Thương binh Nguyễn Viết Lâm chăm sóc đàn dê sinh sản.
Ở xã Mậu Lâm, nhắc đến thương binh Nguyễn Viết Lâm ai cũng biết đến ông như một người lính kiên cường trên chiến trường, một nông dân mẫu mực giữa thời bình. Ông từng tham gia chiến dịch giúp nước bạn Lào từ những năm đầu thập niên 80. Trong một trận tập kích, ông bị thương nặng, một bên phổi bị tổn thương hoàn toàn, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ thương tật được giám định là 61%.
Năm 1981, sau ngày trở về từ chiến trường, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Thảo - người phụ nữ cùng quê gắn bó với ông từ những năm tháng gian khó. Không có quà cưới là nhẫn vàng hay tiệc linh đình, tài sản duy nhất lúc đó là một chiếc ba lô cũ, một căn nhà gỗ dựng tạm và lòng tin son sắt vào nhau.
“Ngày ấy, mỗi khi trái gió trở trời, phổi đau nhức, người run rẩy như sốt rét, tôi chỉ nằm bẹp giường. Nhưng rồi nghĩ đến vợ, đến con thơ, tôi không cho phép mình gục ngã", ông Lâm kể, ánh mắt không giấu nổi sự xúc động khi nhắc về những ngày tháng đói cơm, thiếu áo.
Cơ hội lớn đến với ông Lâm khi chủ trương giao đất, giao rừng được triển khai. Năm 1988, ông mạnh dạn nhận 11,9ha đất rừng để khai hoang phục hóa. Không có vốn, ông “gõ cửa” ngân hàng xin vay ưu đãi theo diện chính sách dành cho thương binh. Có thời điểm, để đầu tư mở rộng sản xuất, ông phải mượn tới 3 sổ đỏ của người thân, bạn bè để thế chấp vay vốn ngân hàng. Có người lắc đầu ngán ngẩm: “Bệnh tật mà vay nợ nhiều thế, sao kham nổi!”.
Ban đầu, ông trồng dứa, cây trồng dễ phát triển nhưng phụ thuộc vào thị trường, giá bấp bênh, đầu ra không ổn định khiến dứa không như kỳ vọng. Ông chuyển sang trồng mía, rồi cuối cùng chọn cây keo làm cây chủ lực vì ít phải chăm sóc mà cho thu nhập đều đặn. Ông tính toán: “Keo sau 5 - 7 năm là có thể thu hoạch, mỗi ha thu về cả trăm triệu đồng. Trừ chi phí cũng lãi vài chục triệu mỗi đợt. Làm nông thì phải kiên trì, có lời là được”.
Đến nay, toàn bộ 11,9ha của ông đều được phủ kín cây keo. Cứ vài năm lại có một lứa keo được khai thác, cho thu nhập ổn định. “Nó như cuốn sổ tiết kiệm dài hạn, cứ chăm sóc đúng kỹ thuật thì đến kỳ lại có đồng ra đồng vào”, ông cười, chất giọng chân tình, mộc mạc.
Không chỉ dừng lại ở trồng rừng, ông Lâm còn đầu tư chăn nuôi để tận dụng phụ phẩm và tạo thu nhập ngắn hạn. Hiện, gia đình ông duy trì nuôi 30 con dê sinh sản, mỗi năm xuất bán vài chục con giống và dê thịt; nuôi 24 con bò, bê thương phẩm cùng nhiều lợn, gà thả vườn...
Không bỏ đất hoang, ông khai phá thêm 4 sào ruộng phục vụ nhu cầu gạo ăn cho gia đình. Ngoài ra, ông đào 5 sào ao nuôi cá trắm, rô phi, cá mè, kết hợp trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Ở cái tuổi sắp bước sang “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn khỏe mạnh, rắn rỏi, ngày ngày lấy ruộng nương làm bầu bạn. Với ông, lao động là cách tốt nhất để giữ vững tinh thần và sức khỏe.
“Thương binh không có nghĩa là chỉ biết sống bằng trợ cấp. Tôi luôn nghĩ mình còn có thể làm việc thì không được phép ngồi yên, không được làm phiền con cháu”, thương binh Nguyễn Viết Lâm tâm sự.
Không chỉ là trụ cột gia đình, ông còn là người đồng hành bền bỉ của phong trào nông dân tại địa phương. Ông từng giữ chức Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn suốt 20 năm liên tục. Trong thời gian đảm nhận vai trò này, ông là người đầu tiên triển khai mô hình vườn - ao - chuồng tại thôn, người đầu tiên trồng keo tập trung trên diện tích lớn. Ông không giữ bí quyết làm ăn cho riêng mình mà luôn sẵn lòng chia sẻ với bà con về kỹ thuật trồng rừng, cách chọn giống, phòng bệnh cho vật nuôi...
Vợ chồng ông Lâm có bốn người con, tất cả đều trưởng thành, đó chính là niềm tự hào và phần thưởng lớn nhất của ông bà sau bao năm tháng vất vả, tảo tần.
“Ngày xưa, hai vợ chồng chỉ mong con học đến nơi đến chốn, không phải đi làm thuê làm mướn là mừng rồi. Giờ chúng nó báo hiếu bằng sự thành đạt và hiếu thảo, tôi mãn nguyện rồi”, ông Lâm nói.
Từ một người lính trở về với vết thương trên cơ thể, ông Lâm đã làm nên một “cuộc hồi sinh” giữa đất rừng, góp phần dựng xây quê hương giàu đẹp. Bởi hơn ai hết, ông hiểu: Sống là để tiếp tục cống hiến, dù trong chiến tranh hay thời bình.
Bài và ảnh: Trần Giang
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/song-la-de-tiep-tuc-cong-hien-256166.htm
Bình luận (0)