnh Linh: Theo thống kê mới nhất được thực hiện bởi Mastercard vào năm 2024, vốn hóa thị trường Tài sản số đạt khoàng 2,7 nghìn tỷ đôla, và 12 trong số 20 nước thuộc nhóm G20, chiếm 57% GDP toàn cầu đã có quy định liên quan đến các tài sản số. Những con số trên cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ đối với các tài sản kỹ thuật số trong giai đoạn vừa qua đến từ thị trường và các bên liên quan. Việt Nam nằm trong số các quốc gia dẫn đầu thế giới về mức độ tiếp cận và sử dụng tài sản số.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý chính thức cho loại hình đầu tư tài sản số, mặc dù các hoạt động mua - bán, giao dịch tài sản số trong nước vẫn đang diễn ra rất sôi động và thông qua các sàn quốc tế; hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp. Điều đó đã và đang đặt ra những thách thức chưa từng có đối với các tiêu chuẩn, quy định về tài sản, thị trường tài chính, các yêu cầu về định giá cũng như quản lý kiểm soát rủi ro đối với loại tài sản này. Từ góc nhìn của kiểm toán, theo tôi một số thách thức đặt ra trong quản lí và giám sát loại tài sản này như sau:

Về mặt pháp lý, cần có định nghĩa cụ thể như: tài sản số là gì, quyền sở hữu và trách nhiệm liên quan đến từng loại tài sản số cụ thể như thế nào để có thể hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động mua - bán, giao dịch tài sản số.

Về mặt quản lý, kiểm soát rủi ro liên quan đến loại tài sản này, các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp cần trả lời được các câu hỏi: Cơ chế nào là phù hợp để áp dụng các biện pháp quản lí, giám sát đối với tài sản số. Cách thức và quy định liên quan đến định giá tài sản số ra sao, định giá tại thời điểm nào, cơ sở nào để định giá tài sản đó? Ngoài ra, cơ sở hạ tầng số nhằm giám sát và đảm bảo tính an toàn, bảo mật đối với tài sản số là vấn đề không thể bỏ qua.

Hiện tại, Quốc hội đang đưa ra dự thảo về Luật Công nghiệp và công nghệ số, qua đó cụ thể hóa khung pháp lý cho loại hình đầu tư tài sản số. Hành lang pháp lý là tiên quyết. Tuy nhiên, tôi cho rằng, các hướng dẫn cũng như các giải pháp triển khai cụ thể song hành tới các ngân hàng, tổ chức tài chính và doanh nghiệp là rất quan trọng để có thể xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và hiệu quả.

Tín chỉ carbon hiện nay đang là một tài sản được nhiều quốc gia sử dụng làm tài sản đảm bảo, bà có khuyến nghị gì về vấn đề này đối với Việt Nam?

Bà Trương Hạnh Linh: Nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm cần nhìn nhận và có phương án để “Tín chỉ carbon” được trở thành một loại tài sản đảm bảo trong tín dụng tại các ngân hàng. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng mở rộng các sản phẩm liên kết bền vững và sản phẩm cho vay xanh. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 số 72/2020/QH14 xác định: tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch, thể hiện quyền phát thải một tấn CO₂ hoặc tương đương. Mặc dù đã bước đầu được thừa nhận về mặt thương mại, nhưng tín chỉ carbon hiện vẫn chưa được pháp luật Việt Nam ghi nhận cụ thể là tài sản bảo đảm trong giao dịch tín dụng ngân hàng. Vì vậy theo tôi, Việt Nam cần tìm hiểu và học hỏi các bài học kinh nghiệm thực tế từ một số quốc gia như EU, Singapore hay Brazil trong việc triển khai thị trường trao đổi tín chỉ carbon cũng như việc đưa tín chỉ này trở thành tài sản đảm bảo trong hoạt động tín dụng.

Các ngân hàng đều phải tuân thủ với quy định của cơ quan quản lý về hoạt động cho vay, bên cạnh đó mỗi ngân hàng đều phải xây dựng các quy định đối với hoạt động tín dụng và quản lý rủi ro tín dụng.

Theo bà, Việt Nam nên bắt đầu từ đâu để xây dựng hành lang pháp lý hiệu quả cho tài sản số và tín chỉ carbon, tránh tình trạng vừa làm vừa sửa?

Bà Trương Hạnh Linh: Để tín chỉ carbon có thể trở thành tài sản đảm bảo, theo tôi cần có cơ chế pháp lý rõ ràng, bao gồm các yếu tố:

Sự công nhận tín chỉ carbon là tài sản và phải định nghĩa rõ ràng là một loại “tài sản” hay “quyền tài sản” trong Bộ luật Dân sự; có thể định giá, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, tương tự cổ phiếu, trái phiếu.

Quy định về thế chấp, xử lý khi bên vay mất khả năng thanh toán, hướng dẫn cơ chế định giá và có bảng giá giao dịch tín chỉ carbon cập nhật thường xuyên, được chấp nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước hoặc sàn giao dịch. Việt Nam đã có Nghị định 06/2022/NĐ-CP về giảm phát thải và phát triển thị trường carbon, tuy nhiên cần có thêm các văn bản hướng dẫn cụ thể về giao dịch, mua bán, thế chấp tín chỉ.

Cần có hướng dẫn chuẩn hóa tín chỉ đủ điều kiện đảm bảo, chẳng hạn chỉ những tín chỉ carbon được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn quốc tế (Verra, Gold Standard…) hoặc cơ quan được ủy quyền tại Việt Nam, có nguồn gốc rõ ràng, không trùng lặp và đã được kiểm toán/giám định mới có thể trở thành tài sản đảm bảo.

Tiếp theo chúng ta cần xây dựng hạ tầng kỹ thuật để quản lý và giám sát về “tín chỉ carbon” trong đó đầu tiên phải hướng tới hoàn thiện triển khai sàn giao dịch carbon quốc gia với hệ thống thanh toán – bù trừ – lưu ký tín chỉ, tích hợp dữ liệu phát thải từ doanh nghiệp và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Thứ hai chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tín chỉ carbon ghi nhận nguồn gốc tín chỉ và đơn vị sở hữu cũng như trạng thái tín chỉ (chưa sử dụng, đã giao dịch, đã bù trừ…).

Bên cạnh đó các ngân hàng và định chế tài chính cần nâng cao năng lực xây dựng và quản lý các sản phầm tài chính bền vững, triển khai quy trình nghiệp vụ thẩm định và quản lý tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo kèm theo các công tác theo dõi và xử lý tín chỉ carbon khi nợ xấu xảy ra.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tin-chi-carbon-va-tai-san-so-can-som-hoan-thien-khung-phap-ly-de-ho-tro-thi-truong-tai-chinh-163542.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

TPHCM rộn ràng chuẩn bị cho "ngày hội thống nhất non sông"
TPHCM sau ngày thống nhất đất nước
Màn trình diễn 10.500 drone trên bầu trời TP Hồ Chí Minh
Diễu binh 30.4: Góc nhìn thành phố từ biên đội trực thăng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm