Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng mùa nắng nóng

Hiện tại đang bắt đầu vào đợt cao điểm mùa nắng nóng năm 2025, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Do vậy, các ban quản lý rừng trên địa bàn tỉnh đang triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao khả năng phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), bảo vệ rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị14/05/2025

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, kiểm tra công tác PCCCR tại lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Thạch Hãn - Ảnh: L.A

Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực (RPHLV) sông Thạch Hãn được giao quản lý, bảo vệ và phát triển hơn 7.700 ha rừng; trong đó có gần 4.080 ha rừng tự nhiên và gần 3.050 ha rừng trồng. Xác định công tác bảo vệ rừng, PCCCR luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch PCCCR, đặc biệt là các tháng nắng nóng cao điểm; kiểm tra hệ thống đường băng cản lửa, biển báo cảnh báo cháy rừng; chuẩn bị phương án huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có cháy xảy ra.

Chỉ đạo các trạm quản lý bảo vệ rừng thực hiện nghiêm túc lịch trực, kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng, PCCCR đã xây dựng cụ thể từng trạm; bảo dưỡng các trang thiết bị, dụng cụ máy móc phục vụ chữa cháy rừng đảm bảo huy động sẵn sàng 100% khi có cháy rừng xảy ra.

Tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR với UBND các xã Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Lệ, Triệu Thượng; các Hạt kiểm lâm Hải Lăng, liên huyện Triệu Phong - thị xã Quảng Trị; Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Triệu Hải và các đơn vị chức năng; các chủ rừng thuộc huyện Phong Điền, thành phố Huế. Yêu cầu các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng, trực PCCCR 24/24 giờ trong mùa khô để phát hiện, xử lý kịp thời các vụ cháy rừng xảy ra.

Phó Giám đốc Ban Quản lý RPHLV sông Thạch Hãn Trương Quang Ngọc thông tin, hiện nay thời tiết đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, trong thời gian nắng nóng, dự báo cấp cháy rừng từ cấp III - cấp V, đơn vị yêu cầu toàn thể viên chức và người lao động sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh điều động.

Chỉ đạo các trạm quản lý bảo vệ rừng bố trí lực lượng túc trực chòi canh lửa 24/24 giờ trong những ngày dự báo cấp cháy rừng từ cấp III - cấp V. Kịp thời nắm bắt tình hình các vùng, tuyến, điểm có nguy cơ xâm hại rừng cao, dễ xảy ra cháy rừng để tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng, trực PCCCR phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn quản lý.

Thường xuyên nhắc nhở các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện nghiêm túc theo lịch trực bảo vệ rừng được phân công. Tăng cường công tác kiểm soát người dân ra vào lâm phần quản lý. Thực hiện kiểm tra thông tin cá nhân, mục đích ra vào rừng, các dụng cụ, vật dụng dễ gây ra cháy rừng nhằm đảm bảo cho công tác phòng cháy và chữa cháy rừng hiệu quả.

“Nhờ thực hiện tốt phương án quản lý bảo vệ rừng, PCCCR đã xây dựng nên từ đầu năm đến nay, trên diện tích rừng của đơn vị được bảo vệ tốt, không có tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép, không có cháy rừng xảy ra”, ông Ngọc cho hay.

Tại Ban Quản lý RPHLV sông Bến Hải, với diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ gần 20.270 ha, trong đó diện tích rừng phòng hộ là hơn 17.000 ha. Thời điểm này, công tác bảo vệ rừng, PCCCR đã được đơn vị triển khai đồng bộ từ hoàn chỉnh phương án, kế hoạch huy động lực lượng, lịch trực PCCCR đến xây dựng các tình huống giả định cháy rừng phức tạp để thực tập chữa cháy.

Các phương tiện, trang thiết bị được sửa chữa và bảo quản đúng quy định, đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Phó Giám đốc Ban Quản lý RPHLV sông Bến Hải Hoàng Duy Quang cho biết, bước vào mùa nắng nóng, cùng với tăng cường các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR đến người dân sinh sống gần rừng phòng hộ, đơn vị đã bố trí lực lượng trực canh lửa rừng 24/24 giờ tại 5 điểm, các vị trí đảm bảo cho quan sát, nắm bắt kịp thời các điểm cháy rừng; chuẩn bị lực lượng thường trực sẵn sàng huy động khi xảy ra cháy rừng.

Đồng thời tổ chức tu sửa lại hệ thống đường lâm nghiệp để thuận lợi cho việc huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; luỗng phát thực bì tại các đường ranh cản lửa nhằm hạn chế sự lây lan của đám cháy khi có cháy rừng xảy ra. “Nhờ chủ động trong công tác PCCCR nên năm 2024 trên lâm phần do đơn vị quản lý chỉ xảy ra 3 vụ cháy và được phát hiện, dập tắt kịp thời, không có thiệt hại về rừng”, ông Quang cho hay.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Phan Văn Phước thông tin, toàn tỉnh hiện có hơn 276.200 ha diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng; trong đó các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ quản lý hơn 112.700 ha.

Bên cạnh đó, các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp: Triệu Hải, Bến Hải, Đường 9 hiện cũng đang quản lý, bảo vệ diện tích rừng khá lớn, lên đến hơn 17.000 ha. Để chủ động trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, hằng năm Sở NN&MT yêu cầu các ban quản lý tổ chức rà soát, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng, phương án PCCCR đảm bảo chủ động, kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót đã được phát hiện.

Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí bảo đảm phục vụ công tác PCCCR trên địa bàn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác PCCCR, trong đó phương châm là lấy phòng ngừa là chính, chữa cháy phải được thực hiện từ sớm, từ cơ sở.

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chủ rừng biện pháp sử dụng lửa an toàn khi đốt nương, rẫy, đồng ruộng, đốt thực bì để chuẩn bị đất trồng rừng. Nghiêm cấm mọi hành vi đốt nương, làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, ven rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV trở lên.

Đôn đốc, kiểm tra công tác PCCCR tại các ban quản lý, các địa phương, nhất là các khu vực trọng điểm có nguy cơ cao, khu vực hằng năm thường xảy ra cháy rừng. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng, phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ GIS và các công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực, chất lượng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng...

Lê An

Nguồn: https://baoquangtri.vn/tang-cuong-phong-chay-chua-chay-rung-mua-nang-nong-193622.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm