Hoạt động giao dịch ngân hàng tại một chi nhánh ngân hàng thương mại ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Qua đó, đây là dịp để kết nối giữa chính quyền địa phương, ngân hàng và doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, thúc đẩy các chương trình, hoạt động hỗ trợ DN.
Vốn tín dụng ngân hàng là nguồn lực quan trọng
Theo NHNN chi nhánh khu vực 12, xác định vốn tín dụng ngân hàng là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh của xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thời gian qua, ngành ngân hàng trong khu vực đã tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và đã đạt kết quả khá tích cực.
Giám đốc NHNN chi nhánh khu vực 12 Tạ Thành Long chia sẻ, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 3-2025 ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 0,86% so với đầu năm 2025, trong đó Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận tăng trưởng khá.
Tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục tăng trưởng ổn định. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN được triển khai hiệu quả trong thời gian qua, trực tiếp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần thúc đẩy phục hồi và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương.
Các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng trong khu vực cũng đẩy mạnh các chương trình cho vay để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Phùng Thị Bình cho biết, khu vực 12 gồm các tỉnh nằm trong khu vực Đông Nam Bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi đây nhiều năm qua luôn dẫn đầu cả nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu...
Năm 2025, tín dụng của Agribank trong khu vực 12 dự kiến tăng 12%, tương đương mức tăng hơn 19 ngàn tỷ đồng. Quy mô dư nợ ở khu vực Đông Nam Bộ của Agribank sẽ tăng lên 178 ngàn tỷ đồng. Từ đầu năm 2025, Agribank đã đưa ra nhiều sản phẩm cho vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 1-2%. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động tham gia nhiều chương trình của Chính phủ như: đầu tư các dự án liên kết vùng, cơ sở hạ tầng, logistics, xuất khẩu, nhà ở xã hội…
Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai Phạm Thành Vinh cho biết, chi nhánh xác định việc phát triển tín dụng, phát triển khách hàng tín dụng mới, khơi thông nguồn vốn tín dụng hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam về cấp tín dụng, khơi thông tín dụng phục vụ nền kinh tế, hỗ trợ DN trên địa bàn tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, chi nhánh luôn cập nhật kịp thời, chủ động và nhanh chóng áp dụng các chính sách ưu tiên về lãi suất cho vay đối với DN của NHNN và hệ thống Vietcombank.
Đặc biệt là các gói vay vốn ưu đãi đối với DN sản xuất xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN công nghệ cao… (với mức giảm lãi suất từ 1-2%/năm) để kích thích nhu cầu vay vốn, giúp khách hàng DN tiết giảm chi phí tài chính trong hoạt động kinh doanh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh DƯƠNG MINH DŨNG đề nghị NHNN chi nhánh khu vực 12 tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho người dân, DN. Đồng thời, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực tạo động lực tăng trưởng tại địa phương như: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng…
Đẩy mạnh kết nối ngân hàng và doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của DN trong khu vực, rất cần tăng cường kết nối giữa các ngân hàng và DN, trong đó có triển khai các hội nghị kết nối giữa các bên liên quan. Từ đó, giúp các ngân hàng nắm bắt nhu cầu thực tế của DN, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời hỗ trợ, thúc đẩy tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên…
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất cao su Liên Anh (tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, công ty mong muốn kết nối với các ngân hàng để tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Trong đó, hiện công ty đã triển khai tiêu chuẩn về xuất khẩu bền vững sang châu Âu. Do đó, công ty có nhu cầu tiếp cận các chương trình vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, tín dụng xanh để thúc đẩy sản xuất bền vững.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Lê Bạch Long kiến nghị, NHNN khu vực 12 nói riêng và NHNN Việt Nam nói chung, cần có những chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN nhỏ và vừa, nhất là khoản vay trung và dài hạn, thúc đẩy dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, nhiều DN cũng đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn linh hoạt hơn trong điều kiện vay vốn, đặc biệt là đối với DN đã có lịch sử tín dụng tốt.
Để hỗ trợ DN tiếp cận các gói tín dụng hiệu quả hơn, đại diện Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cũng kiến nghị ngành ngân hàng cần xây dựng các gói tín dụng lãi suất thấp dành riêng cho các DN nhỏ và vừa, nhất là DN trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu; hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng xanh để DN đầu tư vào công nghệ sạch, hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, có những giải pháp hỗ trợ DN nâng cao năng lực tài chính, kết nối DN và các tổ chức tư vấn tài chính để xây dựng chiến lược quản lý dòng tiền và kiểm soát rủi ro tài chính…
Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, khu vực 12 gồm các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Đây là vùng kinh tế năng động của cả nước, có tầm ảnh hưởng lớn nhờ vào sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics và đô thị hóa, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, vào thu hút đầu tư nước ngoài và giải quyết việc làm. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng để thu hút vốn huy động cũng như khả năng tăng quy mô dư nợ tín dụng.
Do đó, lãnh đạo NHNN Việt Nam đề nghị NHNN chi nhánh khu vực 12 tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho ngân hàng trung ương và cho cấp ủy, chính quyền địa phương để có những chính sách phù hợp góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hải Quân
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/dong-nam-bo/202504/tang-nguon-von-tin-dung-ho-tro-san-xuat-kinh-doanh-1d90b61/
Bình luận (0)