Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sức sống mới bên dòng Đà Giang

Nhường đất cho công trình thủy điện Sơn La, vùng quê tái định cư Chiềng Lao, huyện Mường La hôm nay đang chuyển mình, với cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, nông dân biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gắn với thế mạnh địa phương, xây dựng thương hiệu và liên kết thành lập các HTX đa ngành nghề, đưa Chiềng Lao vươn lên.

Báo Sơn LaBáo Sơn La22/05/2025

HTX Nông nghiệp Chiềng Lao trưng bày giới thiệu sản phẩm mật ong đá tại địa phương.

Đòn bẩy từ nông nghiệp và lao động

Chiềng Lao cách trung tâm huyện Mường La khoảng 25 km, là nơi sinh sống của 2.242 hộ, với trên 10.700 nhân khẩu ở 18 bản, chủ yếu là các dân tộc Thái, Mông và La Ha. Mang đặc trưng của một vùng ven sông, Chiềng Lao được phân chia thành các vùng kinh tế rõ rệt. Vùng thấp có 15 bản, bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và La Ha, sinh sống dọc sông, tập trung khai thác tiềm năng mặt nước để nuôi thủy sản, phát triển sản xuất nông nghiệp, một số các hộ khu vực trung tâm phát triển đa dạng thương mại, dịch vụ. Vùng cao có 3 bản, bà con tập trung trồng các cây trồng lương thực, phát triển nuôi ong đá tự nhiên.

Dựa trên đặc thù từng vùng, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi và khai thác thế mạnh địa phương. Nhiều nông dân chủ động liên kết sản xuất, biến tiềm năng sẵn có thành hiệu quả kinh tế, ngày càng có nhiều tấm gương vươn lên làm giàu.

Chiềng Lao bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc.

Nông dân Quàng Văn Hiến, bản Nà Noong trở thành tỷ phú nhờ phát triển chăn nuôi lợn thương phẩm. Ông Hiến chia sẻ: Năm 2016, tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xây dựng chuồng nuôi lợn quy mô 200 con lợn/năm. Hiện tại, gia đình đã mở rộng 2 khu chăn nuôi, tổng diện tích trên 700 m2, nuôi hơn 400 con lợn thương phẩm/năm, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.

Còn HTX Nông nghiệp Chiềng Lao là một trong những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu, nổi tiếng với sản phẩm mật ong đá đạt chứng nhận OCOP 4 sao và được công nhận là sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trong hai năm liên tiếp 2023-2024.

Anh Vạ A Sịa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Chiềng Lao, chia sẻ: Trước đây, mật ong đá chủ yếu được các hộ dân khai thác nhỏ lẻ dùng trong gia đình. Các thành viên HTX đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các bản vùng cao dân tộc Mông cách tạo hốc trên núi đá cho ong làm tổ và khai thác mật tự nhiên. Hiện nay, toàn xã có 105 hộ tham gia, với quy mô khoảng 2.000 tổ, sản lượng ước đạt 10 tấn mật ong/năm, giá bán 80.000-150.000 đồng/kg, tạo sinh kế, tăng thu nhập ổn định cho bà con dân tộc thiểu số.

Bà con nơi đây, duy trì nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Toàn xã có 2 HTX nuôi thủy sản, hàng chục hộ nuôi quy mô gia đình, tổng số 258 lồng cá các loại, năng suất bình quân 5,5 tạ/ha, sản lượng ước tính 140 tấn/năm. Cá thương phẩm của các HTX, hộ kinh doanh cung cấp tại địa phương, cung cấp cho một số nhà hàng, thương lái tiêu thụ tại các tỉnh thành lân cận, như: Lai Châu, Hòa Bình, Hà Nội,...

Nhà văn hóa cộng đồng dân tộc La Ha khu dân cư Tạng Khẻ, xã Chiềng Lao, huyện Mường La được xây dựng khang trang. 

Nông dân xã Chiềng Lao còn chủ động tìm kiếm việc làm ngoài địa phương. Hiện nay, có hơn 1.400 người trong tổng số 6.200 người trong độ tuổi lao động của xã, đang làm việc tại các khu công nghiệp trong nước, mang lại thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Đổi thay trên vùng tái định cư

Giai đoạn 2021-2025, hạ tầng nông thôn của xã Chiềng Lao được quan tâm đầu tư, huy động hơn 77 tỷ đồng xây dựng các công trình trọng điểm như: Chợ trung tâm xã, hệ thống nước sinh hoạt, điểm sắp xếp dân cư, nhà lớp học cho các điểm trường, đường giao thông và nhà văn hóa. Huy động các nguồn lực hỗ trợ xóa 31 nhà tạm, dột nát; xây dựng 8 phòng học, nhà công vụ giáo viên; 158 nhà tiêu hợp vệ sinh, nâng cấp, làm mới hơn 11,8 km đường giao thông nông thôn liên xã, liên bản...

Đường nội bản Tà Sài, xã Chiềng Lao được đổ bê tông sạch, đẹp. 

Đến nay, xã có 2 bản nông thôn mới, 81,25% số bản có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,9% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 6,25% số bản có nhà sinh hoạt cộng đồng và 100% số bản có đội văn hóa, văn nghệ.

Những năm qua, đời sống của nhân dân cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã giảm từ 47,6%, năm 2019 xuống còn 22,18%, năm 2024; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 23,2 triệu đồng/người/năm. Xã Chiềng Lao thoát nghèo vào năm 2022, có 14/18 bản không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Ông Quàng Văn Phanh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Tà Sài, chia sẻ: Năm 2024, được sự hỗ trợ của Nhà nước, bản huy động bà con đóng góp 280 ngày công, hiến hơn 2.200 m² đất mở rộng đường nội bản dài 500 m; triển khai công trình đường nội đồng dài 1,5 km. Đến nay, 80% đường nội bản được bê tông hóa, 60% đường vào khu sản xuất được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho việc đi lại sản xuất của nhân dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới.

Mô hình nuôi lợn thương phẩm của hộ ông Quàng Văn Hiến, bản Nà Noong cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Nói về các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bà Quàng Thị Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Lao, cho biết: Xã tiếp tục khuyến khích các gia đình áp dụng mô hình chăn nuôi khép kín, đảm bảo an toàn sinh học; chú trọng phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm chủ lực của địa phương... Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con đi làm việc tại các khu công nghiệp hoặc tham gia xuất khẩu lao động, có thu nhập ổn định.

Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/suc-song-moi-ben-dong-da-giang-A5J4ajaNg.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm