Đắk Lắk, “thủ phủ cà phê” của Tây Nguyên, nổi tiếng với đất đỏ bazan màu mỡ, tài nguyên rừng đa dạng, cùng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như hồ tiêu, cao su, sầu riêng. Trong khi đó, Phú Yên lại sở hữu bờ biển dài, tài nguyên biển phong phú, các cảng biển tiềm năng và ngành du lịch biển đảo đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn trao đổi với nhà đầu tư về các tiềm năng phát triển của tỉnh, đặc biệt là du lịch biển. Ảnh: Hồ Như |
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tạ Anh Tuấn, tỉnh, Đắk Lắk (mới) là một tỉnh có quy mô tương đối lớn, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về an ninh - quốc phòng cũng như kinh tế - xã hội. Hiện nay, diện tích của Đắk Lắk đứng thứ ba cả nước với hơn 18.000 km², dân số hơn 3,3 triệu người, có đường biên giới dài trên 71 km và bờ biển trải dài 189 km. Đắk Lắk (cũ) trước đây là trung tâm vùng Tây Nguyên và Phú Yên (cũ) cũng là tỉnh trung tâm của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là đầu mối giao thông kết nối từ Bắc vào Nam, từ Tây Nguyên xuống Nam Trung Bộ. Chính vì vậy, không gian phát triển của tỉnh là rất lớn. Tỉnh có điều kiện phát triển về kinh tế biển, đặc biệt là những ngành có giá trị gia tăng cao như luyện kim, hóa dầu, năng lượng tái tạo, cơ sở dữ liệu lớn... Bên cạnh đó, phát triển du lịch và dịch vụ gắn với rừng, biển và bản sắc văn hóa cũng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Đắk Lắk có 19 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng số vốn 9.689 tỷ đồng. Trong đó, riêng Dự án đầu tư Khu công nghiệp Hòa Tâm do Tập đoàn Hòa Phát thực hiện có tổng vốn đầu tư hơn 4.188 tỷ đồng. |
Với diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và điều kiện khí hậu thuận lợi, kết hợp với hạ tầng chế biến và logistics ngày càng được cải thiện, tỉnh Đắk Lắk sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi giá trị nông sản khép kín. Các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, trái cây nhiệt đới không chỉ được sản xuất với chất lượng cao hơn, mà còn có thể dễ dàng tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua cảng biển.
Sự hợp nhất giữa hai tỉnh đã tạo ra một trung tâm hành chính mới với quy mô lớn hơn, đa dạng hơn về địa hình và tài nguyên, từ đó mở rộng đáng kể “dư địa” trong thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư giờ đây có thể nhìn thấy một bức tranh tổng thể hơn, nơi họ có thể phát triển các dự án liên ngành, tận dụng lợi thế kép từ cả rừng và biển.
Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa du lịch sinh thái rừng núi, văn hóa Tây Nguyên đặc sắc của Đắk Lắk (cũ) với du lịch biển, nghỉ dưỡng, khám phá di sản của Phú Yên (cũ) sẽ tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Các dự án đầu tư vào hạ tầng du lịch, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu vui chơi giải trí phức hợp sẽ có tiềm năng phát triển vượt trội. Việc có cả nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản dồi dào, cùng với hệ thống cảng biển sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến. Những nhà máy chế biến nông sản, hải sản, gỗ... có thể được đặt tại các khu công nghiệp gần cảng biển, tối ưu hóa chi phí vận chuyển và xuất khẩu. Đồng thời, ngành logistics cũng sẽ được đầu tư mạnh mẽ để kết nối các vùng nguyên liệu với các trung tâm chế biến và xuất khẩu.
Hạ tầng đầu tư khang trang, hiện đại là một trong những điểm nhấn trong thu hút đầu tư của tỉnh. Ảnh: K. Lê |
Ngoài ra, với tiềm năng về năng lượng mặt trời ở Đắk Lắk (cũ) và năng lượng gió ven biển ở Phú Yên (cũ) cũng là lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư trong xu hướng phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng.
Ông Trần Thiệu Nhã, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk, Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) Chi nhánh Tây Nguyên – Nam Trung Bộ chia sẻ: “Khi hai tỉnh sáp nhập sẽ tạo ra những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk. Trước đây, khi làm việc, chúng ta chỉ nói đến đặc thù của Tây Nguyên, nhưng bây giờ sẽ nói về một khu vực thống nhất. Điều này tạo cơ hội lớn trong kết nối giao thương. Khi trở thành một, chúng ta có nhiều cơ hội để quảng bá sản phẩm một cách đa dạng hơn. Bên cạnh đó, cơ hội để phát triển ngành du lịch là rất lớn. Trước đây đến Đắk Lắk, du khách chỉ có trải nghiệm thác, rừng hoặc đặc sản Tây Nguyên. Tuy nhiên hiện nay, tỉnh Đắk Lắk (mới) sẽ có những sản phẩm và những thứ mà các nơi khác không thể có được, đây là một lợi thế rất lớn sau khi sáp nhập”.
Khả Lê - Hồ Như
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202507/suc-bat-moi-tu-hop-nhat-bc411fc/
Bình luận (0)