Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sống mãi trong lòng nhân dân

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và 20 tháng Chạp, cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Nguyễn Nghiêm lại tề tựu về Di tích “Địa điểm 68 chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968”, ở tổ dân phố 1, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) để dâng hương và tổ chức lễ cúng liệt sĩ. Anh dũng hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi), 68 chiến sĩ cách mạng vẫn sống mãi trong lòng nhân dân.

Báo Quảng NgãiBáo Quảng Ngãi21/04/2025

Đã thành thông lệ, vào ngày 20 tháng Chạp, chính quyền địa phương và người dân tổ dân phố 1, phường Nguyễn Nghiêm, lại kính cẩn tổ chức giỗ chung cho 68 liệt sĩ tại Di tích “Địa điểm 68 chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968”. Di tích tọa lạc tại ngã ba đường Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Du, là nơi quân địch dồn 68 thi hài của chiến sĩ cách mạng đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, rồi tưới xăng đốt và lấp chung một hố.

Chính quyền và nhân dân phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) đều đặn tổ chức giỗ chung các liệt sĩ tại di tích. Ảnh: ĐVCC
Chính quyền và nhân dân phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) đều đặn tổ chức giỗ chung các liệt sĩ tại di tích. Ảnh: ĐVCC

“Các anh về với đất Mẹ ngay trong tết Mậu Thân. Vì vậy, chúng tôi chọn tháng Chạp để tổ chức lễ cúng giỗ tập thể để bày tỏ lòng tri ân. Lễ giỗ đầu tiên của 68 liệt sĩ được tổ chức năm 2002. Lúc đó, người dân chúng tôi nghĩ rằng, thờ cúng ông bà tổ tiên là cách người Việt tri ân đấng sinh thành, nuôi dưỡng mình, vậy thì càng phải tổ chức cúng giỗ các liệt sĩ để bày tỏ lòng tri ân với những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho độc lập dân tộc. Ý tưởng ấy, được những người sống xung quanh di tích thực hiện bằng mâm cúng đơn sơ, giản dị. Về sau, lễ giỗ chung các liệt sĩ được chính quyền địa phương cùng người dân tổ chức, với quy mô lớn hơn, nhiều người tham gia hơn. Với chúng tôi, đây là sự kiện rất đỗi thiêng liêng. Chúng tôi luôn kính cẩn ghi nhớ và chuẩn bị chu đáo cho lễ giỗ bằng tất cả tấm lòng”, ông Ngô Văn Thẩm (94 tuổi), ở tổ dân phố 1, phường Nguyễn Nghiêm bày tỏ.

Suốt 23 năm qua, ông Thẩm chưa bao giờ vắng mặt ở lễ giỗ chung của 68 liệt sĩ. Trong lòng ông Thẩm và những người góp mặt, góp công thực hiện lễ giỗ chung các liệt sĩ, hòa bình là xương máu của các thế hệ anh hùng. Biết ơn sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ, ngày giỗ chung 68 liệt sĩ tại Di tích “Địa điểm 68 Chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 trở thành dịp để cán bộ, nhân dân địa phương thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng tri ân.

Ở tuổi 94, thương binh 4/4 Huỳnh Chánh Nhạn, ở tổ dân phố 1, phường Nguyễn Nghiêm vẫn còn nhớ như in khoảnh khắc quy tập hài cốt 68 liệt sĩ tại Di tích “Địa điểm 68 chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968” cách đây gần 50 năm.

“Vị trí di tích bây giờ, ngày trước là Gò Khách, thuộc ấp Nam Lộ, xã Cẩm Thành, TX.Quảng Ngãi. Sau giải phóng, trong quá trình san ủi Gò Khách để làm mặt bằng xây dựng hợp tác xã, chính quyền địa phương phát hiện hài cốt. Lúc đó tôi là Thị đội trưởng Thị đội Quảng Ngãi, đã cùng với các đồng chí Thị đội phó, chính trị viên Thị đội Quảng Ngãi và chính quyền địa phương, nhân dân tổ chức đưa hài cốt 68 liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ Núi Bút, nay là Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Quảng Ngãi. Trong quá trình khai quật, cất bốc hài cốt, chứng kiến mỗi hài cốt đều có xiềng xích, nhiều người đã bật khóc”, ông Huỳnh Chánh Nhạn bồi hồi kể.

Người dân phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên đến dâng hương tại Di tích “Địa điểm 68 Chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968”. 				                                     Ảnh: Ý THU
Người dân phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) thường xuyên đến dâng hương tại Di tích “Địa điểm 68 Chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968”. Ảnh: Ý THU

Cách đây 57 năm, đúng vào lúc 2 giờ 30 phút, đêm giao thừa, ngày 31/1/1968 (rạng sáng ngày mùng Một tết Mậu Thân), các lực lượng vũ trang trong tỉnh đồng loạt nổ súng vào thị xã, thị trấn và các vùng phụ cận, mở màn cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trên chiến trường Quảng Ngãi.

Trong nội thị, quân ta đánh chiếm Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 ngụy diệt 1 đại đội bảo vệ và 1 đại đội biệt kích làm chủ phía đông đặc khu Quảng Ngãi. Đại đội đặc công 506B của Tỉnh đội được lệnh tấn công địch tại ngã 5 Quán Ấm, Đài Phát thanh, Tòa Hành chính tỉnh. Các đơn vị 506A, 21, 95 lần lượt đánh chiếm ga Ông Bố, nhà lao. Tại ngã 5 Quán Ấm, toàn khu vực bị địch rải thép gai bùng nhùng, nhiều lớp cản đường tiến công của ta. Các chiến sĩ phải dùng bộc phá ống, đánh liên tục làm dạt các lớp dây thép gai, tấn công và chiếm ngã 5 Quán Ấm.

Di tích “Địa điểm 68 chiến sĩ quân giải phóng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968”, ở tổ  dân phố 1, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) được UBND tỉnh khoanh vùng, bảo vệ từ năm 1993. Ngày 17/2/2025, di tích lịch sử ghi dấu tinh thần quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của 68 anh hùng liệt sĩ được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Các Tiểu đoàn 81, 83 và 20 tiến công mãnh liệt vào Sở Chỉ huy sân bay. Các trận chiến đấu diễn ra ác liệt, bộ đội chiếm từng góc nhà, từng dãy phố, bắn cháy 13 xe M.113, phá hủy nhiều lô cốt, đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch, diệt hơn 250 tên, giải thoát cho hàng nghìn người bị địch giam giữ.

Đến 21 giờ ngày 31/1/1968, tất cả các đơn vị được lệnh rút ra khỏi sân bay và thị xã. Riêng Tiểu đoàn đặc công 401 khi rút lui thì 68 chiến sĩ bị địch phát hiện. Các chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh. Thi hài của các chiến sĩ bị địch dồn lại tưới xăng đốt và lấp chung một hố tại Gò Khách, ấp Nam Lộ, xã Cẩm Thành, TX.Quảng Ngãi nay thuộc địa phận tổ 1, phường Nguyễn Nghiêm.

Sau hơn 10 năm kể từ khi tổ chức đưa hài cốt của 68 liệt sĩ về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Quảng Ngãi, tháng 12/1990, UBND TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi) đã xây dựng một phù điêu tại phường Nguyễn Nghiêm để tưởng niệm và tri ân 68 liệt sĩ đã hy sinh.

Hằng năm, ngoài tổ chức giỗ chung các liệt sĩ tại di tích vào ngày 20 tháng Chạp, chính quyền và nhân dân TP.Quảng Ngãi còn tổ chức lễ cúng và dâng hương vào ngày 27/7 để tri ân, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ. Sau các lễ cúng, dâng hương, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân phường Nguyễn Nghiêm đến Nghĩa trang Liệt sĩ TP.Quảng Ngãi để tiếp tục dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ. Trong nghĩa trang, mộ phần của 68 liệt sĩ đều chưa xác định được tên tuổi, quê quán. Họ là những anh hùng liệt sĩ mà người dân Quảng Ngãi chưa biết mặt, biết tên, nhưng tinh thần quả cảm, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, khiến họ sống mãi trong lòng nhân dân.

Bài, ảnh: Ý THU

 

Nguồn: https://baoquangngai.vn/xa-hoi/202504/song-mai-trong-long-nhan-dan-5b412dc/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại
Quán cà phê gây sốt với ly nước cờ Tổ quốc dịp lễ 30.4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm