Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường hệ thống cảnh báo bảo mật trên ứng dụng ngân hàng số

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện nay, hơn 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán. Nhiều ngân hàng có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Song, cùng với những tiện ích của sự phát triển ngân hàng số, cũng gia tăng rủi ro trong giao dịch online. Tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản đang có xu hướng phát triển thông qua hai hình thức: lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền của khách hàng và lừa đảo thông qua chiếm đoạt thông tin đăng nhập và mã xác thực. Đối với lừa đảo chiếm đoạt trực tiếp tiền của khách hàng, tội phạm lợi dụng các kênh truyền thông phổ biến để tấn công vào tâm lý của khách hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cho tài khoản lừa đảo.

Báo Nam ĐịnhBáo Nam Định11/04/2025

Khách hàng giao dịch tín dụng tại LPBank Chi nhánh Nam Định.
Khách hàng giao dịch tín dụng tại LPBank Chi nhánh Nam Định.

Là một trong các ngân hàng tiên phong trong việc thực thi các giải pháp để đáp ứng yêu cầu về làm sạch dữ liệu, ngăn chặn rủi ro, bảo vệ khách hàng của NHNN, hệ thống Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên địa bàn tỉnh đã triển khai tính năng Smart Alert trên ứng dụng BIDV SmartBanking, cho phép tự động nhận diện và cảnh báo cho người dùng ứng dụng ngân hàng khi chuyển tiền đến số tài khoản có dấu hiệu nghi ngờ rủi ro. Theo đó, khi khách hàng nhập số tài khoản người nhận, hệ thống sẽ tự động dò quét với cơ sở dữ liệu do cơ quan chức năng cung cấp (Bộ Công an, NHNN…). Trường hợp phát hiện tài khoản nằm trong danh sách nghi ngờ gian lận, hệ thống lập tức bật thông báo về việc tài khoản nhận có thể thuộc danh sách nghi ngờ rủi ro và cảnh báo khách hàng cân nhắc khi thực hiện giao dịch. Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định cũng phát triển tính năng cảnh báo rủi ro về bảo mật trên app VPBank NEO. Với tính năng cảnh báo nói trên, VPBank NEO sẽ đưa ra cảnh báo ngay khi khách hàng bắt đầu mở ứng dụng và hướng dẫn cách để tắt các tính năng tiềm ẩn nguy cơ nếu phát hiện thiết bị của khách hàng đang cấp quyền trợ năng cho các app hoặc có nguy cơ bị truy cập/điều khiển từ xa. Ví dụ như hướng dẫn tắt quyền trợ năng trên điện thoại Android, đồng thời chặn không cho phép các thiết bị giả lập sử dụng app ngân hàng. Ngoài ra, app VPBank NEO còn có thể tự động chặn tiền chuyển đi vào các tài khoản trong danh sách đen bị nghi ngờ là lừa đảo, tránh tình huống khách hàng mất tiền do bị lừa đảo.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp khách hàng thêm an tâm khi chuyển tiền trên ứng dụng MBBank. Đây là tính năng đặc biệt hữu ích trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, với các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi. Việc MB triển khai thêm tính năng này, nhằm cung cấp dịch vụ ngân hàng an toàn và bảo mật cho từng khách hàng. Theo đó, khi thao tác chuyển tiền, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp người nhận là tài khoản lừa đảo. Điều này cho phép khách hàng dễ dàng chặn các giao dịch lạ, nghi ngờ, giúp bảo vệ an toàn tài khoản và tài sản của mình. Ngoài ra, app MBBank có khả năng chủ động phát hiện và cảnh báo ngay cho khách hàng khi điện thoại có dấu hiệu bị các phần mềm độc hại xâm nhập và chiếm quyền. Công nghệ tiên tiến này tiếp tục củng cố thêm cho mục tiêu “bảo vệ ví tiền” của ngân hàng này. Bên cạnh công nghệ App Protection, với mục tiêu đặt sự an toàn giao dịch của khách hàng lên hàng đầu, MB cũng luôn cải tiến các lớp phòng vệ vững chắc cho từng giao dịch như mật khẩu, D-OTP, công nghệ xác thực sinh trắc học, cảnh báo tài khoản lừa đảo dựa vào thông tin do Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cung cấp. Cùng với đó, các ngân hàng như: Vietcombank, Techcombank, VPBank... đã phát hành gói bảo hiểm giao dịch gian lận thẻ, giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro khi thẻ tín dụng bị đánh cắp hoặc sử dụng trái phép. Khi sử dụng gói bảo hiểm này, khách hàng được hoàn trả số tiền bị mất do giao dịch gian lận trong trường hợp bị đánh cắp dữ liệu hoặc giao dịch không được chủ thẻ thực hiện, với mức phí dao động từ 10-50 nghìn đồng/tháng, tùy vào giá trị bảo hiểm.

Thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính với nhiều hình thức thể hiện đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và có tính lan tỏa; trong đó cần hướng đến người dân vùng nông thôn người nghèo, giới trẻ, học sinh, sinh viên... để nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân khi sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, giúp giảm thiểu rủi ro cho khách hàng, từ đó hình thành cộng đồng tài chính tốt. Tăng cường an toàn hệ thống bảo mật kỹ thuật đã triển khai như: Giải pháp xác thực khách hàng giao dịch Internet Banking theo mức độ rủi ro của giao dịch (loại giao dịch, số tiền giao dịch); giải pháp xác thực 3D Secure với giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến; giải pháp giám sát, cảnh báo về giao dịch đáng ngờ dựa vào các tiêu chí tối thiểu gồm: Thời gian giao dịch, địa điểm giao dịch (vị trí địa lý, địa chỉ IP mạng), tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần xác thực sai quy định để có biện pháp ngăn chặn, cảnh báo đến khách hàng. Bên cạnh đó, NHNN cần tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán để phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm. Đồng thời, cần tăng tốc triển khai Đề án 06, từ đó làm sạch dữ liệu khách hàng, khai thác hiệu quả dữ liệu căn cước công dân gắn chíp trong xác minh thông tin nhận biết khách hàng... đối với hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán/thẻ ngân hàng. Về phía các tổ chức tín dụng, thường xuyên cập nhật, nắm bắt các thủ đoạn tấn công, lừa đảo, đồng thời tăng cường các biện pháp giám sát, theo dõi hoạt động của hệ thống quan trọng và các Core Banking, ATM, cổng, trang tin điện tử, hệ thống Internet Banking để kịp thời phát hiện và chủ động xử lý; thực hiện dò quét, đánh giá về an ninh các ứng dụng cung cấp trên mạng internet của đơn vị để phát hiện, khắc phục lỗ hổng bảo mật.

Về phía người dân đang sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng, để tránh bị rủi ro mất tiền trong tài khoản cần lưu ý: Tuân thủ quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến, đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch; đối với mật khẩu truy cập dịch vụ giao dịch trực tuyến cần đặt mật khẩu khó đoán, đảm bảo quy tắc an toàn, thay đổi mật khẩu thường xuyên và không sử dụng các tính năng lưu mật khẩu để đăng nhập tự động; không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực (mã OTP) qua điện thoại, email, mạng xã hội, web... cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập/mật khẩu, khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời; trường hợp bị mất thẻ cần khóa thẻ trên ứng dụng ngân hàng điện tử hoặc thông báo tới ngân hàng càng sớm càng tốt, tránh nguy cơ mất tiền trong tài khoản. Đăng nhập gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn; chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng và chỉ cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như Google Play và App Store. Giữ kín thông tin cá nhân, thông tin tài khoản; thường xuyên theo dõi, cập nhật cảnh báo về an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ ngân hàng cung cấp dịch vụ và từ các phương tiện truyền thông đại chúng.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202504/tang-cuong-he-thong-canh-bao-bao-mat-tren-ung-dung-ngan-hang-so-6983b29/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm