Chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, trong Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đề ra nhiều biện pháp cụ thể bảo vệ môi trường (BVMT) như: Kiểm soát ô nhiễm bằng việc xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, rác thải; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông; phát triển hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích sử dụng phương tiện xanh...
Trong quy hoạch chung của tỉnh cũng đã bố trí các vị trí để xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã đầu tư lắp đặt 6 trạm quan trắc môi trường tự động (3 trạm quan trắc không khí và 3 trạm quan trắc môi trường nước) và hằng năm, tỉnh đều triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trắc hiện trạng môi trường, báo cáo kết quả quan trắc về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường) theo quy định.
Hoạt động thẩm định, cấp phép trong lĩnh vực BVMT được tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; các thủ tục hành chính về môi trường được rút ngắn thời gian hơn nhiều so với quy định của Chính phủ, đặc biệt, một số thủ tục giảm gần 50% thời gian giải quyết theo quy định của Trung ương, cụ thể: Thủ tục thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường 14 ngày (theo quy định là 30 ngày). Từ năm 2022 đến 2024, UBND tỉnh đã thẩm định phê duyệt 227 báo cáo đánh giá tác động môi trường; 250 hồ sơ cấp giấy phép môi trường.
Hoạt động kiểm soát ô nhiễm đối với các nguồn thải được đẩy mạnh góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý môi trường, giảm thiểu ô nhiễm từ các nguồn thải trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, tổng lượng nước thải từ KCN phát sinh khoảng 27.656 m3 /ngày đêm.
Trong đó, có 7 KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế 38.500m3/ngày đêm. 100% chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại và nước thải được các đơn vị ký hợp đồng vận chuyển, xử lý theo quy định.
Chất lượng nước thải sau xử lý từ các KCN đều đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A trước khi thải vào nguồn tiếp nhận. 7/7 KCN này đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường theo dõi, giám sát.
Đối với các cụm công nghiệp (CCN), hiện nay chỉ có 3 CCN đang hoạt động gồm CCN Yên Đồng, Tề Lỗ, Hùng Vương có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; các CCN còn lại, tỉnh đang từng bước xã hội hóa và giao chủ đầu tư hạ tầng hoàn thiện hạ tầng thu gom và xử lý chất thải.
Tuy nhiên, việc xây dựng hạ tầng xử lý nước thải còn chậm, chủ yếu do công tác bồi thường - giải phóng mặt bằng còn chậm và kéo dài. Việc chấp hành các quy định về BVMT tại các làng nghề, trong các hộ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều hạn chế, cơ bản chưa có hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định; công tác quản lý, xử lý chất thải phát sinh chưa đảm bảo quy định. Hiện nay, còn một số nguồn thải chưa được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là các nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, chủ yếu do chính quyền cấp xã chưa quan tâm, chỉ đạo...
Với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các năm tiếp theo ở mức 2 con số, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài các KCN, CCN chuyển đổi xanh; chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc đã xuống cấp kịp thời sửa chữa, nâng cấp và xây mới nếu không sẽ không cho thu hút các dự án đầu tư mới vào KCN, CCN.
Nâng cao hiệu quả công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm định, kiểm tra cấp giấy phép môi trường cho các cơ sở, dự án; kiên quyết từ chối các dự án có nguồn thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghệ lạc hậu; thực hiện có hiệu quả chương trình quan trắc hiện trạng môi trường hằng năm.
Rà soát các cơ sở sản xuất trong làng nghề, đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường và xây dựng kế hoạch buộc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định...
Bài, ảnh: Lưu Nhung
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/125951/Tang-cuong-kiem-soat-nguon-thai-nguy-co-gay-o-nhiem-moi-truong
Bình luận (0)