2 giáo viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa đạt giải tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 trường đại học đang thực hiện công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Trung bình mỗi năm các trường đại học cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực khoảng trên 3.600 người. Ngoài ra, còn có khoảng 2.500 sinh viên là người Thanh Hóa tốt nghiệp các trường đại học ngoài tỉnh về làm việc tại địa phương.
Cùng với phát triển giáo dục đại học, 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Các trường xác định rõ những ngành nghề có thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh để tập trung xây dựng thành các khoa, ngành đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Đồng thời, xây dựng và ban hành chuẩn đầu ra đối với từng ngành, nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh đã tuyển sinh đào tạo, kèm cặp truyền nghề khoảng 334.576 người. Trong đó, trình độ cao đẳng có 16.004 người; trình độ trung cấp có 46.074 người; sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có 389.367 người. Tỷ lệ ra trường có việc làm bình quân đạt 90%, cá biệt có những nghề như: hàn, may thời trang, điện công nghiệp tỷ lệ có việc làm đạt 100%. Điều đó đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2021 tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 71%, thì đến năm 2024 đã tăng lên 74%.
Song song với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động của các sàn giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa và sàn giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương đã góp phần kết nối cung cầu lao động. Hơn nữa, việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Hiện tại, với 22.000 doanh nghiệp hoạt động đã giải quyết việc làm cho khoảng trên 440.000 người. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước giải quyết việc làm cho khoảng 13.658 người; doanh nghiệp dân doanh giải quyết việc làm cho 217.622 người; doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm cho khoảng 184.020 người. Ngoài ra, còn có 2.004 người nước ngoài đang làm việc trên địa bàn tỉnh.
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, song nhận thức về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở một số địa phương chưa đầy đủ và một số ngành nghề đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Mặt khác, lực lượng lao động lành nghề, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, tay nghề giỏi và các chuyên gia đầu ngành còn thiếu, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn. Đáng nói hơn là còn nhiều người chưa thực sự chủ động, tích cực học tập để trang bị cho bản thân một ngành nghề để sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Trong khi đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm trên 97%), sức cạnh tranh yếu, hoạt động thiếu hiệu quả nên khả năng thu hút lao động không cao. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực. Cùng với đó, chất lượng việc làm của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao và tính ổn định, bền vững của việc làm còn thấp.
Để nâng cao hiệu quả phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cung cấp cho các tỉnh, thành phố trong nước cũng như thị trường nước ngoài, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đồng thời, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là việc đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm quy mô, cơ cấu, trình độ, ngành nghề đào tạo hợp lý, gắn với chuẩn đầu ra, theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành nghề đang phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp và thành lập các trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài. Nâng cao năng lực hệ thống dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động, gắn với đẩy mạnh giải quyết việc làm. Đặc biệt, tỉnh cần triển khai đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ để phát huy, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Bài và ảnh: Mai Phương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/su-dung-nguon-nhan-luc-dap-ung-yeu-cau-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-245543.htm
Bình luận (0)