Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sức bật từ quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước

Mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước cần được vận hành linh hoạt, chấp nhận rủi ro đúng như tên gọi của nó

Người Lao ĐộngNgười Lao Động16/07/2025

TP Hà Nội đang xúc tiến thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, qua đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN) và hệ sinh thái khởi nghiệp của thủ đô.

Nguồn vốn "mồi" quý

Theo dự thảo đề án, quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ được hình thành với vốn điều lệ ban đầu dự kiến 2.000 - 2.500 tỉ đồng từ ngân sách thành phố (chiếm không quá 49%); hoạt động theo mô hình vốn "mồi" để thu hút thêm nguồn lực từ nhà đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Khác với quỹ tư nhân hoạt động vì lợi nhuận, mục tiêu cốt lõi của quỹ này là cung cấp nguồn vốn chiến lược và hỗ trợ phi tài chính giúp doanh nghiệp (DN) có thể khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm KH-CN, tăng năng lực cạnh tranh. 

Với mô hình "fund of funds", quỹ đầu tư mạo hiểm của Hà Nội sẽ đầu tư vào các quỹ chuyên ngành - như quỹ công nghệ, quỹ y tế, quỹ giáo dục... - thay vì đầu tư trực tiếp vào từng DN, qua đó giảm rủi ro, tăng tính chuyên môn hóa và huy động hiệu quả nguồn lực xã hội.

Điểm đáng chú ý là nhà nước có vai trò dẫn dắt trong khâu định hướng chiến lược, không can thiệp vào hoạt động đầu tư cụ thể.

Thực tế, một số quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như IDG Ventures Vietnam, ThinkZone Ventures, VinVentures... đã góp phần hỗ trợ khởi nghiệp song do đa phần là quỹ tư nhân nên mục tiêu chính là lợi nhuận. Mặt khác, quỹ tư nhân khó có thể bao phủ những lĩnh vực trọng yếu mà Hà Nội muốn ưu tiên như trí tuệ nhân tạo (AI), chất bán dẫn, công nghệ y sinh, giao thông thông minh, đô thị thông minh...

Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, thành phố đang thiếu công cụ để lấp đầy khoảng trống đầu tư cho các lĩnh vực rủi ro cao mà các quỹ tư nhân chưa sẵn sàng tham gia. Việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm là bước đi cần thiết, nhằm dẫn dắt, kích hoạt dòng vốn xã hội và khơi thông nguồn lực đổi mới sáng tạo.

Với TP HCM, việc cho phép thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước, theo kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 57/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do Thành ủy TP HCM ban hành, cũng đem lại kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho DN công nghệ. Đại diện Sở KH-CN TP HCM cho biết sở đang nghiên cứu xây dựng mô hình quỹ này.

Sức bật từ quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước- Ảnh 1.

Việc hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp start-up công nghệ dễ tiếp cận vốn hơn. Ảnh: LÊ TỈNH

Cần hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ

Đánh giá cao sáng kiến thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đề xuất triển khai thêm các chính sách đi kèm như miễn thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập cá nhân trong hoạt động tái đầu tư, có cơ chế tái cấp vốn, thanh khoản thứ cấp... Đây là những chính sách đã được áp dụng thành công ở những quốc gia khởi nghiệp sáng tạo thành công như Israel, Singapore, Hàn Quốc...

Ông Bùi Thành Đô, Giám đốc điều hành Quỹ ThinkZone Ventures, đánh giá mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm của Hà Nội hoàn toàn có thể tạo sức bật, thu hút nhà đầu tư tư nhân - nhất là trong bối cảnh các quỹ đang cân nhắc chuyển vốn sang địa phương có chính sách hấp dẫn hơn. Việc thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm không chỉ mang ý nghĩa tài chính mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong điều hành chính sách, chuyển từ "cho - cấp" sang "dẫn dắt và hợp tác công - tư".

Theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, nguồn vốn ban đầu từ ngân sách với vai trò vốn "mồi" sẽ kích hoạt, thu hút và dẫn dắt các dòng vốn đầu tư vào KH-CN, đổi mới sáng tạo.

"Các chính sách để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo còn chưa tương xứng với kỳ vọng về lĩnh vực này. Trong bối cảnh quỹ đầu tư mạo hiểm còn khá hiếm, hy vọng quỹ do TP Hà Nội thành lập sẽ tập trung đầu tư vào những dự án có tiềm năng tăng trưởng đột phá, tạo ra tác động xã hội tích cực" - PGS Lạng bày tỏ.

Góp ý thêm, ông Lạng cho rằng cần có cơ chế quản lý quỹ linh hoạt, theo đó nhà nước nắm vai trò chủ đạo trong định hướng chiến lược, kiểm tra, giám sát và phải chấp nhận rủi ro - đúng như tên gọi của quỹ.

TS Võ Hải Long, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cũng cho rằng đích đến của quỹ đầu tư mạo hiểm của nhà nước là cấp được vốn và tạo được hệ sinh thái cho đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp. Do đó, ông kỳ vọng quỹ này cùng các văn bản hướng dẫn sẽ phản ánh đúng tinh thần "đầu tư mạo điểm" và hiệu quả được nhìn nhận ở góc độ tác động tích cực đến hệ sinh thái khởi nghiệp.

Về quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách của TP HCM, ThS Phạm Mạnh Cường, nhà sáng lập Công ty TNHH Wischain, kỳ vọng sẽ có quy mô vốn đủ lớn, cơ chế vận hành linh hoạt và phạm vi hỗ trợ rộng để DN khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực có thể tiếp cận. 

"Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm đang áp dụng các tiêu chí xét chọn khá cứng nhắc, khiến không ít start-up tiềm năng không thể tiếp cận được nguồn vốn, nhất là DN công nghệ mới như AI, blockchain..." - ông Cường nêu thực tế. Đồng thời, ông kiến nghị minh bạch tiêu chí lựa chọn, quy trình thẩm định, giải ngân và đưa công nghệ vào để tự động hóa các bước.

Cũng theo ông Cường, bên cạnh hỗ trợ tài chính, các start-up cần một hệ sinh thái đồng bộ, bao gồm mặt bằng thuận lợi để thử nghiệm và triển khai sản phẩm, hành lang pháp lý rõ ràng cho các công nghệ mới... 

"Nếu không có không gian phát triển, không được nhìn nhận đúng giá trị trên thị trường thì start-up rất khó tồn tại. Bên cạnh đó, quỹ đầu tư mạo hiểm cần kết nối thêm với các nhà đầu tư tư nhân, tổ chức trong và ngoài nước để hình thành mạng lưới cộng đồng đầu tư, giúp tăng quy mô vốn và giảm rủi ro" - ông Cường gợi ý. 

Tổ chức đầu tiên tham gia đề án CoE

Sở KH-CN TP HCM mới đây công bố Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR) thuộc ĐHQG TP HCM là tổ chức KH-CN công lập đầu tiên được phê duyệt tham gia đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế (đề án CoE). 

Đồng thời, nhận khoản tài trợ 85 tỉ đồng từ UBND TP HCM để thực hiện mục tiêu xây dựng trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực vật liệu xốp tiên tiến.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-bat-tu-quy-dau-tu-mao-hiem-cua-nha-nuoc-196250715211259386.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm