Sữa giả phức tạp hơn vẫn tưởng
Chỉ cần một vòng lướt qua mạng xã hội hoặc các sàn thương mại điện tử, người ta dễ dàng bắt gặp những loại "sữa" không rõ nguồn gốc, được quảng cáo với những lời có cánh như “giúp bé tăng 5cm sau 1 tháng”, “người già uống là đi lại nhanh nhẹn như thanh niên”, hay “sữa thảo dược đặc trị ung thư”, rồi nữa "uống xong là không cần phải đi gặp bác sĩ" (?).
Điều đáng nói là, phần lớn các sản phẩm này không có giấy chứng nhận của Bộ Y tế, không công bố tiêu chuẩn chất lượng và hoàn toàn không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho những lời hứa trên mây đó.
Câu chuyện nhiều sản phẩm của đường dây sữa giả 500 tỷ đồng vừa bị phát hiện lọt được cả vào Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - bệnh viện xếp hạng đặc biệt của quốc gia, tự nhận mình là “bên bị hại” của vụ việc (đúng hay không cũng lại là cả một câu chuyện), cho thấy sữa giả là một câu chuyện phức tạp hơn những gì mà các cơ quan quản lý và người tiêu dùng có thể nắm được.
Những gì lộ sáng của sữa giả cho thấy “đường đi lối lại” của sữa giả và mạng xã hội đích thị là anh em song sinh.
Tiếp tay quảng cáo sai sự thật: Mạng xã hội không thể vô can
Sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội với sự cạnh tranh thu hút các tài khoản, các trend, like giờ đây đã khiến mạng xã hội không còn là nơi chia sẻ cảm xúc hay kết nối người với người. Mạng xã hội giờ đây đã nghiễm nhiên được biến thành thành một “kênh bán hàng” khổng lồ.
Một "thương hiệu" của đường dây sữa giả 500 tỷ đồng vừa bị triệt phá |
Điều đáng quan ngại ở đây là, thay vì được xem như một công cụ hữu hiệu của thị trường thì mạng xã hội lại là nơi xuất hiện tràn lan của những quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Một phần không nhỏ của “cuộc khủng hoảng niềm tin” hiện nay bắt nguồn chính từ vai trò thụ động - thậm chí tiếp tay - của các nền tảng mạng xã hội.
Từ công cụ truyền thông đến "chợ trời quảng cáo"
Facebook, TikTok, YouTube hay Instagram – những nền tảng có hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam – đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các quảng cáo “bẩn”. Các hội nhóm, fanpage, thậm chí tài khoản cá nhân với lượng theo dõi lớn được tận dụng để “review” sản phẩm mà không cần kiểm chứng.
Sữa tăng chiều cao, thuốc giảm cân, nước uống thanh lọc gan, thực phẩm chức năng - tất cả được thổi phồng công dụng, đi kèm với lời giới thiệu như “thần dược”, “được chuyên gia khuyên dùng” dù không có bằng chứng khoa học.
Điều đáng lo ngại là chính thuật toán của mạng xã hội lại góp phần khuếch đại vấn đề, những KOL thừa sự hoạt ngôn nhưng hoàn toàn thiếu sự công tâm để trở thành cái loa cho những sản phẩm sữa giả. Để rồi, “chợ trời quảng cáo” này không chỉ len lỏi nữa mà đã tràn ngập trước tâm can của cư dân mạng.
Nội dung càng gây tò mò, càng có tính lan truyền, càng được ưu tiên hiển thị. Kết quả là các video, clip, bài viết chứa thông tin sai lệch, giật gân lại dễ dàng tiếp cận hàng triệu người chỉ sau vài giờ. Những lời cảnh báo, đính chính vốn đã hiếm hoi mà nếu có, nhanh chóng bị chìm nghỉm giữa “rừng” thông tin rác.
Liệu các nền tảng mạng xã hội với chân dung của thời hiện đại có đang vô can? Câu trả lời là không. Trong khi họ tích cực kiếm lợi từ quảng cáo, thì việc kiểm soát nội dung lại hời hợt hoặc chỉ thực hiện sau khi bị phản ánh.
Việc gỡ bỏ, cảnh báo hay khóa tài khoản vi phạm vẫn quá chậm và thiếu chế tài hiệu quả. Hiện, chưa có cơ chế rõ ràng buộc các nền tảng phải chịu trách nhiệm liên đới khi người dùng bị thiệt hại vì thông tin sai lệch xuất phát từ nền tảng của họ.
"Con dao hai lưỡi" với người tiêu dùng
Mạng xã hội nay đã không còn giấu giếm hình hài là con dao hai lưỡi. Nó có thể trở thành công cụ truyền tải thông tin hữu ích, nhưng cũng dễ dàng trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho quảng cáo sai sự thật lộng hành.
Khi các nền tảng tiếp tục ưu tiên lợi nhuận hơn sự thật, người tiêu dùng cần tỉnh táo hơn bao giờ hết, cho dẫu tình trạng bất cân xứng thông tin khiến người tiêu dùng khó lòng thoát ra khỏi ma trận quảng cáo. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh mẽ hơn để buộc mạng xã hội không thể đứng ngoài cuộc.
Sữa giả vẫn “sống khỏe” ở Việt Nam một phần vì kẽ hở trong quản lý, một phần vì lòng tin và sự thiếu thông tin của người tiêu dùng. Khi niềm tin bị lợi dụng để trục lợi, người chịu thiệt luôn là những người yếu thế - trẻ nhỏ và người già. Đã đến lúc phải hành động mạnh tay để chấm dứt những “lời quảng cáo trên mây” đang đầu độc thị trường và sức khỏe cộng đồng. |
Nguồn: https://congthuong.vn/sua-gia-tung-hoanh-nho-cho-troi-quang-cao-mang-xa-hoi-384036.html
Bình luận (0)